Thực phẩm sau Tết: Hàng hóa dồi dào, cơ bản giữ giá

Thứ Hai, 07/02/2022, 08:30

Tại các chợ bán lẻ trên địa bàn Hà Nội, từ ngày mùng 4 Tết Nguyên đán đã bắt đầu hoạt động trở lại phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Theo khảo sát của phóng viên, ngày 6/2 (ngày 6 Tết Nguyên đán), các chợ bán lẻ đã đầy đủ các loại hàng hoá, thực phẩm tươi sống, rau xanh đa dạng như trước Tết. Không có tình trạng khan hiếm thực phẩm và cũng không có tình trạng “đội giá”, “hét giá”.

Do thời tiết mưa rét, và lượng thực phẩm được người dân dự trữ từ trước Tết chưa được sử dụng hết nên lượng người đến các chợ cũng không quá đông đúc. Thực tế, giá cả có nhích lên so với trước Tết nhưng không quá nhiều, các mặt hàng rau xanh, cá, thuỷ hải sản được người dân tìm đến nhiều hơn, hoạt động mua bán sôi động.

Tại một số chợ lẻ, giá thịt lợn các loại mông sấn từ 100.000-130.000 đồng/kg; giá thịt lợn thăn từ 120.000-150.000 đồng/kg; xương sườn có giá từ 130.000 -140.000 đồng/kg. Riêng thịt bò giá cao hơn trước Tết khoảng 40.000-50.000 đồng/kg: giá thịt bò thăn loại I từ 300.000-350.000 đồng/kg; diềm thăn bò 270.000 đồng/kg. Giá gà ta lông từ 140.000-150.000 đồng/kg; giá tôm sú (loại 26-30 con/kg) từ 420.000-500.000 đồng/kg; cá trắm giá từ 80.000-100.000 đồng/kg. Theo những người bán hàng, giá thịt có “nhích” lên do các lò mổ hoạt động chưa nhiều, các mối buôn thuỷ sản từ các vùng biển cũng chưa hoạt động trở lại. Dãy hàng bán cá, cua đồng xay, thuỷ sản tại các chợ khá đông người mua trong khi các hàng thịt gia súc, gia cầm khá vắng vẻ. Rau xanh khá đa dạng, do thời tiết thuận lợi. Giá rau cần 8.000-10.000 đồng/mớ; cải cúc 8.000 đồng/mớ; cải ngọt 18.000 đồng/kg; bắp cải: 15.000 - 20.000 đồng/kg, su hào từ 6.000-7.000 đồng/củ, xà lách từ 15.000-20.000 đồng/kg, cà chua: 20.000 - 30.000 đồng/kg, khoai tây từ 14.000-20.000 đồng/kg, súp lơ có giá khoảng từ 20.000 đồng/cây...

Theo chị Hoàng Thị Thuỷ, tiểu thương bán rau tại chợ Gia Lâm (quận Long Biên), các mặt hàng rau lá xanh đậm được mọi người tìm mua khá nhiều như các loại rau cải, rau cần… để nhúng lẩu. Rau ăn sống như xà lách, rau mùi cũng được tiêu thụ nhiều hơn các loại củ, quả. Mặt hàng thủy sản tại các chợ trong mấy ngày sau Tết thường đắt khách nhất. Tại một số chợ dân sinh như Đồng Xa, Cầu Diễn, Nghĩa Tân..., giá cá trắm to loại 7-9kg/con, cắt khúc: 140.000 đồng/kg, nguyên con: 110.000 đồng/kg; loại nhỏ hơn giá rẻ hơn khoảng 10.000 đồng/kg. Một số loại trái cây tiêu dùng nhiều trong dịp Tết hầu hết có giá tương đương so với Tết năm trước, một số loại giá thấp hơn khoảng 5-10% như bưởi da xanh, bưởi diễn... Đa số người tiêu dùng cảm thấy giá cả những ngày đầu năm mới ở mức “chấp nhận được”, không có tình trạng “chặt chém” như nhiều năm trước.

Thực phẩm sau Tết: Hàng hóa dồi dào, cơ bản giữ giá -0
Mặt hàng cá, hải sản được đông đảo người tiêu dùng chọn mua.

Trước đó, ngày 4/2 (ngày mừng 4 Tết), Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) cũng có đánh giá về diễn biến giá cả những ngày trước và trong Tết. Cục Quản lý giá cho biết, theo quy luật hàng năm, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng bắt đầu tăng cao hơn vào ngày 23 tháng Chạp (Tết ông Công ông Táo) và sức mua tiếp tục tăng trong những ngày cận Tết.

Theo báo cáo tại một số TP lớn (TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ...) tại các chợ truyền thống, sức mua tăng từ 5 - 10% so ngày thường, đặc biệt trong ngày 27 - 29 âm lịch sức mua tăng mạnh từ 20 - 30% tại các chợ lẻ do đây là thời điểm bắt đầu nghỉ Tết; đối với hệ thống siêu thị tăng 20 - 25% so với ngày thường cùng với nhiều chương trình khuyến mại giảm giá của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Cục Quản lý giá, sức mua nói chung vẫn thấp hơn so với quy luật nhiều năm do những ảnh hưởng chung của dịch bệnh đến tình hình kinh tế - xã hội làm giảm thu nhập của người dân. Sang những ngày đầu năm mới, nhu cầu mua hàng hóa không cao do người dân đã mua sắm đủ trước Tết.

Tại các chợ đầu mối, lượng hàng nhập chợ khoảng 42-50% so ngày thường; giá các mặt hàng đa số đã trở về mức giá ngày thường. Nhiều gian hàng đã kinh doanh buôn bán trở lại, hàng hóa dồi dào nhưng sức bán vẫn chậm và giảm 25-35% so với năm ngoái do ảnh hưởng dịch bệnh. Nhiều siêu thị đã thực hiện đóng cửa muộn và mở cửa sớm trong tuần lễ mua sắm Tết cao điểm. Một số siêu thị mở cửa xuyên Tết (Aeon Mall hay chuỗi hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K). Sang những ngày đầu năm mới, hầu hết các chợ, siêu thị đều chỉ đóng cửa vào ngày mùng 1 và mở cửa rải rác từ ngày mùng 2 đến mùng 4 Tết (Saigon Co.op mở cửa vào mùng 2, Hapromart, Winmart mở cửa từ sáng mùng 4).

Cục Quản lý giá cho biết, tại các địa phương diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng tiêu dùng những ngày trước, trong và sau Tết không có biến động bất thường. Một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tăng theo quy luật hoặc theo diễn biến giá thế giới. Giá lợn hơi ổn định so với giai đoạn trước Tết kéo theo giá thịt lợn thành phẩm cũng không có biến động lớn. Giá thực phẩm tại các điểm bán hàng bình ổn vẫn ổn định và thấp hơn so với giá thị trường.

Đối với mặt hàng rau củ, trái cây hầu hết tại các địa phương thời điểm trước Tết, giá cơ bản ổn định, thậm chí giảm nhẹ so với thời điểm trước do cung khá dồi dào và ổn định. Song sang đến ngày mùng 4 Tết, giá rau tươi tại miền Bắc có biến động tăng do nhu cầu người dân tăng cũng như thời tiết chuyển lạnh sâu tại miền Bắc. Theo đánh giá của Cục Quản lý giá, đây chỉ là biến động cục bộ và giá rau tươi sẽ sớm trở lại giá ngày thường sau các ngày tới khi cung - cầu ổn định.

Bộ Công Thương cũng đánh giá về tình hình cung - cầu hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần cho thấy, hàng hóa phục vụ Tết được cung ứng cho thị trường khá dồi dào, đa dạng. Hàng hóa chuẩn bị Tết tập trung chủ yếu vào một số nhóm hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Do nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, sức mua không lớn nên giá phần lớn các mặt hàng giữ ổn định so với những ngày cận Tết. Thị trường nhìn chung không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nguồn cung luôn được bảo đảm.

Chi Linh
.
.
.