Trung Quốc dẫn đầu số dự án đầu tư FDI mới tại Việt Nam

Chủ Nhật, 18/08/2024, 07:48

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đến nay đã có 84 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024. Xét về số vốn đầu tư, Singapore vẫn đang dẫn đầu, nhưng xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới. Dòng vốn FDI Trung Quốc vẫn đang tăng tốc đổ vào Việt Nam.

Đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới

Thời gian gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc đã tăng tốc đầu tư vào Việt Nam. Năm 2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam tới 4,47 tỷ USD, tăng 77,6% so với năm 2022. Ngoài ra, 707 dự án mới, 179 dự án điều chỉnh vốn và 412 lượt góp vốn, mua cổ phần đã được các nhà đầu tư Trung Quốc đăng ký vào Việt Nam. Trong khi đó, 5 tháng đầu năm nay, con số là 347 dự án mới, 55 lượt dự án điều chỉnh vốn và 172 lượt góp vốn, mua cổ phần, với tổng vốn đăng ký 1,126 tỷ USD, đứng vị trí thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam.

998_0r7a7796.jpeg -0
Các nhà đầu tư Trung Quốc đã tăng tốc đầu tư vào Việt Nam.

Đáng chú ý, dòng đầu tư này đang có sự gia tăng mạnh mẽ vào công nghiệp hỗ trợ để cung cấp cho các tập đoàn sản xuất thế giới tại Việt Nam. Mới đây, Tập đoàn BOE Bắc Kinh đầu tư nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh tại KCN Phú Mỹ 3 (Bà Rịa-Vũng Tàu) với tổng vốn 277,5 triệu USD, chuyên lắp ráp và sản xuất màn hình cho máy vi tính, tivi, bo mạch…, dự kiến hoạt động năm 2026. Năm 2019, BOE Bắc Kinh cũng đưa vào hoạt động nhà máy ở Đồng Nai.

Đến nay, nhiều dự án trị giá hàng trăm triệu USD, thậm chí lên tới cả tỉ USD từ Trung Quốc như Goertek, BYD, Radian, Brotex, Wingtech, Deli, Trina Solar… đã có mặt tại Việt Nam. Gần đây nhất là dự án liên doanh với Tập đoàn Geleximco, sản xuất xe điện Omoda và Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery Trung Quốc) trị giá hơn 800 triệu USD. Hiện nay, dư địa đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam còn rất nhiều, đặc biệt là những dự án lớn, trọng điểm. Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao cũng được doanh nghiệp hai nước thúc đẩy mạnh mẽ.

Bình Dương là địa phương thu hút mạnh đầu tư FDI trên cả nước, trong đó Trung Quốc nhiều nhất với hơn 1.660 dự án, tổng vốn trên 10 tỷ USD (tính cuối năm nay). Tại tỉnh Bắc Ninh, với 105 dự án FDI được cấp phép trong quí đầu năm 2024 thì hơn phân nửa (60 dự án) là của nhà đầu tư Trung Quốc. Theo Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm thương mại Quốc tế điện tử Trung Việt Trung Liang Yang Hong, để đón làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam, công ty đã đầu tư một cụm nhà xưởng công nghiệp ở Bắc Ninh (Việt Nam) và đã sớm được lấp đầy. Doanh nghiệp cũng xây tòa nhà trung tâm thương mại tại thành phố Bắc Ninh, nơi sẽ là trung tâm văn phòng cho các doanh nghiệp điện tử và cũng là nơi trưng bày - mua bán các sản phẩm, linh kiện điện tử.

Mới đây, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã tiếp và làm việc với đoàn doanh nghiệp (DN) Trung Quốc. Ông Si Zhong Wu, Giám đốc Goldwind International Đông Nam Á, đại diện các DN trong chuỗi cung ứng sản xuất linh kiện cho tuabin điện gió tại Trung Quốc, cho biết dịp này, đoàn muốn khảo sát và chọn địa điểm đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp tuabin điện gió công nghệ cao tại Khu phi thuế quan, logistics và công nghiệp Lạch Huyện (Hải Phòng).

Trước đó, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư của Hải Phòng, tổ chức ở TP Thâm Quyến (Trung Quốc), lãnh đạo TP Hải Phòng đã trao 7 giấy chứng nhận đăng ký mới và mở rộng đầu tư cho các nhà đầu tư Trung Quốc với tổng vốn gần 200 triệu USD. Các lĩnh vực DN Trung Quốc mở rộng đầu tư dịp này chủ yếu trong sản xuất tấm năng lượng mặt trời, linh kiện điện tử, gia công phụ tùng ôtô... Cũng tại sự kiện này, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cũng ký kết 4 biên bản ghi nhớ với các nhà đầu tư lớn của Trung Quốc.

TP Hải Phòng xác định Trung Quốc là thị trường ưu tiên hàng đầu, trọng điểm và chiến lược trong quá trình hợp tác, thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại và đầu tư. Đến nay, Hải Phòng đã có 405 dự án đầu tư từ Trung Quốc với tổng số vốn đạt 6,14 tỷ USD (bao gồm Trung Quốc đại lục, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc). Hiện, Hải Phòng có 2 khu công nghiệp được đầu tư bởi nhà đầu tư Trung Quốc là Khu công nghiệp An Dương do Tập đoàn Thâm Quyến Holdings làm chủ đầu tư và Khu công nghiệp Đồ Sơn. Các DN Trung Quốc hàng năm xuất khẩu 5,34 tỷ USD, sử dụng 58.000 lao động, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Bộ KH&ĐT cho biết, đã có 84 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024. Trong đó, Singapo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,58 tỷ USD. Tiếp đó là Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc,… Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 29,1%), tăng gấp 7 lần và trở thành nhà đầu tư lớn thứ 6/146 đối tác đầu tư vào Việt Nam. Trong năm 2023, hợp tác đầu tư có bước tiến đột phá, Trung Quốc đã vươn lên trở thành đối tác dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư mới ở Việt Nam (tính đến tháng 3/2024, Trung Quốc có 4.418 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 27,6 tỷ USD).

Hoan nghênh các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao

Theo các chuyên gia, Việt Nam sở hữu vị trí chiến lược quan trọng, tiếp giáp với Trung Quốc, đáp ứng các điều kiện giúp nhà đầu tư tối ưu chi phí vận chuyển, kết nối ổn định chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Theo Chủ tịch Tập đoàn Sailun kiêm Chủ tịch Công ty TNHH Sailun Việt Nam Lưu Yến Hoa, Sailun đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tất cả các dòng lốp xe của tập đoàn tại tỉnh Tây Ninh, thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển tại TP Hồ Chí Minh và lập liên doanh với Cooper Tires năm 2019 với tổng vốn đầu tư đến nay khoảng 1,5 tỷ USD.

Theo bà Lưu Yến Hoa, nhà máy tại Tây Ninh là cơ sở sản xuất lớn nhất ở nước ngoài của Tập đoàn Sailun, tạo việc làm cho 7.000 nhân viên. Nhà máy đang sử dụng 100% nguồn cao su tự nhiên của Việt Nam. Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu phát triển tại TP Hồ Chí Minh cũng là trung tâm nghiên cứu phát triển lớn nhất của Tập đoàn Sailun ở nước ngoài.

Về xu hướng tăng tốc đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, điều tích cực là cùng với việc tăng tốc đầu tư vào Việt Nam, đã xuất hiện nhiều tập đoàn có quy mô quốc tế trong các lĩnh vực công nghệ, điện - điện tử, chế biến, chế tạo, hạ tầng cơ sở, năng lượng tái tạo, xe điện… đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Đó là các dự án hàng trăm triệu USD, thậm chí lên tới cả tỷ USD của Goertek, BYD, rồi các dự án lốp xe Radian, sản xuất sợi Brotex… Thực tế quan sát cho thấy, nếu vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam trước đây thường tập trung vào các ngành nghề sản xuất, gia công đồ gỗ gia dụng, sắt thép, giày da, may mặc, chế biến thực phẩm, bao bì nhựa… thì mấy năm trở lại đây, vốn Trung Quốc chuyển dịch sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ôtô, năng lượng xanh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, với mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, tạo sự kết nối lan tỏa giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực, như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, ôtô điện, pin điện, cơ sở hạ tầng thiết yếu, hình thành trung tâm tài chính quốc tế, tài chính xanh, đô thị thông minh, khu công nghiệp sinh thái, khu thương mại tự do…          

Lưu Hiệp
.
.
.