Tình trạng di cư vẫn là thách thức lớn đối với ĐBSCL

Thứ Hai, 01/08/2022, 12:29

Sự chênh lệch về mức sống và cơ hội việc làm dẫn đến luồng di cư từ ĐBSCL lên các đô thị và khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Đông Nam bộ.

Ngày 1/8, tại TP Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL 2022 và hội thảo chính sách “Phát triển ĐBSCL nhìn từ quy hoạch tích hợp”.

Báo cáo thường niên 2022 có chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp”, tập trung nghiên cứu mô hình chuyển đổi nông nghiệp, đánh giá tác động của Quy hoạch tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn 2050 theo Quyết định 287/QĐ-TTg của Thủ tướng.

Theo báo cáo, ĐBSCL đang đứng trước thử thách của ba vòng xoáy. Vòng xoáy ngân sách phản ảnh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở ĐBSCL. Vòng xoáy lao động xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm nên lao động trẻ di cư từ ĐBSCL đến các khu vực đô thị và công nghiệp ở Đông Nam Bộ. Vòng xoáy cơ cấu kinh tế là căn nguyên của hai vòng xoáy trên.

Trọng tâm nghiên cứu trong báo cáo năm nay, mục tiêu điểm gồm 3 nội dung được phân tích chuyên sâu: chuyển đổi nông nghiệp; hạ tầng giao thông và logistics; tác động của Quy hoạch tích hợp lên 3 lĩnh vực là chuyển đổi nông nghiệp, cơ sở hạ tầng giao thông, logistics và phát triển năng lượng.

nong san dbscl.jpg -0
Ở nhiều vùng quê chỉ còn người già và trẻ em, số đông thanh niên trong lứa tuổi làm việc đã chuyển đến vùng Đông Nam bộ. 

Báo cáo đề xuất 4 mục tiêu chính của chuyển đổi nông nghiệp ở ĐBSCL bao gồm: tăng thu nhập một cách ổn định, bền vững cho nông dân; hiện đại hóa nền nông nghiệp; phát triển nền kinh tế nông nghiệp theo cơ chế thị trường và phát triển nông nghiệp bền vững theo mô hình "thuận tự nhiên". 

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, ĐBSCL có vị trí chiến lược và tiềm năng, lợi thế tuyệt đối về kinh tế nông nghiệp. Hằng năm, ĐBSCL sản xuất 50% sản lượng lúa gạo cả nước, chiếm 95% xuất khẩu gạo của Việt Nam, 65% sản lượng trái cây, 75% sản lượng thủy sản và đóng góp gần 20% GDP cả nước. Đây cũng là vùng có tỷ trọng nông nghiệp lớn chiếm tới 37% GRDP trong cấu trúc kinh tế nhưng ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức lớn bởi biến đổi khí hậu, kinh tế suy giảm, thiếu hụt lao động do di cư, nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu…

Văn Vĩnh
.
.
.