Truy xuất nguồn gốc để chặn hàng giả

Thứ Sáu, 29/07/2022, 06:55

Chia sẻ tại tọa đàm “Nhận diện và giải pháp ngăn chặn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 28/7, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT, Bộ Công Thương) cho hay, nạn hàng giả đang tăng cả quy mô và số lượng vụ việc kể từ đầu năm nay.

Ông Trần Hữu Linh cho biết, mặt trận chống hàng giả tiếp tục diễn ra dai dẳng, đặc biệt giai đoạn trong và sau dịch COVID-19. Năm 2022, khi dịch COVID-19 bắt đầu giảm đi, thì tốc độ cũng như quy mô và tính phức tạp của hàng giả, ngày càng tinh vi hơn. Ví dụ, nếu như trước kia, hàng giả thường tập trung vào một số mặt hàng như: Mỹ phẩm, đồ gia dụng… thì nay, thêm nhiều mặt hàng giả khác xuất hiện trên thị trường.

buon lau.jpg -0
Lực lượng chức năng kiểm tra số hàng giả bị bắt giữ.

Điển hình như xăng giả, xăng kém chất lượng rất phổ biến. Bên cạnh đó là phân bón trộn đất và xỉ, làm giả phân bón thật, giả làm vật tư nông nghiệp... Sáu tháng đầu năm, số lượng cũng như quy mô vụ việc liên quan đến hàng giả càng ngày gia tăng. Lực lượng QLTT đã kiểm tra và phát hiện ra rất nhiều vụ việc có dấu hiệu giả mạo hoàn toàn các thương hiệu nổi tiếng.

Mới đây, Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh cùng với Công an tỉnh Bắc Ninh vừa kiểm tra bắt giữ một số lượng rất lớn 20 tấn nước hoa của các thương hiệu nổi tiếng có dấu hiệu giả mạo hoàn toàn, rồi những đồ gia dụng, vật tư y tế, giả cả những nhãn mác của thực phẩm...

“Môi trường để cho hàng giả đưa vào lưu thông ngày càng dễ dàng. Chẳng hạn như kinh doanh qua sàn thương mại điện tử (TMĐT), bán online. Trước đây, vận chuyển, buôn bán hàng giả thì chui lủi nhưng giờ thì đi công khai qua cả các hãng chuyển phát khiến lực lượng chức năng khó đối phó,” ông Trần Hữu Linh nói.

Theo số liệu từ lực lượng QLTT, trong 6 tháng đầu năm 2022, có hơn 30.000 vụ việc vi phạm đã được các lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý; hơn 17.300 vụ vi phạm; phạt vi phạm hành chính trên 113 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 54 vụ việc.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Phạm Quốc Lộc, Thành viên Ban lãnh đạo Công ty TNHH URC Việt Nam, Giám đốc Nhà máy URC Hà Nội bày tỏ, có một thực tế là trên thị trường, những mặt hàng càng có thương hiệu nổi tiếng, người tiêu dùng càng biết đến nhiều thì càng bị làm giả, làm nhái và phân phối rộng rãi. Việc khách hàng mua phải hàng giả, hàng nhái không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ mà doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng về thương hiệu và uy tín.

Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bên cạnh việc chú trọng vào chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, URC cũng không ngừng đầu tư về kỹ thuật, nghiên cứu công nghệ và thực hiện những chiến dịch truyền thông để người tiêu dùng phân biệt được những nhãn hàng chính hãng.

Ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho rằng, việc chống hàng giả phải “đi tắt đón đầu”, đi trước 1 bước. “Ngay cả cái tem chống giả cũng bị làm giả rất nhiều mà chẳng có tác dụng gì cả. Hiện tại, Hiệp hội lại phải đi tìm ra có đơn vị nào là có công nghệ cao hơn để làm tem mà không thể làm giả được”, ông Nguyễn Đăng Sinh nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS Bộ Công Thương), nhiều người tiêu dùng dù biết là hàng giả nhưng vẫn chuộng tên tuổi, thương hiệu món hàng đó vì giá rẻ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến nạn hàng giả trên sàn TMĐT để ngăn chặn.

Để hạn chế rủi ro, ông Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, khi mua trực tuyến, người tiêu dùng nên xem đánh giá của những người tiêu dùng trước hoặc là của các doanh nghiệp đánh giá về doanh nghiệp đó, mức độ uy tín của doanh nhập đó trên thị trường thay vì mua được món hàng giảm giá không ưng ý. Bên cạnh đó, các chủ sàn TMĐT cũng cần nâng cao trách nhiệm chống hàng giả theo các quy định của Nghị định mới như Nghị định 85/2021.

Còn theo ông Trần Hữu Linh, muốn chống hàng giả về căn cơ và tận gốc thì quốc gia phải có một hệ thống để truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Tới đây, Tổng cục QLTT sẽ trình Bộ Công Thương để trình Chính phủ trong năm nay. Bên cạnh đó, cần chống hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường TMĐT một cách có trọng tâm, trọng điểm.

Tiến sĩ Bùi Kim Hiếu - Trưởng khoa luật Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh; Trưởng ban Luật Dân Sự, Viện Nghiên cứu pháp luật bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng cho biết, dưới góc độ luật pháp, khung pháp lý đã được điều chỉnh khá rõ để bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp cũng như cho người tiêu dùng trong trường hợp bị vi phạm. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật dân sự cũng cho phép là các chủ thể khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Vấn đề là chúng ta phải chứng minh được thiệt hại xảy ra như thế nào trong trường hợp đó.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, các doanh nghiệp phải xác lập quyền sở hữu của mình đối với nhãn hiệu hoặc là đối với kiểu dáng thông qua đăng ký bảo hộ dưới góc độ của Luật Sở hữu trí tuệ và bảo hộ nhãn hiệu; bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, bảo hộ sáng chế và xác lập quyền tác giả; đăng ký bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hoặc trong phạm vi vùng hoặc lãnh thổ nào đó.

Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự hoàn thiện các chính sách, đặc biệt là những chính sách liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có những cam kết đối với người tiêu dùng và thực hiện đúng các cam kết, bởi vì trong xu thế hiện nay, người tiêu dùng có nhiều cơ hội để lựa chọn.

Lưu Hiệp
.
.
.