Triển vọng mới cho nghề câu cá ngừ đại dương

Thứ Bảy, 11/12/2021, 06:35

Nằm ở ven biển khu Nam Trung bộ, tỉnh Phú Yên là nơi khởi đầu nghề câu cá ngừ đại dương (CNĐD) hơn 30 năm qua. Nghề này không chỉ là bước đột phá phát triển kinh tế thủy sản, mà còn góp phần đổi mới đời sống hàng chục ngàn gia đình ngư dân ở địa phương này.

Đến nay, toàn tỉnh Phú Yên có 4.106 tàu cá, trong đó 2.676 tàu có chiều dài dưới 12m hành nghề ở vùng biển ven bờ, 775 tàu dài từ 12-15m khai thác hải sản vùng lộng và 655 tàu cá dài trên 15m hoạt động vùng khơi. Năm 2020, tổng sản lượng khai thác thủy sản trên biển của tỉnh Phú Yên đạt 61.639 tấn, trong đó CNĐD đạt 3.100 tấn.

ca ngu 2.jpg -0
Ngư dân Phú Yên đưa cá ngừ đại dương lên bờ bán cho thương lái.

Đến năm 2021 mặc dù vấp phải rất nhiều khó khăn do giá xăng dầu biến động tăng bất thường, dịch bệnh COVID-19 khởi phát, nhân lực nghề cá thiếu nghiêm trọng, nhưng tổng sản lượng khai thác trên biển của tỉnh Phú Yên vẫn đạt gần 61.000 tấn, trong đó CNĐD đạt gần 3.000 tấn.

Điều đáng ghi nhận là tỉnh Phú Yên đã nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) như khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC), góp phần khắc phục “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam.

Bằng nhiều biện pháp quyết liệt với sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, kịp thời của Sở NN&PTNT, Bộ đội Biên phòng, Công an, Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên cùng chính quyền các địa phương ven biển, trong 3 năm qua (2019-2021) không có một tàu cá nào của ngư dân Phú Yên bị nhà chức trách nước bạn bắt giữ với lý do xâm phạm vùng biển của họ để khai thác thủy sản; 95,4% tàu cá được phép hoạt động vùng khơi đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nên cơ quan chức trách có thể kiểm soát từ xa, kịp thời phát hiện, cảnh báo những trường hợp tàu cá “chớm chạm” vùng biển nước bạn khi đang bám đuổi luồng cá.

Nói về nghề câu CNĐD, nhiều ngư dân chia sẻ, mỗi chuyến đi biển của họ ít nhất phải 1 tháng, trong khi giá CNĐD biến động bất thường, lúc cao điểm giá mỗi cân CNĐD loại 1 từ 130–135 nghìn đồng, nhưng cũng có lúc tụt xuống 85– 90 nghìn đồng, còn hiện nay giá mỗi cân 125 nghìn đồng.

Theo ông Hà Viên, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Phú Yên, toàn tỉnh chỉ có cảng cá Đông Tác ở TP Tuy Hòa đón tàu chuyên nghề câu CNĐD và cũng là nơi neo đậu an toàn của hơn 600 tàu cá. Tại cảng này có 8 doanh nghiệp đặt cơ sở thu mua CNĐD, nguồn thu nhập của ngư dân không chỉ là sản lượng, mà còn phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm, giá cả và nhu cầu thị trường từng thời điểm.

Về chất lượng CNĐD, lão ngư Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa cho biết: “Dù có tuổi nghề hơn 30 năm, nhưng đa số ngư dân CNĐD ở Phú Yên vẫn còn vận hành truyền thống từ khâu khai thác đến sơ chế và bảo quản với phương pháp “đập đầu, bóc tách nội tạng, ướp đá”, mà chưa có điều kiện đầu tư đồng bộ về phương tiện, ngư cụ hiện đại, áp dụng kỹ thuật tiến bộ. Nếu làm tốt khâu sơ chế, bảo quản trong suốt chuyến biển thì chất lượng sản phẩm tốt hơn, nguồn thu nhập tăng thêm từ 15-20%”.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên cũng nói rằng, thách thức lớn nhất trong hoạt động khai thác CNĐD ở tỉnh này là hầu hết là tàu cá vỏ gỗ dài dưới 24m, thiết bị bảo quản CNĐD còn thô sơ trong khi thời gian khai thác dài ngày, nên khi về đến cảng thì chất lượng sản phẩm giảm sút. Mặt khác, cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần tại các cảng cá chưa đáp ứng về quy mô và chất lượng; chợ đấu giá CNĐD chưa có nên ngư dân gặp khó về giá cả, thị trường tiêu thụ.

Để nâng cao chất lượng, giá trị CNĐD, Phú Yên không chỉ tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới trong khai thác, sơ chế, bảo quản CNĐD, mà tập trung xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm CNĐD; tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật tàu cá, nghề cá, kỹ thuật bảo quản, chế biến CNĐD; xây dựng liên kết các bên theo chuỗi giá trị giữa các tổ, hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu thủy sản ở Việt Nam với các doanh nghiệp nhập khẩu CNĐD ở nước ngoài.

Bên cạnh đó cần tổ chức các đội tàu cá tham gia đề án, phát triển sản xuất CNĐD chất lượng cao, thu mua, xuất khẩu thông qua giám sát quá trình đánh bắt, sơ chế, bảo quản và vận chuyển CNĐD; tiếp tục tăng cường nâng cao hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Trong giai đoạn 2022 – 2025 cần ưu tiên đầu tư nâng cấp cảng cá Đông Tác thành cảng CNĐD và cũng là chợ đấu giá CNĐD ở Phú Yên.

Một triển vọng mới đã mở ra, đó là trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ngày 24/11/2021, tỉnh Phú Yên đã ký biên bản hợp tác với Tập đoàn Kiyomura của “Vua cá ngừ” Nhật Bản Kiyoshi Kimura. Hoạt động này mở ra cơ hội trong nghề câu CNĐD của Phú Yên để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng nguồn thu nhập bền vững cho ngư dân từ những ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, thân thiện với môi trường khai thác thủy sản.

Nhật Bản là nước có trình độ kỹ thuật rất cao về khai thác, sơ chế và bảo quản CNĐD đảm bảo chất lượng, giá trị dinh dưỡng. Sau khi ký kết hợp tác, hai bên sẽ triển khai nhiều hoạt động để trao đổi kinh nghiệm, thực tiễn tốt nhất về các mô hình phát triển thủy sản, đặc biệt là tổ chức và phát triển sản phẩm CNĐD, đồng thời khởi động những dự án chung nhằm chia sẻ thông tin về khai thác kinh tế và công nghệ, quản trị và marketing sản phẩm thủy sản.

Khi hợp tác thủy sản với Nhật Bản, tỉnh Phú Yên có thể phát triển các cơ sở chế biến sản phẩm CNĐD để đáp ứng nhu cầu thị trường Nhật Bản và các thị trường cao cấp khác.

Hữu Toàn
.
.
.