Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số
Sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023 được tổ chức nhằm truyền thông rộng rãi kết quả ngành Ngân hàng đạt được sau 2 năm triển khai Quyết định 810/QĐ-NHNN, đồng thời hưởng ứng thông điệp của Thủ tướng Chính phủ “Năm 2023 - năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”.
Sáng 18/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ trì tổ chức sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023 với chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số”. Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo Hội nghị. Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng đại diện nhiều bộ ngành tham dự Hội nghị.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ sau 2 năm triển khai kế hoạch chuyển đổi số trên nhiều mặt.
NHNN đã quán triệt chỉ đạo triển khai tích cực Đề án 06, ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai số 01/KHPH-NHNN-BCA với Bộ Công an gồm 11 nhóm nhiệm vụ lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể, hướng tới việc ứng dụng dữ liệu dân cư để đem lại các tiện ích, lợi ích mới cho khách hàng.
Hiện nay, NHNN đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, "làm sạch" 25 triệu khách hàng thông tin tín dụng và phục vụ cho nhiều hoạt động nghiệp vụ khác. Các tổ chức tín dụng đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các công nghệ số tiên tiến như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo/học máy.... nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm - dịch vụ mang tính cá nhân hóa cao, phù hợp với nhu cầu, hành trình khách hàng.
Nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID; "làm sạch" thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư…
Những kết quả này đã được minh chứng qua những thông tin nổi bật như: nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới; khoảng 74,63% người trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng; 3,71 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở, trong đó hơn 70% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Bên cạnh đó, một số chỉ số đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng như tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, tỷ lệ dịch vụ công của NHNN đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4...
Đánh giá NHNN là một điểm sáng về chuyển đổi số, đứng thứ tư về xếp hạng chuyển đổi số quốc gia, thứ nhất về an toàn thông tin, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin 99% hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến hoàn chỉnh; trên 50% các nhiệm vụ được giao trong chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 đã được NHNN hoàn thành; kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia đặc biệt là cơ sở dữ liệu về dân cư đã thu được kết quả bước đầu khả quan.
Thông tin về việc triển khai Đề án 06, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, theo đề án 06, chúng ta sẽ kết nối dữ liệu giữa doanh nghiệp, dân cư, thuế, bảo hiểm như lộ trình đã đặt ra. Dự thảo 39 của Thống đốc NHNN đang xin ý kiến và sắp tới sẽ triển khai có mục tiêu là triển khai tiện ích vay tín chấp theo mức độ tăng dần về giá trị và hiệu quả. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy rằng, muốn cho vay tín chấp, ngoài cơ sở dữ liệu về dân cư thì còn phải căn cứ vào mức độ tham gia thuế, bảo hiểm xã hội… để xác định doanh nghiệp có tồn tại.
Trong giai đoạn vừa qua, có những doanh nghiệp “ma”, khai khống thuế, khai khống bảo hiểm… thì trong thời gian tới sẽ xác thực để phục vụ cho ứng dụng, chia sẻ trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó là một số liên thông thông qua nền tảng dữ liệu, ví dụ như liên thông về khai sinh, khai tử… sẽ phức tạp lên. Đây là những dữ liệu sẽ được xác thực và làm giàu hơn, đảm bảo an toàn hơn.
Theo lộ trình thực hiện, Đề án 06 có 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao thu thập dữ liệu dân cư quốc gia và sản xuất cấp thể căn cước công dân gắn chip điện tử. Chúng ta đã thực hiện được kế hoạch năm 2021 đạt 50 triệu căn cước công dân và tuyên bố thực hiện đúng lộ trình của Luật Cư trú sửa đổi. Đến cuối năm 2021, chúng ta đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào việc hoàn thành 2 nhóm dữ liệu đó để xây dựng Đề án 06 ngày 6/1/2022 nhằm triển khai chuyển đổi số cho tầm nhìn 2025 và 2030.
Các nhiệm vụ rất cụ thể của Đề án 06, đó là 8 nhiệm vụ ở trên Trung ương và 8 nhiệm vụ của địa phương. Đến tháng 12/2022, chúng ta đã xác nhận lại những bước đi bắt đầu của Đề án 06 về việc ứng dụng và phát triển được 3 nội dung là trung tâm dư liệu dân cư, trung tâm xác thực và trung tâm căn cước công dân gắn chip điện tử.
Như vậy, với 25 dịch vụ công trực tuyến, chúng ta cơ bản đáp ứng, Thủ tướng đã ra Chỉ thị 05 để chỉ đạo tiếp tục thực hiện Đề án 06, theo đó lấy năm 2023 là năm dữ liệu và chúng ta sẽ tiến tới làm trung tâm dữ liệu quốc gia để phục vụ chuyển đổi số; dữ liệu với mỗi ngành, mỗi cấp; đảm bảo dữ liệu liên tục “đúng - đủ - sạch - sống” để kết nối và chia sẻ, bảo đảm hoạt động chung của các ngành, trong đó có ngành ngân hàng. Khi chúng ta thực hiện xong thì việc chứa dữ liệu cho các ngành và chia sẻ dữ liệu sẽ đảm bảo thuận lợi hơn.
“Về đảm bảo an toàn dữ liệu, chúng ta không có bước đi đầu tiên thì sẽ không có bước đi tiếp theo, cho nên các bước đi đã rất thận trọng thì chúng ta cũng nên mạnh bạo để tiếp cận và triển khai. Ban chỉ đạo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trực tiếp, Phó Thủ tướng tham gia, Tổ công tác có những đồng chí tại các vụ, cục…, chúng ta sẽ có những định hướng cũng như hướng dẫn để thực hiện an toàn và phát triển được trong tương lai.
Trong buổi hôm nay, chúng tôi rất hoan nghênh việc tổ chức sự kiện Chuyển đổi số lần 2, sau lần 1/5/2022 có Thủ tướng Chính phủ đến dự. Sau ngày hôm nay, chúng ta đã có những bước tiến rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc ban hành các văn bản thể chế hóa của ngành Ngân hàng một cách đồng bộ là việc rất là quan trọng. Nếu chúng ta không ban hành kịp thời thì sẽ không đảm bảo được các hành động để thực hiện theo các quy chế quy định mà Ngân hàng ban hành. Việc đã và đang triển khai mạnh mẽ về thể chế cũng cần sớm công bố để xã hội và người dân được biết”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao NHNN đã lựa chọn thông điệp Chuyển đổi số của ngành Ngân hàng năm nay là “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số”. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng bày tỏ sự ấn tượng về những thành quả mà Ngành ngân hàng đã đạt được. “Những thông tin về sản phẩm dịch vụ, số liệu về tốc độ tăng trưởng,.. là minh chứng thuyết phục về những kết quả chuyển đổi số mà ngành ngân hàng đã đạt được như tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đạt 74,63%; tốc độ tăng trưởng thanh toán kênh di động, mã QR tăng trưởng hàng năm đạt trên 100%; nhiều chỉ số đã đạt và vượt so với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch chuyển đổi số của Ngành,... Nhiều dịch vụ ngân hàng có thể được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, có ngay kết quả; Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được thiết kế phù hợp cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cũng được tiếp cận, sử dụng...", Phó Thủ tướng nói.
Đặc biệt ngành Ngân hàng cũng đã và đang tích cực triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ để ứng dụng dữ liệu dân cư trong các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng với nhiều sản phẩm - dịch vụ thiết thực, phục vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược và là vấn đề mới, khó, phức tạp; do đó cần tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Và như Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2022, Chuyển đổi số cần chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động, triển khai rộng khắp nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; làm thực chất, hiệu quả, tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí; Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn, không phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục quán triệt, thống nhất, quyết liệt tổ chức triển khai tốt một số nhóm nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn. Phó Thủ tướng cho rằng, xu hướng toàn cầu hoá, chuyển đổi số cũng sẽ đi liền với rủi ro về tội phạm công nghệ cao, an ninh tiền tệ ngày càng gia tăng với các thủ đoạn tinh vi, diễn biến phức tạp. Vì vậy, công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng cần được quan tâm chú trọng, cần có sự cân bằng hợp lý giữa đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ với đầu tư cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin; giữa trải nghiệm, thuận tiện khách hàng với bảo mật dữ liệu, bảo vệ khách hàng khi giao dịch trên kênh số. NHNN phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để bảo đảm an toàn, an ninh, ngăn chặn kịp thời các đối tượng tấn công có chủ đích vào hệ thống ngân hàng.
Phó Thủ tướng tin tưởng với sự vào cuộc trách nhiệm, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, NHNN sẽ tiếp tục có những thành quả lớn hơn nữa trong câu chuyện chuyển đổi số.