Tích cực hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu
Thực hiện chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, trong 10 tháng đầu năm 2024, gói tín dụng ưu đãi do 17 thương hiệu ngân hàng đăng ký cho chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp quy mô đăng ký là 509.864 tỷ đồng, nhưng đến nay đã giải ngân đến 548.337 tỷ đồng, bằng 107,5% quy mô gói.
Đã có 166.291 khách hàng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn được vay vốn, giải ngân từ gói tín dụng này.
Đây là thông tin được đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết tại Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố tổ chức ngày 31/10/2024.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp rất quan tâm đến những vấn đề về cơ chế chính sách, điều hành tỷ giá, điều kiện cho vay ưu đãi đối với NHNN - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực xuất khẩu.
Hiện nhu cầu về hàng nội thất của khách hàng Âu Mỹ rất cao nên doanh nghiệp ngành này rất muốn tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi ổn định từ ngân hàng. Các gói ưu đãi lãi suất chỉ áp dụng trong thời gian ngắn, sau đó doanh nghiệp phải trả lãi suất thả nổi, do đó doanh nghiệp không dám vay vốn. Nếu vậy sẽ mất cơ hội xuất khẩu hàng hóa và phát triển doanh nghiệp.
Ông Phan Liên, Chủ tịch CLB doanh nghiệp Việt Nam có ý kiến cho rằng, các ngân hàng cần có thông tin hướng dẫn cụ thể và các tiêu chí được vay để doang nghiệp nắm...
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh khẳng định, ngành ngân hàng đang có chính sách tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Lãi suất cho vay lĩnh vực này không quá 4%/năm nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng và tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
NHNN luôn đảm bảo các công cụ điều hành là lãi suất, tỷ giá, thị trường mở, nhằm ổn định giá trị VND, kiềm giữ lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời thực hiện nhiệm vụ nữa là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Để thực hiện mục tiêu này, mối quan hệ giữa lãi suất, tỷ giá phải hài hòa. Ông Nguyễn Đức Lệnh cũng thông tin, tỷ giá của Việt Nam luôn ổn định để giữ môi trường đầu tư, qua đó đảm bảo cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu luôn ổn định và phát triển. Lạm phát đã được kiềm giữ, tỷ giá cũng được kiểm soát theo định hướng của NHNN. Doanh nghiệp cho rằng, yêu cầu về tài sản đảm bảo khoản vay tại ngân hàng khá khắt khe, trong điều kiện kinh tế đang khó khăn.
Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, hiện tại có nhiều gói lãi suất ưu đãi cho từng trường hợp, từng điều kiện vay vốn cụ thể. Về nguyên tắc, khi cấp tín dụng cần có điều kiện, phải thẩm định doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hay không, dòng tiền có ổn định không để hạn chế rủi ro. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi đáp ứng đủ điều kiện tín dụng bình thường còn phải lành mạnh về tài chính. Đặt ra điều kiện để cho doanh nghiệp phát triển, doanh nghiệp muốn hưởng các chính sách ưu đãi, cũng phải tự phát triển, chứng minh được năng lực tài chính, trả nợ. Tính đến nay, dư nợ cho vay xuất khẩu bằng VND với lãi suất ưu đãi đạt 105.305 tỷ đồng, chiếm 6,2% tổng dư nợ cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, tổng dư nợ tín dụng ngoại tệ đạt 130.500 tỷ đồng, chiếm 3,4% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, sau 10 tháng đầu năm 2024, ngành ngân hàng đã tổ chức được 34 hội nghị kết nối, ký kết cho vay vốn và đối thoại doanh nghiệp tại các quận, huyện trên địa bàn, bằng cả năm 2023.
Các tiêu chí gồm: giảm lãi suất cho vay; cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất thấp; tăng hạn mức tín dụng hoặc giải ngân gói tín dụng lâm sản thủy sản; cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên; cho vay xuất nhập khẩu bằng ngoại tệ… đều được đưa vào gói tín dụng. Vì vậy, khi giải ngân cho vay khách hàng, theo đối tượng cụ thể và điều kiện tín dụng cụ thể, đồng nghĩa khách hàng sẽ được hỗ trợ và chính sách của Ngân hàng Trung ương đảm bảo được thực thi.