Tìm giải pháp gỡ "điểm nghẽn" của dòng tiền
Trong khi lãi suất huy động tăng cao, kéo theo lãi suất cho vay tăng, doanh nghiệp (DN) vẫn khó tiếp cận vốn. Thị trường trái phiếu gặp khủng hoảng, chứng khoán tiếp tục mò đáy, giải pháp tháo gỡ "điểm nghẽn" của dòng tiền được các chuyên gia góp ý.
Câu chuyện thanh khoản trên thị trường tiền tệ không phải mới. Hết quý I/2022 câu chuyện về room tín dụng và tiếp cận vốn trên thị trường mới nổi lên rất nhức nhối. Đến giữa tháng 11/2022, sự kiện liên quan đến thị trường trái phiếu xảy ra, thì vấn đề tiếp cận vốn với DN lại càng trở nên khó khăn hơn. Việc nhà đầu tư mất niềm tin toàn bộ vào thị trường trái phiếu dẫn đến việc rút tiền đồng loạt khiến thị trường trái phiếu không thể đáp ứng được trong một thời gian ngắn. Thị trường cổ phiếu cũng bị ảnh hưởng dẫn đến DN không thể phát hành cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu được.
“Thị trường tín dụng từ giữa tháng 4/2022 đã xảy ra hiện tượng bị nghẽn tín dụng do sự tăng trưởng tín dụng nhanh và mạnh sau thời kỳ COVID-19 và các DN không tiếp cận được nguồn tín dụng. Khi các DN bất động sản không tiếp cận được vốn, thì các DN liên quan cũng không thể tiếp cận được vốn và không có nguồn để hoạt động kinh doanh, bởi doanh thu là do các DN bất động sản mang lại.
Và nó dẫn đến việc các DN sản xuất khác cũng bị ảnh hưởng do không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng và vốn tín dụng hay vốn trái phiếu. Chưa nói đến việc mở rộng sản xuất kinh doanh mà việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng càng bị thu hẹp lại”, TS. Trần Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán Smart Invest (AAS) phân tích.
Là một chuyên gia về ngân hàng, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, nhiều ý kiến đề xuất nới trần tín dụng, song dù Ngân hàng Nhà nước nới trần tín dụng, thì các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng không còn vốn để cho vay ra. Theo ông Hùng, hiện nay không chỉ các DN gặp khó khăn mà các NHTM cũng đang và sẽ rất khó khăn để cấp vốn cho nền kinh tế.
Cụ thể, theo thông lệ ngân hàng chỉ là nơi cung cấp vốn lưu động, chủ yếu là vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, DN muốn huy động vốn trung, dài hạn thì phải ra thị trường vốn. Nhưng hiện nay ngân hàng phải gánh cả vai của thị trường vốn, hậu quả là cả DN và ngân hàng đều đang mất cân đối nghiêm trọng khi xảy ra tình trạng trái phiếu chưa đến hạn đã phải trả trước hạn. "Việc phải trả cả trái phiếu chưa đến hạn, buộc DN phải lấy cả nguồn tiền sản xuất kinh doanh, thậm chí cả vốn vay ngân hàng để trả nợ. Điều này cũng khiến DN nảy ra đề xuất ngân hàng tăng room để bổ sung vốn", ông Hùng nói.
Còn từ phía ngân hàng, trong 2 năm COVID, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 3 thông tư về tái cơ cấu, giãn hoãn nợ cho DN giúp ngân hàng có thể tiếp tục cho vay và DN có vốn cho sản xuất kinh doanh. Nhưng không thể kéo dài mãi hoạt động giãn, hoãn nợ, vì ngân hàng cũng không thể có vốn nếu không thu hồi được nợ. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2022, có sự linh hoạt với diễn biến vĩ mô, tuy nhiên, theo ông Hùng, đến nay dư nợ tín dụng là 11,8 triệu tỷ đồng, tăng hơn 11% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng nguồn vốn chỉ 4,8% - như vậy dù có nới thêm room tín dụng thì NHTM cũng không có vốn để cho vay tiếp thêm.
Trước những khó khăn này, theo các chuyên gia, việc gỡ điểm nghẽn cho dòng vốn là rất quan trọng. Một số chuyên gia cho rằng “tử huyệt” của thị trường vốn hiện nay chính là trái phiếu DN, do đó, ưu tiên cần kíp nhất giai đoạn hiện nay là phải ổn định thị trường trái phiếu. TS. Lê Xuân Nghĩa tính toán khoảng 1 triệu tỷ đồng vốn đầu tư công đang bị “nhốt” tại hệ thống NHTM.
Trong bối cảnh thanh khoản thị trường cạn kiệt như hiện nay, chuyên gia này cho rằng, nên trích một nửa trong số đó (khoảng 500.000 tỷ đồng) để lập Quỹ bảo lãnh hoặc Quỹ bình ổn thị trường trái phiếu như Trung Quốc, Hàn Quốc đang làm. Về ý kiến này, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đây là kiến nghị đáng xem xét, song không dễ thực hiện.
“Cục tiền đầu tư công thuộc về tài khóa, dù chưa chi được, nhưng phải gắn với kế hoạch quyết liệt chi tiêu đầu tư công thời gian tới. Nếu chúng ta nhìn con số mấy trăm nghìn tỷ đồng thì có đóng góp rất tích cực, nhưng so với nhu cầu hiện nay (cả tín dụng hiện tại và tín dụng cấp mới) thì không phải là quá lớn”. Bổ sung thêm, TS. Thành cho rằng bên cạnh đẩy mạnh chi tiêu hàng trăm nghìn tỷ đang ứ đọng, nhất là đầu tư công thì cũng nên có sự linh hoạt trong việc sử dụng các gói hỗ trợ.
Trong khi đó, nhấn mạnh vai trò của đầu tư công, TS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng "Cần quyết liệt trong giải ngân đầu tư công. Hiện có gần 1 triệu tỷ đồng (tương đương với tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay) đang gửi tại ngân hàng mà không tiêu được. Để vậy có thể coi là lãng phí không trong khi các ngân hàng huy động vốn lãi suất cao? Ai chịu trách nhiệm? Làm sao khơi thông nguồn vốn này?
Phải quyết liệt, phải quy trách nhiệm", ông Hùng đặt vấn đề. Ngoài ra, hiện nay cả trung ương và địa phương đều có quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa với hơn 20 quỹ bảo lãnh tại các tỉnh, thành phố nhưng lại không hoạt động được. Theo đó, ông Hùng cho rằng, cần phải xem xét và khởi động lại hoạt động của các quỹ bảo lãnh- có bảo lãnh, các ngân hàng mói dám cho vay. Cùng với đó, điều DN cần nhất thời điểm hiện tại là chính sách, cơ chế của nhà nước cần nhất quán không giật cục, siết chặt, nay đúng, mai sai, rồi ngày kia lại đúng.