Tuyên truyền chống hàng giả cho người kinh doanh trên nền tảng số
Nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, thì việc kinh doanh trên nền tảng số như thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên nền tảng số vô cùng cam go do các đối tượng sử dụng website giả, trang TMĐT bán hàng giả, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok … bán hàng thật, hàng giả lẫn lộn.
Theo số liệu của Cục QLTT TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2023 đã kiểm tra 1.805 vụ, tạm giữ hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng giả có tổng trị giá ước tính hơn 46,8 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực TMĐT, QLTT chỉ mới kiểm tra, xử lý được 14 vụ vi phạm với các hành vi: Không thông báo website TMĐT bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không công bố đầy đủ hoặc công bố không chính xác trên website TMĐT bán hàng; vi phạm thông tin hàng hóa, dịch vụ, giá cả, vận chuyển - giao nhận, các phương thức thanh toán. Hàng hóa tạm giữ gồm 12.097 đơn vị sản phẩm các loại là hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, có trị giá hơn 370 triệu đồng.
Số liệu trên cho thấy, mặc dù số vụ vi phạm bị phát hiện khá lớn nhưng tập trung chủ yếu ở các điểm kinh doanh trực tiếp, còn số vụ vi phạm bị xử lý trên nền tảng trực tuyến rất ít, trong khi thực tế tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT đang ồ ạt, phổ biến trên các sàn TMĐT, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok,... Lý do khiến các vụ vi phạm trên môi trường TMĐT khó bị xử lý, là do phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Cụ thể, nhiều đối tượng kinh doanh không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt hàng trực tuyến, chủ yếu sử dụng dịch vụ vận chuyển để giao hàng; các đối tượng che giấu thông tin cá nhân, địa chỉ liên lạc,... nên khi bị người tiêu dùng (NTD) khiếu nại hay cơ quan chức năng “sờ gáy” thì chủ kinh doanh đã “biến mất”.
Ông Mai Ngọc Thạch, Thành viên HĐQT Công ty CP Anh Khuê Watch, Tập đoàn Bitex Group cho rằng: Sàn TMĐT bán rộng khắp cả nước, nếu sàn TMĐT có bán hàng giả thì có tung bao nhiêu lực lượng thực thi để kiểm tra, truy vết thì cũng không đủ, mà phải ngăn chặn ngay từ các sàn TMĐT chứ khi hàng đã ra thị trường rồi thì truy vết rất khó khăn. Cần có những biện pháp chế tài cụ thể từ sàn TMĐT cũng như từ người bán hàng, để họ không dám bán hàng gian, hàng giả, kém chất lượng trên sàn. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ NTD cũng như uy tín của sàn TMĐT.
Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nón Sơn cho rằng, hiện nay mức phạt đối với hàng giả là 500 triệu đồng là quá nhỏ so với “siêu lợi nhuận” từ hàng giả mang lại. Cần phải có mức phạt thật cao, rút giấy phép vĩnh viễn, cưỡng chế tiêu hủy toàn bộ hàng hóa tang vật. Còn xử lý hình sự thì cần phải đẩy nhanh tiến độ điều tra, xét xử. Có như vậy thì mới mong nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái được đẩy lùi.
TMĐT là loại hình kinh doanh tiên tiến, là xu thế phát triển không thể đảo ngược. Trong những năm gần đây, TMĐT ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh khoảng 30-35% mỗi năm. Vì vậy, làm sạch môi trường kinh doanh trên TMĐT cần có sự chung tay của NTD, người kinh doanh và cơ quan kiểm tra, kiểm soát thị trường. Để thực hiện việc này, mới đây Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã tổ chức các buổi tập huấn cho gần 550 đại diện DN, tiểu thương và hộ kinh doanh trên địa bàn quận 12 và quận Gò Vấp về “Kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số”.
Tại buổi tập huấn, đại diện các DN, tiểu thương, hộ kinh doanh được trang bị kiến thức tổng quan về chuyển đổi số và xu hướng phát triển của TMĐT; các kênh bán hàng online phổ biến hiện nay, kỹ năng kinh doanh trên nền tảng Tiktok, Lazada…; các chính sách, quy định về nghĩa vụ thuế phải thực hiện khi bán hàng online; các quy định của pháp luật cần biết khi tham gia kinh doanh trên môi trường mạng.
Sau khi nghe tuyên truyền, vận động, gần 550 đại diện các DN, tiểu thương, hộ kinh doanh trên địa bàn quận 12 và quận Gò Vấp cũng đã đồng ý ký cam kết với QLTT, nội dung: “Không vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền SHTT”.
Ngày 29/3/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Chống hàng giả và bảo vệ NTD trong TMĐT đến năm 2025”. Trong đó có mục tiêu: 100% các sàn TMĐT lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả; 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT lớn được tuyên truyền phổ biến pháp luật về TMĐT, hàng hóa kinh doanh; 100% NTD được tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền của NTD.