Trái cây do nông dân lai tạo hút hàng
Nhãn siêu trái, mít sầu riêng,… là những giống do nông dân lai tạo được nhiều khách hàng săn lùng nhờ hương vị đặc biệt và giá bán cao gấp nhiều lần so với loại trái cây khác.
Những ngày đầu tháng 6, ông Nguyễn Văn Phúc (ngụ xã Chánh An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) tất bật thu hoạch giống nhãn siêu trái để giao cho siêu thị với giá khá cao. "Đầu vụ, tôi bán cho siêu thị ở Nha Trang, TP Hồ Chí Minh với giá là 100.000 đồng/kg. Mấy ngày nay giá có giảm do đang vào vụ thu hoạch rộ nhiều loại trái cây, siêu thị tiêu thụ chậm. Tuy nhiên, giá bán nhãn siêu trái vẫn cao gấp 3-4 lần các loại nhãn khác. Tôi đã bán khoảng 4 tấn, dự kiến trong năm nay sẽ thu hoạch và bán khoảng 20 tấn trái", ông Phúc nói.
Các đây vài năm, một người cháu tặng lão nông này giống nhãn của Mỹ, ăn thấy ngon nên ông lấy hạt gieo nhưng khi cây lớn lại không cho trái. Ông nghĩ ra cách ghép giống nhãn này với nhãn Ido nhiều năm tuổi trong vườn nhà. Không ngờ, giống nhãn lai tạo rất sai trái, mỗi chùm trái nặng từ 3-6kg, mỗi ký khoảng 55-60 trái. Có dịp ăn thử nhãn siêu trái, bà Lê Thị Tươi (ngụ xã Chánh An) nhận xét: "Nhãn này có cơm dày, khô nước, vị ngọt thanh chứ không ngọt gắt như những loại nhãn khác. Tôi có mua cây giống của ông Phúc về trồng thử thì thấy rất nhẹ công chăm sóc, nếu đạt năng suất sẽ triển khai trồng trên diện tích lớn".
Loại mít sầu riêng do ông Nguyễn Hữu Khang (ngụ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) lai tạo cũng đang "sốt" trên thị trường.
Ông Khang nói: "Giá bán tại vườn là 70.000 đồng/kg, đa số là khách lẻ đến vườn để ăn thử loại mít có hương vị sầu riêng "độc, lạ". Cũng có khách ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh liên hệ tôi cung cấp sản lượng lớn nhưng tôi từ chối".
Vài năm về trước, khi làm việc tại Đài Loan, ông Khang đã ăn thử loại trái gọi là mít sầu riêng. Trái có hình dạng giống mít tố nữ ở Việt Nam nhưng có hương vị sầu riêng. Thấy lạ miệng, ông đã mua cây giống, cắt nhánh đem về Việt Nam. Năm 2021, ông ghép nhánh trên với nhiều gốc mít khác rồi trồng thử nghiệm tại vườn nhà. Khoảng 18 tháng sau, những cây được ghép ra trái, trung bình mỗi cây cho khoảng 20 trái, nặng từ 2,5-3kg/trái. Giống mít lai độc đáo này thu hút sự chú ý của nhiều người trong khoảng 2 năm qua.
Theo ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hậu Lộc (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long), từ năm 2019, nhiều hộ trong xã đã chuyển trồng chuyên canh mít ruột đỏ có nguồn gốc từ Malaysia. Đến nay, xã có khoảng 86ha trồng loại mít này. Mít ruột đỏ thu hút người tiêu dùng bởi có màu cam đậm rất bắt mắt, múi mít dày, càng để lâu, mít càng đỏ và ngọt, múi mít cũng mềm hơn, ít xơ, giòn, vị ngọt đậm và thơm. "Mít ruột đỏ có giá bán trung bình từ 60.000-70.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 100.000 đồng/kg. 1ha cho năng suất khoảng 30 tấn, với giá bán như trên, nông dân lãi từ 1,5-1,6 tỉ đồng", ông Nam thông tin.
Không nên trồng ồ ạt giống mới trồng
Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, trước đây khi có thông tin ông Khang trồng mít sầu riêng, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ và phòng đã đến vườn ông Khang khảo sát. "Ngành NN&PTNT hoan nghênh việc nông dân lai tạo ra giống mới, góp phần làm phong phú cho cây ăn trái của địa phương. Tuy nhiên, đối với giống cây ăn trái thì theo quy định, nếu cây đã cho trái ổn định cũng phải theo dõi vài năm để đánh giá chất lượng, năng suất, khi nào đạt mới công nhận là cây đầu dòng, sau đó mới được nhân giống", ông Trần Thái Nghiêm, Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ thông tin. Theo đó, phải mất 4-5 năm mới đủ cơ sở công nhận để nhân giống đối với mít, 8 năm trở lên đối với sầu riêng... Đối với giống cây mới như "mít sầu riêng", cần phải khảo sát đặc tính thích nghi như thế nào mới nhân rộng. Đôi khi giống này chỉ thích hợp ở Tân Lộc (quận Thốt Nốt) còn trồng tại nơi khác thì không phát triển. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt mua cây giống có đặc tính mới lạ về trồng như cây chủ lực với quy mô lớn, mà nên chờ cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá.