Tổng cục Hải quan nói gì về thủ tục hải quan nhập khẩu xăng dầu?
Chiều 14/10, Tổng cục Hải quan đã thông tin về tình hình xuất nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối trong 9 tháng 2022, đồng thời đánh giá về tác động của quy định lắp đặt thiết bị đo bồn chứa đến tình hình nhập khẩu xăng dầu.
Trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra chiều 12/10, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu, gây ra tình trạng thiếu xăng cục bộ vừa qua là do một số doanh nghiệp không nhập khẩu được xăng dầu vì chưa có kết nối điện tử nên cơ quan hải quan không thông quan.
Liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu xăng dầu, Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan này đã có văn bản số 3642/TCHQ-GSQL ngày 31/8/2022 chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện thông quan nhanh chóng đối với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu.
Đồng thời bố trí cán bộ, công chức trực giải quyết thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát và xử lý vướng mắc đối với xăng dầu nhập khẩu kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính đảm bảo thông quan 24/7. Chủ động nắm sát tình hình thực tế, giải quyết các vướng mắc phát sinh, chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Về việc thực hiện Nghị định số 67/2020/NĐ-CP về điều kiện kiểm tra, giám sát kho xăng dầu thì thương nhân kinh doanh xăng dầu có 2 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực để hoàn thiện điều kiện theo quy định như lắp đặt thiết bị đo mức bồn, bể tự động kết nối trực tuyến số lượng xăng dầu xuất, nhập, tồn kho với cơ quan hải quan. Thời gian thực hiện tính từ ngày 10/8/2022. Trong thời gian qua, Tổng cục Hải quan cũng không nhận được phản ánh vướng mắc từ phía các doanh nghiệp khi triển khai Nghị định số 67 nêu trên.
Hiện nay có 46 trên tổng số 52 kho xăng dầu đầu mối (chiếm gần 88,5%) đáp ứng quy định tại Nghị định số 67 về việc lắp đặt và kết nối thiết bị đo mức bồn bể tự động với cơ quan hải quan; 6 kho (chiếm 11,5%) chưa đáp ứng quy định.
Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, sản lượng sản xuất xăng dầu trong nước đáp ứng 70%, lượng xăng dầu tiêu thụ tại Việt Nam, số còn lại (30%) từ nguồn nhập khẩu.
Do vậy, "việc cơ quan hải quan tạm dừng thực hiện thủ tục hải quan tại các kho chưa có thiết bị đo bồn bể tự động, chưa kết nối với cơ quan hải quan, không ảnh hưởng đến tình hình xuất nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối", Tổng cục Hải quan khẳng định.
Thống kê của Tổng cục hải quan cho thấy, từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 30/9/2022, Việt Nam nhập khẩu hơn 6,5 triệu tấn xăng dầu thành phẩm các loại, kim ngạch đạt hơn 6,83 tỷ USD, tăng hơn 22,7% về lượng và 131,8 % về trị giá so với cùng kỳ 2021.
Qua tra cứu dữ liệu nhập khẩu mặt hàng xăng dầu (mã HS 2710) trên hệ thống GTT02 từ ngày 1/1/2022 đến ngày 30/9/2022 theo loại hình nhập kinh doanh cho thấy mức giá kê khai của mặt hàng xăng dầu trong 9 tháng đầu năm 2022 có sự chênh lệch rất lớn.
Xăng Ron 92, mức giá kê khai thấp nhất là 865 USD/1 tấn; mức giá kê khai cao nhất 1.339 USD/ tấn; mức giá kê khai trung bình 1.031 USD/tấn.
Xăng Ron 95, mức giá kê khai thấp nhất là 825 USD/1 tấn; mức giá kê khai cao nhất 1.369 USD/ tấn; mức giá kê khai trung bình 1.078 USD/tấn.
Dầu D.O, mức giá kê khai thấp nhất là 610 USD/1 tấn; mức giá kê khai cao nhất 1.443 USD/ tấn; mức giá kê khai trung bình 1.039 USD/tấn.
Dầu F.O, mức giá kê khai thấp nhất là 463USD/1 tấn; mức giá kê khai cao nhất 1.158 USD/ tấn; mức giá kê khai trung bình 655 USD/tấn.
Mặt hàng xăng dầu đang chịu mức thuế GTGT 10%
Căn cứ Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 quy định hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài) là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với 3 mức thuế suất, trong đó quy định áp dụng mức thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; mức thuế suất 5% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như nước sạch, sản phẩm nông nghiệp và mức thuế suất 10% đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế còn lại.
Mặt hàng xăng dầu đang chịu mức thuế GTGT 10% tương tự như nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.
Theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thì chỉ thu thuế TTĐB đối với xăng, không thu thuế TTĐB đối với dầu các loại. Căn cứ Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Điều 7 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 sửa đổi năm 2014, mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.
Ngày 30/9/2022 Bộ Tài chính đã có tờ trình số 224/TTr-BTC trình Chính phủ về Dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm mức thuế TTĐB đối với xăng và thuế GTGT đối với xăng dầu, cụ thể: “Giảm tối đa thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn;giao UBTVQH quyết định mức giảm cụ thể thuế TTĐB đối với xăng và thuế GTGT đối với xăng dầu cũng như thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế.”