Trái phiếu doanh nghiệp: Sau cơn mưa, trời lại sáng?

Thứ Sáu, 16/02/2024, 08:28

Dù có nhiều “tai tiếng”, song không thể phủ nhận vai trò kênh dẫn vốn dài hạn cho nền kinh tế của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Sau nhiều biến cố, thị trường được cho là sẽ có cơ hội khởi sắc hơn khi được “thanh lọc”.

Mặc dù, giá trị phát hành TPDN trong tháng 1/2024 khá khiêm tốn, nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2023, tổng giá trị phát hành cũng chỉ ở mức 490 tỷ đồng, nên các chuyên gia cho rằng năm 2024, thị trường TPDN vẫn “rộng cửa” đón vốn cho nền kinh tế.

tpdn.jpg -0
Trái phiếu doanh nghiệp kỳ vọng sẽ khởi sắc sau thời kỳ “thanh lọc”.

“Nhìn dài hơn cả năm 2024, mặc dù rất khó để có thể dự báo được giá trị phát hành dự kiến cả năm 2024 nhưng chúng tôi vẫn cho rằng triển vọng cho kênh huy động TPDN năm 2024 sẽ sôi động hơn năm 2023, khi ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhằm cải thiện năng lực vốn. Cùng với đó, môi trường lãi suất thấp thuận lợi cho huy động vốn dài hạn - đặc thù của TPDN.

Ngoài ra, không chỉ các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính tiêu dùng cũng sẽ bước vào giai đoạn mới tăng trưởng trở lại sau một năm 2023 suy giảm, do các vấn đề thực hành thu hồi nợ của nhiều đơn vị đã được xử lý.

Chưa kể, các thị trường bất động sản có thể cần thêm thời gian để có thể chứng kiến sự hồi phục mạnh trở lại, nhưng những biện pháp tháo gỡ pháp lý, nhất là đối với phân khúc trung và thấp cấp sẽ làm tiền đề cho việc giảm rủi ro pháp lý dự án để các chủ đầu tư có thể khôi phục hoạt động huy động vốn tín dụng, trong đó có kênh TPDN. Và quan trọng là niềm tin của nhà đầu tư từng bước được cải thiện”, FiinRatings đánh giá.

Thực tế, từ cuối năm 2023 tới đầu năm 2024, nhiều DN bất động sản (BĐS) đã chủ động mua lại trước hạn nhiều lô trái phiếu, qua đó giúp tạo thêm niềm tin vào thị trường trái phiếu địa ốc sau một năm nhiều khó khăn.

Các chuyên gia đến từ VIS Rating dự báo trong thời gian tới, các DN địa ốc có thể cải thiện khả năng trả nợ nhờ vào sự phục hồi trong hoạt động kinh doanh, tạo ra dòng tiền và khả năng tiếp cận nguồn tài chính mới. Điều này dự kiến sẽ làm chậm quá trình hình thành nợ xấu và số lượng trái phiếu mới có tiềm ẩn rủi ro tại các ngân hàng từ năm 2024.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường TPDN đang dần quay trở lại. Cùng với đó là những giải pháp cụ thể và sự phục hồi của nền kinh tế. Ông Chi cho rằng, thị trường trái phiếu năm 2024 sẽ có sự tăng trưởng bền vững, chất lượng của thị trường sẽ được nâng lên một bước đối với cả các tổ chức phát hành, các DN phát hành cũng như nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, dù lạc quan, song các chuyên gia cũng cho rằng những rủi ro đến từ những vấn đề đã phát sinh trong các năm qua vẫn còn hiện hữu và cụ thể là áp lực đáo hạn TPDN trong năm 2024 này.

Theo ước tính của VNDirect, tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn năm 2024 là khoảng 207 nghìn tỷ đồng, giảm 3%. Trong đó lớn nhất là nhóm BĐS chiếm 59,3% tổng giá trị đáo hạn, theo sau là nhóm Tài chính – Ngân hàng chiếm 29,2% tổng giá trị đáo hạn. Nếu so với giá trị đáo hạn trong năm 2023, giá trị đáo hạn của nhóm BĐS tăng 23,7%, của nhóm Tài chính – Ngân hàng tăng 69%.

Trong bối cảnh thị trường BĐS vẫn còn trầm lắng, việc tháo gỡ pháp lý cho các dự án vẫn còn chậm so với kỳ vọng, khó khăn đối với hoạt động kinh doanh các DN BĐS sẽ vẫn còn tiếp diễn. Do đó, áp lực đối với dòng tiền và vấn đề TPDN đáo hạn sẽ vẫn là thách thức lớn đối với nhóm DN BĐS trong năm 2024.

Tương tự, FiinRatings tính toán những rủi ro đến từ trái phiếu BĐS có số dư ở mức 382,0 ngàn tỷ, trái phiếu ngành xây dựng và vật liệu ở mức 72,5 nghìn tỷ và trái phiếu ngành du lịch và giải trí ở mức 75,8 ngàn tỷ. Đây là những ngành vẫn còn gặp nhiều khó khăn và quan trọng hơn là chất lượng các tổ chức phát hành đã huy động trong các năm trước về cơ bản ở mức thấp và có nhiều công ty dự án với tiềm lực tài chính còn mỏng hoặc mới đi vào hoạt động.

Để thị trường TPDN phát triển lành mạnh, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển khuyến nghị cần có kế hoạch kiểm soát chất lượng TPDN niêm yết lên sàn. “Hiện nay, chúng ta đang vận hành theo cách: TPDN do DN phát hành sẽ niêm yết lên sàn, nhưng Sở Giao dịch chứng khoán chưa kiểm soát chất lượng, điều đó làm các nhà đầu tư cá nhân còn lo ngại chất lượng trái phiếu niêm yết. Một khi Sở Giao dịch chứng khoán có tiêu chuẩn chọn lọc TPDN niêm yết như tiêu chuẩn với cổ phiếu; và các tổ chức xếp hạng uy tín thực hiện đánh giá DN có trái phiếu niêm yết một cách thường xuyên định kỳ, thì thị trường trái phiếu sẽ sôi động như các nước; và DN có thực lực sẽ sử dụng kênh này thuận lợi cho việc huy động vốn. Với các điều kiện như vậy, hy vọng những chính sách mạnh mẽ của Nhà nước và các chuyển động theo hướng nhận diện để ứng xử đúng sẽ giúp thị trường ngày càng ổn định, phát triển hiệu quả, minh bạch hơn”, ông Hiển phân tích.

Hà An
.
.
.