Vàng lậu lại nóng
Sau một thời gian “im hơi lặng tiếng”, giá vàng lại gây “sóng gió” trên thị trường tài chính khi tăng vọt lên gần 60 triệu đồng mỗi lượng. Song, điểm đáng chú ý là giá vàng trong nước tiếp tục cao hơn giá vàng thế giới tới gần 10 triệu đồng mỗi lượng, khiến cho tình trạng buôn lậu vàng lại “nóng”.
Trong tuần qua, giá vàng thế giới tăng mạnh kéo theo giá vàng trong nước cũng tăng theo. So với cùng thời điểm của tuần trước, giá vàng thế giới đã tăng tới 35 USD/ounce và hiện đang giao dịch quanh mức 1.787 USD/ounce, còn giá vàng trong nước cũng tăng từ 400.000 - 600.000 đồng mỗi lượng và hiện đang giao dịch quanh mức 57,80 triệu đồng/lượng. Nếu quy đổi theo tỷ giá của Vietcombank thì giá vàng trong nước đang cao hơn vàng thế giới tới hơn 9 triệu đồng mỗi lượng, trong đó “đỉnh” được lập vào ngày 10 đến 12/10, chênh lệch giá vàng nội - ngoại lên đến 9,58 triệu đồng mỗi lượng.
Tuy nhiên, dù thị trường có sóng, song lượng giao dịch không vì thế mà sôi động, do tình trạng dịch bệnh khiến thị trường đóng băng. Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty Vàng Đối tác mới (NPJ), thì giới kinh doanh vàng “neo” ở mức cao để giữ giá là chính, chứ không phản ánh đúng những diễn biến trên thị trường là khi lực mua cao hơn lực bán mới đẩy chênh lệch giá trong và ngoài nước tăng cao.
Nguyên nhân của việc “neo” giá này là vì vàng là hàng hóa doanh nghiệp trong nước không tự sản xuất được nên phải nhập khẩu. Bởi vậy, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới do chịu thêm các chi phí khác như phí vận tải, bảo hiểm…
Thêm nữa, từ năm 2012 đến nay, theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quản lý nguồn vàng nhập khẩu, khi nào cần thiết mới nhập để chế tác nữ trang, khiến cho nguồn cung khan hiếm. Ngoài ra, hiện tượng người dân hạn chế bán vàng ra cũng phần nào khiến nguồn cung trên thị trường thiếu hụt. Thứ nữa, có hiện tượng đầu cơ, một số doanh nghiệp đã đẩy giá vàng lên khi họ thấy nguồn cung không đủ.
Điều đáng nói, gần như là quy luật, khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới không liên thông với nhau, thì sẽ gây xuất hiện vàng lậu. Từ nhiều năm nay, thị trường vàng lậu vẫn luôn tồn tại song song với thị trường vàng nhập khẩu chính thống. Thực tế, thi thoảng lực lượng chức năng cũng “khui” ra được một số vụ buôn lậu vàng, nhưng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Đáng chú ý, mới đây, theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, sau một thời gian im ắng, vàng lậu lại nóng trở lại, nhất là ở biên giới Tây Nam, khi lực lượng chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ buôn lậu vàng khối lượng lớn. Mới đây, ngày 27/9, Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương (Cục Hải quan An Giang) và Tổ công tác kiểm soát cửa khẩu đường bộ thuộc Trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương phối hợp kiểm soát tại khu vực cửa khẩu đường bộ, phát hiện Nguyễn Văn Nghiệp (thường trú ấp 5, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang), điều khiển môtô không biển kiểm soát, phía sau chở 2 giỏ xách chứa hơn 2,2kg trang sức màu vàng (nghi là vàng), ước trị giá khoảng 2,7 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 9/9, Tổ công tác Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên) chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên (Cục Hải quan An Giang) kiểm tra một xe ôtô tải đi từ hướng cổng nhập số 1 (hướng từ Campuchia về Việt Nam) phát hiện cất giấu hơn 2,8kg vàng trang sức các loại. Cũng tại cửa khẩu Tịnh Biên, vào hồi tháng 5/2021, lực lượng Biên phòng phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên phát hiện bà Huỳnh Thị Nguyên dùng xe môtô hai bánh cất giấu 5 miếng vàng 9999 và 1.040.000 riel (tiền Campuchia).
Tương tự, trên tuyến biên giới Tây Nguyên, ngày 21/9, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã phát hiện, bắt giữ một vụ vận chuyển trái phép 0,65kg vàng từ Lào về Việt Nam. Trước đó, vào tháng 8, tại cửa khẩu này cũng đã phát hiện một người đàn ông vận chuyển trái phép 1,7kg vàng từ Lào về Việt Nam…
Đặt ra nghi vấn về sự gia tăng của vàng lậu do chênh lệch giá, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, theo nguyên tắc khi có chênh lệch giá, thị trường có nhu cầu mà không đáp ứng được tất sẽ phát sinh buôn lậu.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhìn nhận nguyên lý tất yếu của thị trường là có cầu thì tất có cung. Các doanh nghiệp thời gian qua không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu nên phải mua hàng trôi nổi trên thị trường hoặc mua vàng miếng SJC để sản xuất nữ trang. Nhưng mua vàng SJC để sản xuất nữ trang thì đắt nên hàng lậu càng có cơ hội tuồn vào kênh này.
Trước thực tế này, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã kiến nghị cho phép thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế. Ngoài ra, hiệp hội này cũng kiến nghị NHNN xem xét cho sản xuất thêm một lượng vàng miếng để cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu, tránh xảy ra hiện tượng sốt giá vàng khi giá vàng quốc tế tăng mạnh trở lại. Đồng thời đề nghị Thống đốc xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ…