Tìm “đầu ra” cho sản phẩm OCOP
“Tại TP Hồ Chí Minh, một số sản phẩm nông nghiệp mặc dù chỉ mang tính chất địa phương như cà pháo, rau má Củ Chi… nhưng đã xuất khẩu (XK) đến gần 20 nước trên thế giới. Kết quả này là nhờ các sản phẩm trên đã tham gia vào chương trình OCOP”, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho biết.
OCOP là chương trình quốc gia “mỗi xã một sản phẩm” được triển khai tại các địa phương trên cả nước. Sản phẩm được lựa chọn tham gia chương trình OCOP là những sản phẩm thuần Việt, đặc sản địa phương đậm chất truyền thống.
Việc xây dựng để sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP không chỉ làm thay đổi phương thức sản xuất lạc hậu, phát triển sản xuất bền vững, mà còn hướng tới thị trường tiêu thụ rộng lớn. Bởi, khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP thì sản phẩm đó phải đạt các tiêu chuẩn về an toàn chất lượng từ nguyên liệu đầu vào, chế biến, bảo quản… cho đến khi sản phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ.
Hiện, TP Hồ Chí Minh có 66/10.000 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (trong khi trung bình mỗi tỉnh, thành trong cả nước có khoảng 160 sản phẩm OCOP). Từ nay đến cuối năm TP Hồ Chí Minh dự kiến có thêm khoảng 100 sản phẩm OCOP, nâng tổng sản phẩm OCOP của thành phố lên 166 sản phẩm.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh và các địa phương đã tập trung đầu tư để đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP tốt nhất. Tuy nhiên “đầu ra” cho sản phẩm OCOP chưa hiệu quả. Đặc biệt, kênh trực tuyến, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) chưa kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP bài bản, đa số là hoạt động kết nối tự phát giữa các doanh nghiệp (DN), hộ sản xuất với sàn TMĐT. Bà Võ Phương Thủy, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, trên địa bàn tỉnh có 357 sản phẩm được chứng nhận OCOP, nhưng hiện doanh số bán hàng ở mức khá thấp. Nguyên nhân do các chủ OCOP đa phần các chủ thể của sản phẩm OCOP là DN nhỏ và siêu nhỏ, các DN khởi nghiệp… nên việc tiếp cận công nghệ, đầu tư xây dựng thương hiệu còn yếu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú cho rằng, sản phẩm OCOP yếu “đầu ra” là do thiếu câu chuyện kể trong sản phẩm. Với câu chuyện văn hóa độc đáo sẵn có, việc bán sản phẩm OCOP không chỉ bán sản phẩm là xong, mà cao hơn nữa là còn phải kể câu chuyện về thổ nhưỡng, khí hậu, tính cộng đồng, văn hóa của từng sản phẩm. Điều này giúp sản phẩm OCOP có tính khác biệt và gia tăng giá trị.
Đến nay, rất nhiều sản phẩm OCOP ở các địa phương được đưa vào giới thiệu tại ở các các hệ thống phân phối hiện đại, nhưng chưa tiếp cận được nhiều kênh TMĐT để vươn xa ra tầm thế giới.
Ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm và tiêu dùng sàn TMĐT TiKi nhìn nhận: Hiện nay trên sàn TMĐT TiKi có 16 triệu sản phẩm, tuy nhiên sản phẩm OCOP không nhiều hầu hết là OCOP 3 sao, mức độ nhận diện thương hiệu chưa phổ biến, nên doanh thu từ các sản phẩm này còn hạn chế.
“Và cũng để hỗ trợ “đầu ra” cho sản phẩm OCOP, chúng tôi sẽ tổ chức những ngày hội đặc sản OCOP nhằm để quảng bá mạnh mẽ cho sản phẩm này. Ngoài ra, DN cũng cần lưu ý là mỗi sản phẩm OCOP khi đưa lên sàn đều phải có câu chuyện để khách hàng biết đến nhiều hơn”, ông Nhi nói.