Tỷ giá đã bớt căng thẳng
Ngày 12/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm cặp đồng tiền VND/USD được áp dụng trong ngày ở mức 23.253 VND/USD, giảm tiếp 10 đồng so với công bố trước. Với biên độ +/-3% theo quy định, tỷ giá sàn là 22.555 VND/USD, tỷ giá trần 23.951 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, giá USD cũng giảm tương ứng với mức giảm của tỷ giá trung tâm. Trước đó, tỷ giá VND/USD cũng đã giảm phiên cuối tuần, sau khi tăng một mạch 4 phiên liên tiếp, do sự tác động từ sự mạnh lên của đồng USD trên thế giới. Số liệu thống kê cho thấy đồng USD hiện đang trải qua quá trình tăng giá rất mạnh ít thấy trong hơn 1 thập kỷ.
Sự tăng giá của đồng USD khiến hàng nhập khẩu đắt hơn, gây bất ổn cho hệ thống tài chính và thúc đẩy tỷ lệ lạm phát của các nền kinh tế khác. Chỉ số đo lường đồng USD của FED so với một rổ đồng tiền của những nền kinh tế phát triển đã tăng 10% từ đầu năm đến nay, lên mức cao nhất kể từ năm 2002. Nếu so sánh với rổ đồng tiền các nền kinh tế mới nổi thì chỉ số này tăng 3,7% và vẫn thấp hơn mức đỉnh năm 2020 khi đại dịch diễn ra.
Theo nhận định, trong ngắn hạn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát là một trong những áp lực lớn nhất đối với tỷ giá USD/VND. Hiện tại, lạm phát tại Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ những năm 1980. FED dù đã tăng lãi suất rất mạnh từ đầu năm đến nay nhưng lãi suất điều hành chỉ mới dừng lại ở mức tương đương vùng lãi suất của năm 2019.
Công ty Chứng khoán SSI cho rằng mặc dù VND đã có một số thông tin tích cực liên quan đến nguồn cung ngoại tệ (cán cân thương mại tháng 8 ước tính thặng dư tới 2,4 tỷ USD), tuy nhiên diễn biến tỷ giá vẫn đang chịu nhiều áp lực. Và thực tế cho thấy, trong tuần đầu tháng 9/2022, NHNN đã phải tăng giá bán USD hỗ trợ thị trường.
"Áp lực về mặt tỷ giá vẫn còn tương đối lớn khi đồng USD duy trì sức mạnh với việc chỉ số US Dollar Index (DXY) đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Điểm tích cực trong giai đoạn này (khác với thời điểm tháng 7) là diễn biến tỷ giá trên thị trường tự do tương đối ổn định, và chênh lệch với thị trường niêm yết không quá cao", nhóm nghiên cứu tại SSI nhận định và cho rằng tâm điểm thị trường trong thời gian tới là việc NHNN phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng còn lại cho các ngân hàng và diễn biến tỷ giá cũng như các biện pháp điều hành của NHNN nhằm ổn định tỷ giá.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, áp lực mất giá hiện tại của đồng VND chủ yếu do đồng USD lên giá, trong khi Việt Nam vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, lãi suất thực còn dương và thặng dư thương mại. Do đó, BVSC duy trì dự báo, với sức mạnh nội tại cùng các biện pháp điều hành linh hoạt của NHNN, VND sẽ không mất giá quá 3% trong năm 2022.
Còn từ phía cá nhân, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế dự báo, nhiều khả năng lạm phát năm nay sẽ ở mức 3,8-4,2%. Với mức lạm phát này, tỷ giá hối đoái sẽ biến động ở mức 2-2,5%, tức là chỉ xoay quanh mức như hiện nay. Được biết, trước áp lực về tỷ giá, một số ý kiến đã đề xuất phá giá VND. Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cho biết quan điểm điều hành tiền tệ vẫn phải đảm bảo việc ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối là điều quan trọng nhất để nền kinh tế hồi phục nhanh, bền vững.