Thương mại Việt Nam-Australia phục hồi và tăng trưởng tích cực

Chủ Nhật, 03/03/2024, 07:55

Australia hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực châu Đại Dương, chiếm tỷ trọng 88% xuất khẩu (XK) của Việt Nam đến châu Đại Dương. Trong đó, XK đầu năm 2024 có sự phục hồi và tăng trưởng rất tích cực.

Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, ngay trong ngày đầu tháng 1/2024, Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng và Công ty Vina T&T đã XK 6 tấn xoài tượng da xanh An Giang sang thị trường Australia. Đây là sự hợp tác tuyệt vời giữa Vina T&T Group và người trồng xoài huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Các lô xoài tượng đều đã được cấp mã số vùng trồng, mở ra cơ hội mới cho trái xoài Đồng bằng sông Cửu Long vươn ra thương trường quốc tế.

xkthuysanhtam_tgxq.jpeg -0
Doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng hàng hóa, nhất là các quy định về thành phần hóa chất, chất bảo quản.

Theo bà Nguyễn Nam Phương Thảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, thị trường Australia và NewZealand có sức hồi phục nhiều hơn, kinh tế người dân bên đó cũng dần hồi phục tốt nên hai thị trường này sẽ tăng trưởng nhiều. Thị trường sẽ tích cực hơn khi kinh tế dần hồi phục, người dân cũng sẽ chi tiêu nhiều hơn, năm nay kỳ vọng thị trường sẽ tốt hơn. Trong tháng 1/2024, lượng đơn hàng, lợi nhuận từ XK trái cây tươi của Hoàng Phát Fruit tăng trên 30% với hơn 4.000 tấn các loại. Loại trái cây XK nhiều nhất là xoài, thanh long. Ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, trái cây của Hoàng Phát Fruit còn vươn tới thị trường mà doanh nghiệp (DN) mở rộng những năm gần đây như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và NewZealand.

Tại thị trường Australia, với mong muốn đưa sản phẩm đi xa và bền vững, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã trở thành "cầu nối" đưa thương hiệu hàng Việt Nam khẳng định vị thế tại thị trường này. Đơn cử như việc đưa gạo Việt Nam "phủ sóng" tại Australia. Với chương trình xây dựng thương hiệu nước dừa Việt Nam tại Australia. Sau khi khảo sát, Australia không hạn chế nhập khẩu quả dừa tươi, và nhu cầu tiêu dùng lành mạnh, xanh tại Australia lên ngôi, Thương vụ đã vận động đồng loạt nhà nhập khẩu tại Australia nhập dừa tươi Việt Nam và nước dừa đóng hộp. Bằng sự kiên trì thuyết phục về công tác giống và chuẩn vùng trồng Việt Nam đã triển khai… các nhà nhập khẩu đã đồng hành cùng Thương vụ nhập khẩu dừa tươi và dừa đóng hộp Việt Nam, chia lại thị trường trước đây của các quốc gia khác. Bên cạnh đó, nhiều chương trình quảng bá, xây dựng hình ảnh cho các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam cũng được Thương vụ tập trung triển khai.

Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa cho rằng, sầu riêng Ri6 của Việt Nam XK sang Australia không thua kém gì về chất lượng so với sầu riêng Trung Quốc hay Malaysia nên được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình, nhất là cộng đồng người Việt Nam và Trung Quốc tại nước này.

Theo ông Hòa, doanh nghiệp Việt đã khai thác lợi thế nhờ một số hiệp định thương mại đa phương, thúc đẩy thương mại Việt Nam - Australia tăng trưởng bền vững. Theo đó, thương mại song phương Việt Nam và Australia trong tháng 1/2024 có sự phục hồi và tăng trưởng rất tích cực. Tổng kim ngạch thương mại hàng hoá giữa Việt Nam và Australia trong tháng 1/2024 đạt 1,25 tỷ USD, tăng 43,4% so với cùng kỳ 2023. Các sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất sang Australia có tỷ trọng lớn, nhất là các sản phẩm điện thoại và linh kiện, máy móc, linh kiện điện tử, máy vi tính, dầu thô, dệt may, giày dép, thuỷ hải sản… Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Australia các sản phẩm than đá, quặng sắt, bông, lúa mì, kim loại, rau quả… Đặc biệt, trong tháng 1/2024, nhiều mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam dù kim ngạch xuất sang Australia còn khiêm tốn song đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ như: Cà phê (+483,3%), sắt thép các loại (+386,7%), giấy và các sản phẩm từ giấy (+165,9%), gạo (+84,9%)…

Để thúc đẩy XK hàng hóa Việt Nam tại thị trường này, Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, năm 2024, Thương vụ sẽ tiếp tục chủ động các công tác nắm bắt cập nhật thông tin thị trường, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (AANZFTA, CPTPP, RCEP) thúc đẩy XK. Đồng thời, triển khai các giải pháp phối hợp Cục Xúc tiến Thương mại và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương triển khai các hoạt động hợp tác với đối tác của Australia, đặc biệt Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), tổ chức các chương trình làm việc, trao đổi, qua đó xây dựng các cơ chế hợp tác song phương, góp phần củng cố và thúc đẩy hợp tác thương mại.

Về phía DN, Thương vụ khuyến cáo, cộng đồng DN XK trong nước cần nghiên cứu kỹ các thông tin về thị trường, tập trung vào nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, pháp luật nước sở tại... đối với các sản phẩm DN có ý định XK. Cùng đó, chú trọng hơn nữa về bao bì sản phẩm, đảm bảo chất lượng hàng hóa, nhất là các quy định về thành phần hóa chất, chất bảo quản; quan tâm chú ý về các thủ tục hải quan, đóng gói để đảm bảo tốt nhất thời gian vận chuyển giúp hàng hóa bảo quản tốt…

Lưu Hiệp
.
.
.