Thương mại điện tử vẫn chưa thể lấn lướt hoạt động mua sắm trực tiếp
Kinh doanh gặp khó khăn, không gánh nổi chi phí mặt bằng nên từ đầu năm đến nay nhiều cá nhân, doanh nghiệp tiếp tục trả mặt bằng kinh doanh tại các tuyến phố lớn của TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó nhiều mặt bằng, nhà mặt tiền đường kinh doanh sầm uất như Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng, Lê Văn Sỹ, An Dương Vương… treo biển cho thuê trong thời gian dài vẫn không tìm được khách dù giá cho thuê đã được giảm xuống.
Tình trạng trên đã làm dấy lên lo ngại nhu cầu mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử đang lấn lướt hoạt động bán lẻ trực tiếp.
Tuy nhiên, báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số công bố cho thấy, doanh thu của lĩnh vực thương mại điện tử hoạt động bán lẻ trên cả nước trong năm ngoái đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Năm nay, doanh thu từ lĩnh vực này được dự kiến sẽ đạt 20,5 tỷ USD, chiếm tỷ lệ khoảng 8%.
Theo thông tin khảo sát từ Statista, tỷ lệ hàng hóa phân phối giữa kênh bán lẻ trực tiếp và bán lẻ trực tuyến trên cả nước vẫn có sự chênh lệch rõ rệt. Mặc dù giai đoạn 2017 - 2023, tỷ lệ phân phối trên kênh bán lẻ trực tuyến đã tăng từ mức 2,7 lên 7,1%. Từ nay đến năm 2027, tỷ lệ này được dự báo chỉ tăng trưởng nhẹ lên mức 8,7%.
Phân tích về xu hướng trên, bà Trần Phạm Phương Quyên, chuyên gia của Savills cho rằng, các nhà bán lẻ đều khẳng định bán hàng trực tuyến chỉ chiếm một phần nhỏ trong kết quả phân phối sản phẩm của họ. "Các hoạt động chính mà những thương hiệu áp dụng trên kênh thương mại điện tử chủ yếu là quảng cáo, kích cầu với những khách hàng nhạy cảm về giá thành. Ngoài ra là thu hút sự quan tâm của khách hàng về thương hiệu để họ đến các cửa hàng trực tiếp nhằm có sự trải nghiệm đối với sản phẩm", bà Quyên nhận định.
Số liệu kinh doanh được nhiều thương hiệu hàng hóa công bố cũng cho thấy, tỷ lệ doanh số đến từ kênh trực tuyến chỉ chiếm 3-5%. Như vậy, các nền tảng phân phối online hiện nay đang được người dân, doanh nghiệp sử dụng như một dịch vụ cộng thêm. Đây là kênh để giữ chân khách hàng, chạy các chiến dịch quảng cáo, làm tăng sự hiện diện của thương hiệu trong làn sóng thương mại điện tử và các ngày giảm giá online.
Thực tế cho thấy, dù kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, chi tiêu của người dân giảm mạnh, nhưng vẫn có hàng loạt dự án trung tâm thương mại mới với quy mô lớn được phát triển, đưa vào hoạt động tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh… Cùng lúc, một lượng diện tích sàn bán lẻ khá lớn tại các tòa nhà cũng đang được đưa ra cho thuê thời điểm cuối năm nay và đầu năm tới. Đồng thời, tại đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, giá thuê mặt bằng bán lẻ cao cấp trong các tòa nhà vẫn ở mức bình quân là 152,8 USD/m2/tháng.
Chuyên gia Matthew Powell nhận định, mua sắm đã dần dịch chuyển theo hướng là điểm đến trải nghiệm thay vì mục đích mua sắm đơn thuần. Cũng theo ông Matthew, nhu cầu tìm kiếm các mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm đô thị luôn ở mức cao. Tình trạng trả mặt bằng bán lẻ tại các tuyến phố trung tâm của các đô thị lớn chủ yếu là do vấn đề sở hữu vị trí đắc địa nhưng chưa thực sự đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao về thiết kế, kỹ thuật cũng như pháp lý của bên thuê.