Trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng giữa rủi ro và lợi ích

Thứ Ba, 17/08/2021, 07:23

Được xem là kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp trong khi tín dụng ngân hàng đã ở ngưỡng giới hạn 1,5% GPD, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang vào thời điểm “phất”, là kênh lựa chọn của nhiều nhà đầu tư.

Tuy nhiên, rủi ro trên thị trường này là rất lớn, thậm chí được ví như một “quả bom nổ chậm”. Làm thế nào để cân bằng giữa lợi ích và rủi ro- đây là câu hỏi được các chuyên gia đi tìm lời giải đáp tại tọa đàm trực tuyến: “Trái phiếu doanh nghiêp - Cân bằng lợi ích nhà phát hành và nhà đầu tư”, do VNEconomy tổ chức ngày 16/8.

Vàng thau lẫn lộn

Với hơn 10 năm hình thành và phát triển, thị trường TPDN đang ngày càng khẳng định vai trò góp phần cân đối kênh dẫn vốn trên thị trường tài chính; giúp các doanh nghiệp huy động vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, giảm dần sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng. Hai năm trở lại đây, sự phát triển đột phá của thị trường TPDN về mặt quy mô đã gây ra sự chú ý lớn đối với xã hội.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, trong hai năm liên tiếp 2019, 2020, tổng giá trị TPDN phát hành thành công vượt tổng giá trị trái phiếu Chính phủ phát hành trên thị trường. Tính riêng năm 2020, giá trị phát hành TPDN đạt mức kỷ lục 429,5 nghìn tỷ VND, tăng 28,3% so với năm 2019. Còn theo dữ liệu công bố mới nhất của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 7 tháng đầu năm 2021, có 376 đợt phát hành TPDN trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 235.094 tỷ đồng, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm 2020.

Trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng giữa rủi ro và lợi ích -0
 Hầu hết nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp theo “phong trào”.

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là thị trường phát triển nóng kèm theo các bất cập, trong đó có các nhà đầu tư cá nhân đang mua TPDN chủ yếu theo "phong trào"- tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, hiện người dân, nhà đầu tư nhỏ lẻ đang tiếp cận TPDN vì họ thấy “bóng dáng” của ngân hàng đứng đằng sau trái phiếu.

Tuy nhiên, chỉ số ít trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh thanh toán, còn phần lớn trái phiếu chỉ được bảo lãnh phát hành - nghĩa là, nếu phát hành không hết, ngân hàng sẽ cam kết mua toàn bộ số trái phiếu còn lại, đồng nghĩa rủi ro với nhà đầu tư rất lớn nếu doanh nghiệp phát hành vỡ nợ. Ngoài ra, lượng trái phiếu đang hiện hành chủ yếu không có tài sản bảo đảm hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu. Trong khi, cổ phiếu thì biến động theo thị trường. Trường hợp là tài sản bảo đảm khác thì nhà đầu tư cũng không có quyền lực để thu giữ tài sản bảo đảm như ngân hàng. Thậm chí, khi doanh nghiệp bị vỡ nợ, tài sản bảo đảm cũng sẽ phải trả theo thứ tự ưu tiên: Thuế cho Chính phủ; trả lương cho người lao động; trả nợ ngân hàng… gần cuối cùng mới đến người mua trái phiếu. Vì thế TPDN được cảnh báo là “hiểm họa”, là “bom nổ chậm” và nhiều lần các cơ quan nhà nước đã phải đưa ra cảnh báo cũng như quy định để siết chặt.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Fiin Ratings cho rằng, có một thực tế trớ trêu là hầu hết các nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, theo tiêu chí có tài sản danh mục hơn 2 tỷ đồng, có khi không biết về chỉ số cơ bản khi tham gia thị trường TPDN. Còn doanh nghiệp, tổ chức phát hành thì “vàng thau lẫn lộn”. Một số doanh nghiệp có tài sản thế chấp nhưng trong phương pháp luận của xếp hạng tín nhiệm thì tài sản thế chấp không có giá trị nhiều lắm, ngoại trừ với ngân hàng phát hành riêng lẻ.

“Nếu đầu tư vào trái phiếu, niêm yết hay không niêm yết, ai dám đảm bảo niêm yết trả nợ tốt hơn? Do đó, với vai trò là tổ chức xếp hạng tín nhiệm dù còn mới nhưng tôi hy vọng sẽ giúp được nhà đầu tư yếu thế nhỏ lẻ giảm bớt rủi ro, đồng thời giúp doanh nghiệp phát hành xây dựng hồ sơ năng lực tín dụng tốt hơn, hỗ trợ cơ quan quản lý xây dựng chính sách quy chuẩn về đầu tư trái phiếu cho hợp lý”, ông Thuân góp ý.

Phải công bằng và minh bạch thông tin

Góp ý về góc độ pháp lý, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính phân tích ba khía cạnh. Thứ nhất, với thị trường tài chính nói chung trái phiếu nói riêng thì quan trọng nhất là công bằng và thực thi. Đang có sự bất cân đối về thông tin giữa người bán và người mua, nếu như người bán nắm nhiều thông tin hơn mà không công bố minh bạch thông tin để cho người mua biết thì giá cả có sự sai lệch. Người mua cảm thấy không nắm được chất lượng có tương xứng với giá cả bỏ ra không thì họ không tham gia mua, thị trường trái phiếu sẽ không phát triển được.

Thứ hai, tính hiệu lực của quy định pháp lý. Nhà nước đảm bảo hiệu lực các quy định bằng các thanh tra, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng quá trình này tốn nhiều chi phí. Thị trường càng phát triển càng để ngỏ các vi phạm dễ xảy ra nhưng bù lại cần có chế tài xử phạt nghiêm minh, thậm chí có tính răn đe cao thì sản phẩm càng tốt, độ an toàn cao thì người ta sẽ tham gia thị trường tốt hơn.

Thứ ba, khía cạnh hiệu quả thị trường, hiệu quả quy định pháp lý. “Các quy định pháp lý một mặt phải nắm bắt được giao dịch của các chủ thể, nhưng mặt khác phải thông thoáng để thị trường phát triển. Tôi cảm nhận cơ quan quản lý chưa theo kịp tốc độ phát triển thị trường”, ông Độ nói.

Trong khi đó, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, Quyền Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán VnDirect cho rằng, cần tìm điểm cân bằng giữa rủi ro và lợi ích. “Để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường vốn nói chung, đòi hỏi sự phát triển đồng bộ của tất cả các thành phần tham gia vào sự vận hành của thị trường. Dù ở góc độ nào, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư, đều phải đặt ra bài toán cân bằng giữa rủi ro và lợi ích.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, một mặt vừa muốn phát triển thị trường, mặt khác, muốn đảm bảo sự phát triển đó phải lành mạnh, không xảy ra khủng hoảng, đứt gãy. Nếu quản lý quá chặt, thị trường không phát triển được, lỏng quá thì gây khủng hoảng, vì vậy, cơ quan quản lý luôn luôn phải quan sát, điều chỉnh chính sách kịp thời và hài hòa”, ông Quỳnh góp ý và cho rằng điều quan trọng là, khung pháp lý phải đảm bảo các thông tin trong quá trình vận hành của các bên đều chính xác, minh bạch. Doanh nghiệp nào công bố thông tin sai, thiếu minh bạch, thì hệ thống pháp lý phải có khả năng giám sát, kiểm tra. Đồng thời, thực thi pháp luật một cách chuẩn chỉ, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, những hành vi cố tình bóp méo thông tin trên thị trường để lừa đảo, dẫn dắt các nhà đầu tư đi sai hướng.

Hà An
.
.
.