Thiếu lao động có trình độ kỹ năng nghề

Thứ Bảy, 30/09/2023, 07:31

Mới đây, tại một hội thảo về chiến lược việc làm tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2025 và tầm nhìn đến 2030 đã đưa ra một con số đáng chú ý là số lao động mất việc thời gian qua chiếm khoảng 88% là lao động phổ thông và cử nhân đại học.

Theo đánh giá, đa phần là những lao động có tay nghề không ổn định, thấp, hoặc thậm chí là không có tay nghề. Đây là thống kê của một địa phương, nhưng thực tế cũng là thực trạng về trình độ tay nghề của thị trường lao động Việt Nam hiện nay.

Lao động qua đào tạo chỉ chiếm 26%

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, trong 146.285 người mất việc, được hưởng trợ cấp thất nghiệp, có đến 82.839 người là lao động phổ thông, không có bằng cấp chứng chỉ (chiếm tỷ lệ 56,62%); 45.543 người có trình độ đại học và trên đại học (chiếm tỷ lệ 31,14%). Chỉ có 2.869 người lao động có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp bị mất việc trong năm (chiếm tỷ lệ 1,96%); trình độ trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp là 6.816 người (chiếm tỷ lệ 4,66%) và trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp là 8.218 người (chiếm tỷ lệ 5,62%).

image001.jpg -0
Lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ bằng cấp hiện nay còn thấp.

Những con số trên cho thấy lao động có trình độ nghề đang có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp. Trong khi đó, công việc của lao động có trình độ đại học trở lên và lao động phổ thông không có tay nghề lại không ổn định, tỷ lệ bị mất việc rất cao.

Thực tế thị trường nhân lực cũng cho thấy xu hướng doanh nghiệp cần rất nhiều lao động có trình độ nghề nhưng nguồn cung chỉ đáp ứng được một phần, còn lao động có trình độ đại học trở lên lại dư thừa. Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mặc dù thị trường lao động đang phục hồi và phát triển nhưng vẫn bộc lộ những vấn đề bất cập, hạn chế. Trong đó, chất lượng nguồn cung lao động chưa đáp ứng nhu cầu của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Điều này thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn thấp.

Cụ thể, hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 26% trong tổng số hơn 52 triệu người trong độ tuổi lao động. Bên cạnh đó, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động; năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI. Bên cạnh đó, thị trường việc làm chưa đủ hiện đại, chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động.

Trong khi đó, theo khảo sát của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy đa số lao động hiện nay trình độ tay nghề rất thấp. Hiện chỉ có 26,8% lao động đã qua đào tạo (số liệu hết quý II/2023), và cả nước hiện có trên 38 triệu lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Thu nhập bình quân của người lao động không cao (bình quân khoảng 7 triệu đồng/tháng). Các số liệu cho thấy thị trường lao động Việt Nam còn có hiện tượng mất cân đối giữa cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế.

Đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề là yêu cầu cấp bách

Bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó trưởng ban Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp thâm dụng lao động cắt giảm lao động không phải liên quan đến vấn đề tay nghề của người lao động mà do bị thiếu đơn hàng. Song, khi phải cắt giảm lao động, doanh nghiệp sẽ thay thế lao động chân tay, trình độ thấp. Lao động có trình độ cao được ưu tiên giữ lại, bởi họ có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc hơn.

"Từ thực tế này, bản thân người lao động cần nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu công việc. Không chỉ người lao động, cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị đào tạo, cả người sử dụng lao động cũng phải thấy rằng, vấn đề đào tạo cho người lao động là vấn đề cốt lõi trong tình hình thị trường lao động việc làm mới hiện nay", bà Ngân chia sẻ.

Bà Ngân cho rằng, đối với những lao động mất việc thời gian qua, đa phần là lao động có trình độ tay nghề thấp vì thế để họ quay trở lại thị trường lao động ngoài các chính sách hỗ trợ, thì vấn đề cần quan tâm lớn nhất hiện nay là đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho người lao động. "Hầu hết người lao động mất việc nhiều thời gian vừa qua là lao động tay nghề thấp, không có tay nghề. Với những trường hợp người lao động ngoại tỉnh, nuôi con nhỏ, mang thai… khi mất việc càng gặp nhiều khó khăn hơn. Do đó, bản thân người lao động phải nhận thức được rõ hơn về cơ chế thị trường, về rủi ro mất việc làm, từ đó trở nên linh hoạt, thích ứng trong môi trường làm việc mới. Muốn vậy, người lao động phải trang bị kỹ năng nghề nghiệp. Khi mất việc làm thì phải quan tâm đến đào tạo nghề mới phù hợp với điều kiện để tìm được công việc mới, bền vững chứ không chỉ chú trọng đến trợ cấp thất nghiệp", bà Ngân nói.

Trong khi đó, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cũng thừa nhận rằng, thách thức không nhỏ hiện nay là tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ thấp (chỉ hơn 26, %) so với các nước trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, cân đối cung - cầu lao động chưa thật hiệu quả dẫn tới chưa tiệm cận được năng suất tiềm năng. "Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang phản ánh việc thiếu nghiêm trọng lực lượng có kỹ năng nghề để phục hồi sản xuất kinh doanh, nhất là trong các ngành sản xuất, công nghiệp. Các doanh nghiệp FDI luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao để ứng dụng công nghệ mới và nâng cao năng suất lao động", ông Dũng cho hay.

Do đó, ông Dũng cho rằng, các địa phương cần xây dựng các chương trình, đề án về phát triển nguồn nhân lực, thị trường lao động trên cơ sở định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, xây dựng kênh thông tin về nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động, nhu cầu đào tạo về số lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động của doanh nghiệp. Đặc biệt, là các ngành khoa học - kỹ thuật - công nghệ, ưu tiên cho công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai. Đây là dữ liệu quan trọng để phân tích, dự báo nhân lực và nhu cầu kỹ năng tương lai. Một khi thông tin về cầu nhân lực được xác định cụ thể thì kế hoạch và phương án cung cấp nhân lực sẽ ngày càng tiệm cận với cầu của doanh nghiệp.

Phan Hoạt
.
.
.