TP Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL hợp tác cùng nhau phát triển
Ngày 29/11, tại TP Cần Thơ, UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp với UBND các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức Hội nghị sơ kết “Thoả thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2023-2024 và triển khai kế hoạch năm 2024-2025”.
Dự hội nghị có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành uỷ Cần Thơ; Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cùng lãnh đạo UBND các tỉnh ĐBSCL, bộ, ngành và doanh nghiệp (DN).
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố đã cùng nhau phân tích đánh giá những kết quả đã đạt được và đề xuất các giải pháp liên kết, hợp tác giai đoạn 2024-2025.
Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tiềm năng hợp tác giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL là rất lớn và các địa phương cũng kỳ vọng rất nhiều.
Lãnh đạo thành phố mong muốn lắng nghe ý kiến của các địa phương, đại diện các doanh nghiệp về những giải pháp hiệu quả để hợp tác đạt được những kết quả thiết thực hơn trong thời gian tới, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL. Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh rất trăn trở và rất mong muốn có bước đột phá, thiết thực, sẵn sàng cùng các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng tham gia để triển khai hợp tác thực chất, hiệu quả…
Theo đồng chí Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh với Cần Thơ cùng các tỉnh ĐBSCL có sự phối hợp khá tốt. Nhiều lĩnh vực liên kết, hợp tác bước đầu đã mang lại hiệu quả rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội nhưng kết quả trên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các địa phương.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh tiềm năng của các tỉnh vùng ĐBSCL còn rất lớn, cần phải bám sát Quy hoạch của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để vừa tập trung phát triển đúng và trúng; có sự liên kết chặt chẽ từ chủ trương chính sách cụ thể cho đến các kế hoạch cụ thể của thành phố Hồ Chí Minh với thành phố Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL trong liên kết vùng; tập trung các nội dung giai đoạn 2024-2025 như phát triển hạ tầng giao thông phải đồng bộ, nâng cấp mở rộng cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương; dự án đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ; tuyến đường ven biển kết nối thành phố Hồ Chí Minh - vùng ĐBSCL.
Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp các tỉnh, thành ĐBSCL trong nghiên cứu khai thác các tuyến vận tải đường thủy; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực phát triển du lịch, hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển các lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động,…
Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội từ tháng 3/2023 trên 6 lĩnh vực, trọng tâm phát triển hạ tầng giao thông, phát triển du lịch, kết nối cung cầu - xúc tiến đầu tư, thương mại, hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực và một số lĩnh vực hợp tác song phương.
Trong năm 2023-2024, đã triển khai nhiều chương trình hợp tác cấp vùng như: kết nối doanh nghiệp, kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư - thương mại, hợp tác song phương về tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, phát triển hạ tầng giao thông, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo,… hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.
Tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành tham mưu Kế hoạch triển khai các nội dung hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, giai đoạn 2024 - 2025, trong đó tập trung phối hợp Bộ Giao thông Vận tải trong việc đề xuất Chính phủ dành nguồn lực tương xứng để đầu tư các tuyến đường vành đai, cao tốc, đường sắt, cảng biển, mở rộng đường quốc lộ, các dự án giao thông trọng điểm kết nối với các vùng,… nhằm mở hướng thuận lợi cho liên kết công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho sự phát triển của các địa phương vùng ĐBSCL.