Thị trường khoa học và công nghệ: Cung - cầu lệch pha
Từ đầu năm 2023, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được kỳ vọng tiếp tục tạo nên những đột phá mới trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra, tham gia phát triển các ngành, lĩnh vực, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, thực tiễn có như kỳ vọng?
Nguồn cung phong phú nhưng không hấp dẫn được doanh nghiệp
Đó là một trong những bất cập được lãnh đạo Bộ KH&CN thẳng thắn nhìn nhận tại báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 134/2020/QH14 của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khoá XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khoá XIII trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, nguồn cung của thị trường KH&CN từ hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chiếm khoảng 25% thị phần hàng hoá KH&CN, được các doanh nghiệp nước ta tiêu thụ. Nhiều kết quả nghiên cứu từ khu vực viện, trường đã được chuyển giao cho doanh nghiệp như ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ giai đoạn 2009-2019 đạt khoảng 1.300 tỷ đồng; trong đó đạt cao nhất trong năm 2017, 2018 lần lượt là 182.645 triệu đồng và 197.768 triệu đồng; Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam hiện Viện có trên 400 công nghệ có thể giới thiệu với doanh nghiệp để chuyển giao. Hằng năm có khoảng 40-50 sáng chế và giải pháp hữu ích được cấp...
Mặc dù nguồn cung phong phú và đa dạng, nhưng lượng hàng hoá KH&CN từ các nhà cung cấp này còn rất khiêm tốn, mới hấp dẫn chưa đầy 16% doanh nghiệp quan tâm. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là phần lớn kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ của các viện nghiên cứu, trường đại học ở nước ta chưa thực sự trở thành hàng hoá KH&CN có thể lưu thông trên thị trường; còn khó khăn trong thương mại hoá kết quả nghiên cứu được hình thành từ ngân sách Nhà nước (NSNN).
Bên cạnh đó, về nguồn cầu của thị trường KH&CN cũng chưa được đẩy mạnh. Mặc dù nhu cầu tiếp cận, tiếp thu, nắm bắt và làm chủ công nghệ của đội ngũ người tiêu dùng hàng hoá KH&CN, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta hiện nay rất phong phú và đa dạng, tuy nhiên việc giao dịch mua bán công nghệ chủ yếu được diễn ra dưới hình thức hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị, vật tư, trong đó yếu tố chuyển giao công nghệ còn rất hạn chế. Các doanh nghiệp còn chưa thực sự quan tâm mua sắm hàng hoá KH&CN một phần vì năng lực tài chính có hạn, năng lực tiếp thu, nắm bắt công nghệ mới còn hạn chế và đặc biệt do chưa hiện hữu sức ép phải cạnh tranh trong môi trường sản xuất kinh doanh, đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng tiếp thu, áp dụng, làm chủ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Sẽ ban hành Chỉ thị phát triển thị trường KH&CN trong tháng 10 năm nay
Trước thực trạng trên, lãnh đạo Bộ KH&CN cho rằng, việc phát triển tổ chức trung gian là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy và triển khai các hoạt động giao dịch công nghệ, thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ góp phần hình thành hệ sinh thái giao dịch công nghệ, phát triển thị trường KH&CN. Tính đến hết năm 2022, cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường KH&CN (riêng TP Hồ Chí Minh có 126 tổ chức) bao gồm 20 sàn giao dịch công nghệ tại các địa phương; 63 trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, trung tâm thông tin KH&CN; 4 khu CNC; 8 công viên phần mềm; 186 tổ chức cung cấp dịch vụ đai diện sở hữu công nghiệp;...
Trong giai đoan từ năm 2021-2022, theo số liệu thống kê chuyển giao công nghệ của các địa phương, cả nước chỉ có 161 hợp đồng chuyển giao công nghệ (bao gồm cả hợp đồng được gia hạn, sửa đổi, bổ sung), với giá trị các hợp đồng khoảng trên 30.000 tỷ đồng. Trong đó có 130 hợp đồng chuyển giao công nghệ tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, với giá trị trên 28 nghìn tỷ đồng. Các hợp đồng chuyển giao công nghệ chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất điện tử, ôtô, xe máy, dược phẩm, thiết bị y tế, hoá dầu, mỹ phẩm, đồ uống, sinh học, chăn nuôi, khai thác chế biến khoáng sản, xây dựng.
Song thực tế, có rất ít hợp đồng được các bên thỏa thuận chuyển giao đối tượng công nghệ kèm theo máy móc, thiết bị. Hình thức chuyển giao công nghệ chủ yếu thông qua 2 hình thức là chuyển giao công nghệ độc lập và dự án đầu tư; phương thức chuyển giao công nghệ sử dụng chủ yếu là chuyển giao tài liệu về công nghệ; đào tạo cho bên nhận công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật cho bên nhận công nghệ.
Nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn và đổi mới cơ chế, chính sách tài chính gắn với kết quả, chất lượng nghiên cứu khoa học để thúc đẩy phát triển khoa học. công nghệ và đổi mới sáng tạo, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai và thực hiện hiệu quả 2 mục tiêu lớn và 7 nhóm giải pháp đã đề ra tại Chương trình phát triển thị trường KH&CN quốc gia đến năm 2030 và sẽ ban hành Chỉ thị phát triển thị trường KH&CN trong tháng 10 năm 2023. Chỉ đạo Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các viện nghiên cứu, trường đại học nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm chính sách, tạo động lực thương mại hoá, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ NSNN vào sản xuất, kinh doanh.