Thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng trong năm 2024
Năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so cùng kỳ. Đáng lưu ý, năm 2023 cũng ghi nhận mức vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài tăng 3,5% so cùng kỳ, ước đạt hơn 23,1 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay.
Kết quả này cho thấy, Việt Nam vẫn là một trong những lựa chọn ưu tiên của dòng vốn FDI. Các chuyên gia dự báo, năm 2024 Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục là điểm sáng trong việc thu hút dòng vốn FDI, trong đó, Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút FDI chất lượng cao.
Cơ hội thu hút FDI chất lượng cao
Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2023 dòng vốn đầu tư FDI chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong tổng số 36,6 tỷ USD vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam, vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo khoảng 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đăng ký, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm 2022. Về dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam năm 2024, Việt Nam được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn và an toàn nên đang có làn sóng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, điện tử, sản xuất chất bán dẫn.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, kết quả thu hút FDI năm 2023 là xu hướng lạc quan và tin tưởng dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Trao đổi với PV Báo CAND ngày 2/1, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong năm 2023 tạo tiền đề thuận lợi cho thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2024. Bởi, Việt Nam đang có rất nhiều kinh nghiệm trong thu hút FDI. Đặc biệt trong quan hệ quốc tế, cú huých nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ đã tạo hiệu ứng lan tỏa tới dòng vốn FDI từ Mỹ, châu Âu vào Việt Nam. Trong khi đó, với EU, Hà Lan là nước đầu tư nhiều nhất ở Việt Nam, Đức trong năm 2023 cũng đã gia tăng đầu tư khoảng 366 triệu USD vào Việt Nam, tăng mạnh so với năm 2022.
Việt Nam có tiềm lực về đất hiếm, là nguyên vật liệu quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, phát triển vi mạch và điện tử. Điều này tạo nên lợi thế cho Việt Nam. Theo đó, nhiều tập đoàn từ Mỹ đã tới tìm hiểu thị trường, khả năng hợp tác với Việt Nam trong đầu tư ngành đất hiếm và bán dẫn. Mới đây, ông John Neffeur, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) và lãnh đạo các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu Mỹ, như: Intel, Qualcom, Ampere, ARM… đã tới Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư. Đặc biệt, ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nvidia cũng tới Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. Do vậy, “cơ hội thu hút đầu tư FDI trong năm 2024 đang mở ra như năm 2008, thời điểm Việt Nam vừa tham gia WTO. Các yếu tố như cuộc chiến kiểm soát công nghệ lõi, công nghệ chip, công nghệ của tương lai đang mở ra cơ hội cho Việt Nam trong thu hút FDI công nghệ cao”, ông Toàn cho hay.
Cùng với đó, theo kết quả Báo cáo sơ bộ về "Khảo sát thực trạng các doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài năm tài chính 2023" do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JETRO) thực hiện khi được hỏi về tình hình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn quan tâm đến thị trường Việt Nam khi 56,7% DN cho biết có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới. Con số này cao hơn mức trung bình của ASEAN là 47,5% và chỉ đứng sau Lào (63,3%). Điều này cho thấy các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn dành sự quan tâm rất cao đến thị trường Việt Nam.
Cần sớm nâng chất lượng nguồn nhân lực
Theo ông Nguyễn Công Thắng, Phó trưởng Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, để thu hút được nguồn vốn FDI trong năm 2024, Vĩnh Phúc đang khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng quỹ đất để sẵn sàng đón các doanh nghiệp lớn. Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh đã giải quyết cho nhiều DN cấp Giấy chứng nhận đầu tư và các giấy phép khác chỉ trong 3-5 ngày.
Để đẩy mạnh thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú cho biết, TP Hà Nội sẽ chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng, bảo vệ môi trường. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất gắn với đào tạo nhân lực.
Năm 2024 dự báo là một năm đột phá về thu hút FDI, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Toàn để thu hút và hấp thụ được nguồn vốn chất lượng cao thì cần cải thiện môi trường đầu tư, làm tốt công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ, cải cách thủ tục hành chính phải làm tốt hơn, và cần sớm nâng chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam. “Đặc biệt, Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp để DN trong nước có thể tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu của các tập đoàn FDI ở phân khúc có công nghệ, giá trị cao hơn hiện nay”, ông Toàn đề xuất.