Tiêu được mùa được giá, nông dân phấn khởi

Thứ Hai, 21/02/2022, 08:09

Nông dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang phấn khởi bước vào vụ thu hoạch tiêu rộ do giá tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra thời tiết thuận lợi cũng giúp năng suất tăng mạnh.

Hiện tỉnh Bình Phước đang vào vụ thu hoạch tiêu rộ. Cùng mùa vụ năm ngoái, giá tiêu trung bình chỉ ở mức 45.000-50.000 đồng/kg, thì hiện giá tiêu tăng ở mức 85.000-90.000 đồng/kg, sau nhiều năm xuống đáy. Bên cạnh đó, do thời tiết “mưa thuận gió hòa”, sản lượng theo dự đoán cũng tăng hơn 30% so với năm trước.

Ông Giang Văn Phúc ở xã Thiện Hưng, huyện Biên giới Bù Đốp, giáp biên giới Vương quốc Campuchia, một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất Bình Phước cho biết: “Gia đình tôi có hơn 2ha đất trồng tiêu hơn 10 năm tuổi. Ngay sau khi ăn tết xong, gia đình tôi tất bật thuê người để thu hoạch vì tiêu chín rộ, đỏ cả trụ. Năm nay nhà nào trồng tiêu cũng vui vì gía cả tăng gấp đôi, lên đến 85.000-90.000 đồng/kg. Tiêu rất sai, chất lượng hạt cao. Năm trước 2ha tiêu của nhà tôi thu 4 tấn, năm nay dự kiến sẽ cho thu hơn 6 tấn”.

2.jpg -0
Nông dân xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước thu hoạch hồ tiêu.

Tương tự, hộ chị Nguyễn Thị Mỳ ở xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp có 2.000 nọc tiêu hơn 15 năm tuổi, được mùa được giá nên không còn cảnh thu không bù chi như năm trước. “Vụ tiêu năm trước giá quá thấp nên nông dân trồng tiêu chúng tôi chỉ lời rất ít, thậm chí chỉ huề vốn. Để “bám” 2.000 nọc tiêu nhà tôi duy trì nuôi đàn dê khoảng 50 con, tận dụng phụ phẩm thức ăn từ lá trụ tiêu sống, cân bằng được thu nhập. Chúng tôi không biết tại sao giá tăng mạnh nhưng ai cũng phấn khởi. Mong rằng giá tiêu cứ ổn định ở mức cao như thế. Người người trồng tiêu, nhà nhà trồng tiêu nên cuộc sống cũng “lên xuống” theo giá tiêu. Giá cao thì cả làng đều vui.” – chị Mỳ nói.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, hiện nay hầu hết nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước chăm sóc tiêu theo tiêu chuẩn tiêu sạch. Các hộ chỉ sử dụng nọc sống (nọc tươi), phân hữu cơ, thuốc an toàn, trồng cỏ thêm trong vườn để hạn chế sâu hại tấn công. Những năm qua, do giá tiêu xuống đáy nên, nhiều hộ bỏ bê hoặc phá bỏ để trồng cây ăn trái hoặc các loại cây công nghiệp khác. Tuy nhiên nhiều hộ vẫn bám với cây tiêu băng cách nuôi thêm dê để tận dụng thức ăn từ nọc sống. Nếu phá bỏ vườn tiêu để trồng loài cây khác, người nông dân sẽ tốn chi phí đầu tư rất lớn. Nhiều người vẫn “sống chết với cây tiêu”.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước khuyến cáo đối với những vườn tiêu bị bỏ hoang hoặc quá kém bà con nên chuyển đổi một số cây trồng khác hoặc trồng tỉa các loại cây ngắn ngày để tái canh lại cây tiêu. “Mặc dù giá tăng nhưng người nông dân không nên vội vàng tăng diện tích” – vị này lưu ý.

Bình Phước là một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất nước với diện tích gần 16.000ha (thời điểm cao nhất 2014-2015 hơn 17.000ha). Tiêu là cây trồng chủ lực của địa phương này nên những năm qua phát triển hồ tiêu bền vững là một trong những trọng tâm trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Đức Trí
.
.
.