Vẫn “nóng” buôn lậu trên biển dù dịch COVID-19 bùng phát
Theo đánh giá của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, song tình hình tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép xảy ra trên biển đang có chiều hướng gia tăng số vụ với nhiều loại, lĩnh vực, ngành hàng khác nhau.
Các mặt hàng buôn lậu trên biển trong 8 tháng đầu năm vẫn chủ yếu là dầu DO, dầu FO, than, pháo nổ, hải sản, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Xuất hiện trở lại buôn lậu sản phẩm động vật quý hiếm
Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh Pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, qua theo dõi, trên tuyến biển, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại vẫn tập trung vào các mặt hàng truyền thống như xăng dầu, than, thuốc lá điếu, hàng điện tử, điện lạnh, thực phẩm… Bên cạnh đó, hoạt động buôn lậu các sản phẩm động vật quý hiếm từ nước ngoài về Việt Nam tiếp tục xuất hiện trở lại.
Địa bàn hoạt động chủ yếu của các đối tượng là vùng biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang và các tuyến biển quốc tế từ châu Phi, châu Úc, Đài Loan, Hồng Kông… về Việt Nam. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như: Lập các pháp nhân bình phong để hợp thức hóa giao dịch mua bán, vận chuyển; xé lẻ hàng hóa dưới mức bị xử lý hình sự (thuốc lá); sử dụng hóa đơn quay vòng; lợi dụng chính sách tạm nhập – tái xuất để thẩm lậu hàng hóa vào nội địa; lợi dụng điều kiện khó khăn của thời tiết để vận chuyển hàng lậu… Đáng chú ý, thời gian qua, tình trạng các đối tượng có hành vi manh động, chống lại lực lượng chức năng diễn ra khá phổ biến.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động nghiệp vụ trên biển cũng như công tác thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng.
Thống kê cho thấy, 8 tháng đầu năm 2021, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 500 vụ với hơn 500 đối tượng. Trong đó, lực lượng Cảnh sát biển đã khởi tố 63 vụ với 66 đối tượng; xử lý vi phạm hành chính 297 vụ với 400 đối tượng; phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 71 vụ với 112 đối tượng. Điển hình đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 39 vụ với 148 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại; tang vật thu giữ 3.467,303 tấn than; 1.847.886 lít dầu DO, 23.700kg dầu FO; 11.430kg thủy hải sản và 22kg pháo nổ.
Điển hình, ngày 18/7, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 phối hợp Cục Hải quan TP Đà Nẵng và các lực lượng chức năng khám xét lô hàng nghi sừng tê giác và xương động vật hoang dã quý hiếm nhập từ Nam Phi về cảng Đà Nẵng. Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cùng với các lực lượng chức năng đã điều động tàu CSB 4032 tính toán, đón lõng, phát hiện và giám sát hoạt động của tàu SPIRIT OF KOLKATA (tàu chở container mà các lực lượng chức năng đang giám sát); đồng thời cử Tổ công tác Vùng Cảnh sát biển 2 phối hợp Tổ công tác Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) tiến hành các biện pháp nắm bắt tình hình tàu SPIRIT OF KOLKATA vào cảng Đà Nẵng và bốc dỡ hàng.
Đến ngày 17/7, Đoàn công tác liên ngành đã tiến hành khám xét đối với container số hiệu MSDU 1006024, có số vận đơn là Meduj 1550303, số niêm phong FX 1352888. Kết quả đã phát hiện 93 thùng carton được đóng gói, bọc nilon, có kích thước, chủng loại và trọng lượng khác nhau. Tổng trọng lượng ghi nhận hơn 3,17 tấn xương các loại (nghi là xương động vật quý hiếm). Trong đó, có 52 cái (khúc) khối lượng hơn 138kg là sừng động vật (nghi là sừng tê giác).
Thiếu tướng Trần Văn Nam cho biết, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại thường câu móc với đối tượng vận chuyển hàng hóa trên biển. Hoạt động mua bán trái phép xăng, dầu thường tập trung nhiều ở vùng biển đặc quyền kinh tế phía Nam, các đối tượng thực hiện việc mua bán, rồi đưa hàng hóa vào đất liền tiêu thụ và trực tiếp bán cho các chủ tàu cá. Các đối tượng sẽ triệt để sử dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại, khoa học tiên tiến để liên lạc, vận chuyển, giám sát, cảnh giới… phục vụ các hoạt động phi pháp.
Đấu tranh mạnh với hành vi lợi dụng dịch bệnh để vận chuyển hàng lậu
Theo nhận định của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, hiện nay dịch COVID-19 ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp và kéo dài dẫn đến việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi, vi phạm pháp luật như buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa… gia tăng. Trong đó, buôn lậu, vận chuyển các mặt hàng như xăng dầu, than, ma túy… qua đường biển luôn có nguy cơ cao. Do vậy, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm pháp luật trên biển cần có những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực và quyết liệt hơn.
Theo Thiếu tướng Trần Văn Nam, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên biển vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm 2021 cho dù dịch bệnh COVID-19 vẫn đang bùng phát và lây lan trên diện rộng. Các đối tượng sẽ lợi dụng sự khó khăn của giao thương, vận chuyển, sự khan hiếm cục bộ của hàng hóa, nhu yếu phẩm do dịch bệnh; lợi dụng việc các cơ quan chức năng tập trung tham gia phòng, chống dịch bệnh, để tiến hành hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật.
Các khu vực trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại từ nay đến cuối năm sẽ tập trung tại các khu vực biển trọng điểm như Đông Bắc, cửa Vịnh Bắc Bộ, vùng biển miền Trung, vùng biển Tây Nam giáp ranh với các nước. Các mặt hàng chủ yếu vẫn là hàng cấm, hàng có thuế suất cao như xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, sản phẩm động vật quý hiếm… Bên cạnh đó, các đối tượng tiếp tục có sự câu kết chặt chẽ với đối tượng nước ngoài; sẽ hoạt động liều lĩnh và manh động hơn, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng.
Để công tác đấu tranh với các loại hình tội phạm trên biển đạt hiệu quả cao, theo Thiếu tướng Trần Văn Nam, Bộ Tư lệnh yêu cầu các đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ở các vùng biển trọng điểm; phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, bắt giữ, xử lý các vụ việc vi phạm. Đặc biệt, để góp phần đưa Luật Cảnh sát biển Việt Nam đi vào cuộc sống, lực lượng Cảnh sát biển đã phối hợp với UBND các tỉnh ven biển tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam kết hợp phát tờ rơi tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật trên biển cho ngư dân, thuyền viên, phương tiện có hoạt động trên biển… giúp lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển.