Thu hút FDI chọn lọc để chống lẩn tránh thuế

Thứ Tư, 29/11/2023, 08:21

Theo số liệu Bộ Công thương, hiện có 238 vụ việc bị kiện liên quan tới hàng hóa Việt Nam xuất khẩu (XK) đi các thị trường. “Đặc biệt từ năm 2019 trở lại đây, nhất là sau dịch COVID-19 số vụ việc bị kiện tăng mạnh, chiếm 30% - 40% tổng số vụ việc từ trước đến nay.

Đáng chú ý, điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (PVTM) - trốn thuế PVTM hiện đang là xu hướng mới. Đến nay, Việt Nam có 33 vụ bị điều tra chống lẩn tránh”, ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng phòng xử lý PVTM nước ngoài - Cục PVTM (Bộ Công thương) cho biết.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), các FTA một mặt mở rộng thị trường, giúp doanh nghiệp (DN) được hưởng ưu đãi thuế quan, mang lại lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt XK. Song, đó cũng tăng nhanh số lượng các vụ kiện PVTM. Đặc biệt, từ năm 2022 xung đột thương mại, xung đột địa chính trị kéo theo xu thế bảo hộ thương mại tại nhiều nước. Việc thực hiện cắt giảm thuế quan theo cam kết trong các FTA đưa mức thuế nhập khẩu (NK) ưu đãi xuống thấp, nhiều dòng thuế ở mức 0%... đã tác động trực tiếp tới việc PVTM. Việt Nam có quy mô XK tăng trưởng mạnh thời gian qua nên số vụ có nguy cơ bị kiện cũng tăng nhanh chóng.

Theo ông Huỳnh Minh Vũ – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh, trong hơn 230 vụ việc bị kiện liên quan tới hàng hóa Việt Nam XK đi các thị trường, ngoài các cuộc điều tra truyền thống như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ thì hiện nay các thị trường NK áp dụng thêm công cụ khác là chống lẩn tránh các biện pháp PVTM, hay gian lận xuất xứ. Trên cơ sở đó hoạt động XNK của DN trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, đặc biệt là những thị trường XK trọng điểm như Mỹ, EU…

Thu hút FDI chọn lọc để chống lẩn tránh thuế  -0
Thủy sản, một trong những mặt hàng đã từng bị nước ngoài áp thuế PVTM.

Hiện nay, với xu hướng toàn cầu hóa, chuỗi giá trị gia tăng thì việc sản xuất ra một sản phẩm không chỉ từ một quốc gia, mà có nhiều quốc gia tham gia vào các công đoạn sản xuất. Chính vì thế, biện pháp điều tra chống lẩn tránh thuế - trốn thuế PVTM hiện đang được các nước NK đặc biệt chú ý để điều tra việc có hay không gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa NK. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ thực hiện quyết liệt nhất, riêng năm 2022, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra mới 12 vụ việc, trong đó 11 vụ là điều tra chống lẩn tránh thuế.

Được các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lựa chọn là “điểm đến”, tính trong 10 tháng 2023, Việt Nam đã thu hút vốn FDI đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Trong nguồn vốn FDI hoạt động tại Việt Nam, thời gian qua đã có sự dịch chuyển các nhà máy sản xuất từ nước ngoài vào Việt Nam, bên cạnh đó có không ít công ty FDI đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức mua lại DN. Điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để lẩn tránh thuế hoặc lấy xuất xứ hàng hóa từ Việt Nam để XK. Vì vậy, việc thu hút FDI là cần thiết nhưng cũng rất thận trọng để tránh tình trạng tiếp tay cho các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ của DN nước ngoài, cũng như gây thiệt hại đến nền sản xuất trong nước.

Rất nhiều nguyên liệu đầu vào để sản xuất hàng hóa của DN Việt buộc phải NK vì nội địa không có. Ví dụ như ống thép không rỉ cán nguội phải nhập cán nóng từ Indonesia. Chính vì vậy, việc điều tra chống lẩn tránh đối với hàng hóa Việt Nam của nhà NK nước ngoài là không tránh khỏi.

Để hỗ trợ DN phòng ngừa và đối phó với các vụ kiện từ nước ngoài, Cục PVTM đang xây dựng vận hành hệ thống phân tích rủi ro và cảnh báo sớm đối với hàng hóa XK Việt Nam sang một số thị trường chính và hiện nay đang theo dõi trên 170 mặt hàng. Trên cơ sở các mặt hàng nguy cơ cao, Cục PVTM sẽ thông báo đến cơ quan quản lý, các địa phương, hiệp hội ngành hàng. Ngoài ra, ông Phùng Gia Đức cũng khuyến nghị các DN cần có mối quan hệ tốt với nhà NK, nhắc họ nghe ngóng giúp thông tin và thông báo sớm đến DN để ứng phó kịp thời. Khi bị điều tra, nếu DN có điều kiện thì nên thuê luật sư và DN phải trả lời bảng câu hỏi đầy đủ, thông tin chính xác. DN cần chủ động liên hệ với Cục PVTM để được hỗ trợ kịp thời.

Thúy Hà
.
.
.