Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc

Chủ Nhật, 05/03/2023, 05:56

Sau 3 năm ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, từ ngày 20/2/2023, hoạt động xuất, nhập cảnh và phương thức thông quan hàng hóa tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) đã được khôi phục. Nhờ đó, doanh nghiệp (DN) đã cắt giảm được nhiều chi phí, số lượng hàng hoá xuất nhập khẩu (XNK) tăng nhiều hơn trước. 

Doanh nghiệp cắt giảm được nhiều chi phí

Trao đổi với PV Báo CAND, bà Trần Thị Hằng - thực hiện thủ tục XNK tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) - đại diện Công ty Cổ phần vận tải Thái Việt Trung cho biết, từ ngày 20/2 trở lại đây hàng hoá lưu thông được nhanh hơn, giảm được rất nhiều chi phí cho DN như tiền thuê tài trung chuyển, cắt moóc, lưu bãi, nhân viên túc trực trong khu vực cửa khẩu.

Trung bình mỗi ngày công ty có 30-40 xe XNK, trong đó xuất khẩu (XK) khoảng 10 xe hàng. Thủ tục hiện rất nhanh gọn, đến thời điểm này ở cửa khẩu hoạt động cũng sôi động hơn, khôi phục được khoảng 70% sản lượng so với trước khi có dịch.

“Hoạt động XNK đã mở cửa, hy vọng trong thời gian tới đi lại thuận tiện DN sẽ mở rộng cơ hội giao thương, xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, DN ký kết được nhiều hợp đồng, theo đó thị trường sẽ khởi sắc hơn”, bà Hằng cho hay.

Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc -0
Kỳ vọng sầu riêng trở thành thế mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Trung Quốc khôi phục lại phương thức hoạt động thông quan là một tin vui với DN XK rau quả Việt Nam. Hiện, trái cây XK đi Trung Quốc chủ yếu bằng đường bộ nên khi thông quan trở lại bình thường, XK được nhanh chóng, chỉ 1,5-2 ngày là hàng hoá từ vườn tới cửa khẩu. Đến thời điểm này, XK thanh long, chuối, mít, xoài vẫn chiếm số lượng lớn. Khi hoạt động XK trở lại bình thường thì việc xúc tiến thương mại, chào bán hàng, gặp gỡ đối tác được thuận lợi hơn, theo đó đơn hàng sẽ khả quan hơn rất nhiều.

Theo ông Nguyên, năm ngoái, Việt Nam đã ký nghị định thư về sầu riêng, mít, khoai lang, tổ yến để xuất chính ngạch sang nước này. Dự kiến kim ngạch XK nhóm hàng rau củ năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt 4 tỷ USD, tăng 20% so với năm ngoái và phần tăng thêm này hoàn toàn khả thi nếu XK sầu riêng đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD.

Trong khi đó, thị trường Trung Quốc chiếm đến 50-60% kim ngạch XK rau quả của Việt Nam. Để thúc đẩy việc mở rộng thị trường, Hiệp hội và các DN cũng đã phối hợp rất hiệu quả với Thương vụ Việt Nam ở Trung Quốc trong việc tìm kiếm các cơ hội cũng như quảng bá sản phẩm tới các nhà mua hàng, tham gia các hội chợ lớn của Trung Quốc để tìm kiếm các đối tác và ký kết hợp đồng. Gặp gỡ trực tiếp sẽ tạo dựng được niềm tin với các đối tác trong việc chào hàng, ký kết hợp đồng, thanh toán.

Tận dụng tốt cơ hội Trung Quốc mở cửa sau khi kiểm soát được dịch bệnh

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Trung Quốc là thị trường XK lớn nhất về hoa quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng 45,38%. Trong đó, vải thiều chiếm tỷ trọng 90% lượng XK ra nước ngoài, thanh long chiếm tỷ trọng hơn 80%. Trung Quốc cũng là thị trường XK lớn thứ 3 của thủy sản Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Nhật Bản).

Mới đây, tại Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư và hợp tác kinh tế Việt Nam – Trung Quốc (Vân Nam) do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Thương mại Vân Nam tổ chức, ông Lý Thần Dương - Giám đốc Sở Thương mại Vân Nam cho rằng, thương mại hai bên có tiềm năng và không gian rộng lớn, do vậy khuyến khích các DN mở rộng hơn nữa thương mại song phương. Đối với Vân Nam, cần mở rộng nhập khẩu từ Việt Nam, nhất là nông sản nhiệt đới, trái cây, hy vọng DN Việt Nam tích cực tìm hiểu thị trường, mở rộng XK sang Vân Nam.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Bộ Công Thương đã đề nghị phía Vân Nam (Trung Quốc) tạo điều kiện thuận lợi cho các DN Việt Nam đẩy mạnh XK nông sản, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch, đặc biệt là các sản phẩm như: Sầu riêng, khoai lang tím, yến sào.

Từ đầu năm 2023, Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cho DN trong nước, kết nối với DN Trung Quốc. DN Trung Quốc cũng đã có đoàn sang Việt Nam để gặp gỡ trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác, giao thương. Những hoạt động này được đẩy mạnh triển khai liên tục trong thời gian qua, đặc biệt là sau khi Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại sau đại dịch.

Ông Phú cho rằng, trong năm 2023, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ DN chuyển mạnh sang XK chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc, gắn với xây dựng thương hiệu để thúc đẩy XK bền vững. Khai thác tối đa mọi cơ hội để XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đối với những sản phẩm chủ lực của Việt Nam.

“Đối với những hoạt động quảng bá, sản phẩm chủ lực của Việt Nam, hỗ trợ DN mang những sản phẩm của mình sang những hội chợ lớn chuyên ngành của Trung Quốc như hội chợ Thượng Hải, Quảng Đông, Côn Minh, Hải Nam, Nam Ninh. Đây là hội chợ lớn, số lượng DN tham gia đông nên đây là cơ hội rất tốt để quảng bá sản phẩm cho các DN Việt, không chỉ là quảng bá sản phẩm mà qua đây còn tìm kiếm, ký kết các đối tác cho DN Việt”, ông Phú nhấn mạnh.

Lưu Hiệp
.
.
.