Tìm cơ hội trong xuất khẩu thủy sản

Chủ Nhật, 01/05/2022, 07:52

Mỗi năm, ngành thủy sản xuất khẩu (XK) khoảng 9 tỷ USD. Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện giá nguyên liệu, chi phí đầu vào, chi phí hậu cần, vận tải, tăng mạnh so với đầu năm, khiến giá thành sản phẩm tăng theo làm giảm khả năng cạnh tranh trong thời gian tới.

Thủy sản Việt Nam chiếm 2% thị phần tại thị trường Nga, các mặt hàng XK chủ yếu gồm: Tôm chân trắng, cá tra, surimi, cá ngừ, cá chỉ vàng, cá cơm… là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Còn XK sang Ukraine  (là thị trường lớn thứ 53 trong số 160 thị trường XK thủy sản Việt Nam) chủ yếu các mặt hàng: tôm, cá tra, cá ngừ,…

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP nhận định: Mặc dù Nga và Ukraine không nằm trong top các thị trường XK chính của thủy sản Việt Nam, nhưng xung đột Nga - Ukraine đã có những tác động rất lớn không chỉ Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới.

Tìm cơ hội trong xuất khẩu thủy sản -0
Doanh nghiệp thủy sản trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn do tác động xung đột Nga - Ukraine.

Ngoài khó khăn trong thanh toán, việc vận chuyển hàng hóa cũng hết sức khó khăn, cước vận tải cao, nhiều cảng ngưng hoạt động bốc dỡ hàng hóa. Với lệnh trừng phạt thì hàng hóa phải chuyển hướng hoặc quay về. Trước tình hình này, rất nhiều lô hàng cá ngừ đang trên đường vận chuyển sang Nga, Ukraine đều được triệu hồi quay về. Một số các hãng tàu yêu cầu DN chuyển cảng để lưu trú trước khi chuyển hàng vào Nga. Thấy tình hình chiến sự không thể giải quyết trong ngày một ngày hai, rủi ro không thanh toán được là khá lớn, nên các DN đã chủ động kéo hàng về, gây rất nhiều chi phí tốn kém cho DN.

Không những vậy, các DN không thể ký tiếp các hợp đồng mới với các khách hàng ở Nga, Ukraine, do vấn đề tỷ giá giữa đồng rúp so với đồng đô la, vấn đề thanh toán chưa được bảo đảm khi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT bị chặn, và việc vận chuyển cũng hoàn toàn bế tắc. Mặc dù các hãng tàu đều không đồng ý vận chuyển, nhưng đề nghị DN Việt Nam chuyển cảng như xuất vào Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, rồi sau đó chuyển về Nga, Ukraine. Tuy nhiên, đây là giải pháp đầy rủi ro cho DN.

Ngành thủy sản Việt Nam hiện cung cấp 70% sản lượng cho XK, trong khi đó các loại nguyên liệu đầu vào bị lệ thuộc rất lớn vào NK. Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm giá các loại ngũ cốc tăng lên, trong khi đây là nguồn nguyên liệu rất lớn trong việc nuôi trồng, chế biến thủy sản. Ngoài ra, sản phẩm dầu hướng dương dùng trong chế biến đồ hộp thủy sản Việt Nam, được cung cấp chủ yếu từ Ukraine cũng tăng giá chưa có điểm dừng. Cuộc xung đột cũng làm tăng chi phí năng lượng, vận tải nội địa, chi phí bao bì trong giá thành sản phẩm…

Hiện, ngành thủy sản Việt Nam NK từ Nga và Ukraine khoảng 20 triệu USD mỗi năm, trong đó cá hồi chiếm đến 90% đa phần là các công ty XK Nhật Bản mua cá hồi từ Nga chuyển về Việt Nam để chế biến. Việc đó gây ảnh hưởng lớn đến các DN XK từ Nhật Bản, khiến chuỗi cung ứng thủy sản bị đứt gãy. Trong khi đó Nga là nước XK thủy sản ra thế giới đạt 6 tỷ USD (năm 2021) chủ yếu dưới dạng nguyên liệu sang nhiều nước. Riêng Nhật Bản mỗi năm NK từ Nga 2 tỷ USD, ngành sản xuất Fish và Chip của Anh quy mô 2,61 tỷ USD cũng bị lệ thuộc nguyên liệu cá Pollock từ Nga đến 40%. Những tác động này sẽ gây áp lực lên giá cả và nguồn cung, gây ảnh hưởng đến sức tiêu thụ thủy sản trong tương lai.

Theo VASEP, hiện nay chi phí NK nguyên liệu cho chế biến XK tăng cao, các nước NK cũng xem xét kỹ hơn về xuất xứ sản phẩm thủy sản, đặc biệt đối với các sản phẩm thủy sản sử dụng nguồn nguyên liệu từ Nga. Dự báo, trong năm 2022 tình hình lạm phát sẽ làm tăng giá thành chi phí cho hoạt động nuôi trồng, dẫn đến giá thành sản phẩm XK cũng như sức cạnh tranh trên thị trường. Ông Trương Đình Hòe cũng cho biết, trước thực trạng đó, ngành thủy sản đã đưa ra những giải pháp thích ứng để tìm kiếm cơ hội trong xung đột.

Bên cạnh đó, tăng cường cập nhật thông tin kịp thời từ các đối tác Nga và Ukraine để kịp thời giải quyết các phát sinh. Còn với giải pháp tác động gián tiếp: Các DN thủy sản tìm kiếm cơ hội gia tăng thị phần cá tra trước sự thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng tại các quốc gia EU. Điều chỉnh kế hoạch NK nguyên liệu thủy sản, quan tâm nhiều hơn đến khả năng gia công chế biến XK từ nguồn cá Pollock, cá Cod của Nga. Đồng thời, xây dựng chương trình xúc tiến thương mại để có thể mở rộng XK sang các thị trường trước đây tiêu thụ gián tiếp nhiều thủy sản của Nga. Ngoài ra, nghiên cứu khả năng vận dụng tốt lợi thế của Hiệp định trong Liên minh Á Âu và các Hiệp định khác để tăng XK vào các thị trường lân cận với Nga, Ukraine.

Thuý Hà
.
.
.