Thị trường chứng khoán sẽ qua “cơn bĩ cực”?

Thứ Năm, 21/04/2022, 08:52

Không hiểu điều gì đang xảy ra trên thị trường chứng khoán (TTCK)- đó là cảm thán của hầu hết các nhà đầu tư, đặc biệt là với những nhà đầu tư F0- khi bị “đạp” ngã dúi dụi trong những phiên lao dốc của TTCK thời gian qua. Tuy nhiên, các chuyên gia lại nhận định TTCK đang đón chờ cơ hội phát triển mới.

Qua cơn mưa, trời lại sáng

Sau khi giảm liên tục trong tuần trước, 3 ngày giao dịch của tuần mới, TTCK tiếp tục chứng kiến sự lao dốc không phanh của cổ phiếu, với mỗi ngày, giá trị thị trường “bốc hơi” hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, phiên giao dịch thứ Hai, ngày 18/4, sắc đỏ bao trùm TTCK, hơn 102.908 tỷ đồng vốn hóa của sàn HoSE bị “thổi bay”, giá trị còn lại khoảng 5.678.439 tỷ đồng. Bước sang ngày 19/4 - "ngày thứ Ba đen tối", giới đầu tư tiếp tục sốc khi mọi thứ đều bị bán không thương tiếc, cổ phiếu tốt cũng bị bán như "hàng rác". VN-Index đánh mất 26 điểm, VN-30 rớt 27,6 điểm chỉ trong 45 phút cuối phiên, thổi bay 103.000 tỷ đồng vốn hoá. Nếu tính từ đỉnh 1.524 điểm thì VN-Index đã rớt 118 điểm, vốn hoá bốc hơi 443.000 tỷ, tương ứng 19,2 tỷ USD. Chưa dừng lại, phiên ngày 20-4, thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ, chỉ số VN-Index giảm 21,73 điểm (-1,55%), xuống 1.384,72 điểm.

image001.jpg -0
Nhà đầu tư đang bị tâm lý trước các thông tin tiêu cực.

Sự tháo chạy của các nhà đầu tư phản ánh thực tế tâm lý hoảng loạn đang lan rộng trên TTCK được cho là phản ứng trước các tin đồn bắt bớ lãnh đạo doanh nghiệp (DN) vi phạm, thanh tra từ cấp DN đến cấp quản lý, hay tin đồn ngân hàng tăng vọt lãi suất từ 5%/năm lên 10%/năm đối với công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ (margin) khiến nhà đầu tư cho rằng nguồn vốn vào kênh chứng khoán bị siết...

Bởi thực tế, không có các thông tin nào quá xấu ở giai đoạn hiện nay, những sự kiện đáng lo như cuộc chiến Nga - Ucraine đã tạm lắng, lạm phát đã có số liệu, lãi suất USD được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng như dự kiến...

Nói cách khác, các thông tin được cho là tác động tiêu cực tới TTCK đã trôi qua, nhiều kỳ vọng tích cực mới như gói kích thích kinh tế 350.000 tỷ đồng sắp giải ngân; lãi suất duy trì ở mức thấp nhằm hỗ trợ kinh tế phát triển, các DN, thậm chí cả nhà đầu tư tài chính, bất động sản vẫn có thể vay với lãi suất thấp để đầu tư; kết quả kinh doanh quý I/2022 của nhiều DN ước tính khả quan, lợi tăng trưởng tăng mạnh…

Bởi vậy, theo phân tích của các chuyên gia, TTCK sẽ sớm ổn định trở lại, khi nhà đầu tư bình tĩnh hơn. Ông Nguyễn Duy Hưng- Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI cho rằng, xu hướng giảm điểm có nguyên nhân là lãi suất tăng-vì khi tăng lãi suất, giá vốn không còn rẻ thì TTCK tất nhiên sẽ giảm điểm. Việc cơ quan chức năng kiểm soát việc giao dịch của một số nhóm thao túng thị trường, cũng như đang kiểm tra chấn chỉnh việc phát hành trái phiếu DN của các Tập đoàn kinh tế tư nhân đã ảnh hưởng giảm sâu đến thanh khoản và giá của một số mã chứng khoán nhưng thực sự vẫn theo xu thế chung của thị trường thế giới. Từ đầu năm tới nay, VNIndex giảm 7%, Mỹ (SP500) giảm 6.4%, Hàn Quốc giảm 9%, Hang Seng giảm 9.7%, TQ giảm 16.5% …

“Theo thống kê  thì sau khi tăng lãi suất, thì 2 tháng đầu TTCK luôn bị điều chỉnh giảm, nhưng sau 12 tháng thì đa số thị trường tăng điểm cao hơn so với trước khi tăng lãi suất. Cá nhân tôi cho rằng thị trường đang mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro cho nhà đầu tư so với lúc tăng nóng ở đỉnh. Còn tất nhiên khi thị trường giảm bất kể vì lý do gì thì các nhà đầu tư đang giữ danh mục cổ phiếu đều thấy mất tiền và có cảm giác bi quan nhưng “qua cơn mưa trời lại sáng”, việc lành mạnh hoá thị trường luôn là yếu tố tích cực nhằm bảo vệ nhà đầu tư và cả nền kinh tế”, ông Hưng phân tích.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, TTCK Việt Nam đã phát triển “nóng” giai đoạn vừa rồi. Tuy nhiên, đây không phải diễn biến mới mà chứng khoán thế giới và Việt Nam cũng đều có những giai đoạn phát “nóng” như vậy bất chấp rủi ro. Liên hệ với các vụ việc trên TTCK mới nhất là vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết hay vụ việc tại Tân Hoàng Minh, ông Nghĩa cho rằng "chưa phải ghê gớm".

Ông Nghĩa tin tưởng TTCK Việt Nam sẽ vẫn tiến lên cùng với đà tăng trưởng của thị trường thế giới. Cơ sở của niềm tin này được TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra là kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh, kinh tế vĩ mô khá ổn định. “Đây là điểm tựa vô cùng quan trọng với TTCK. Thị trường vẫn sẽ rất tiềm năng nếu kinh tế phục hồi với tốc độ nhanh và mạnh, nhất là ở các ngành dịch công nghiệp chế biến, chế tạo”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.

Làm trong sạch thị trường

Theo luật sư Trương Thanh Đức, người ta hay nói “nước trong thì không có cá”, nhưng với riêng TTCK, làm xanh sạch thị trường lại là ưu tiên hàng đầu. “Trong sạch không làm mất con cá nào, mà có cá sạch, cá an toàn và cá ngon hơn”, ông Đức nói. Song, để “làm sạch” thị trường, ông Đức cho rằng đây cũng là một bài toán không dễ.

Đồng quan điểm, các chuyên gia đến từ Dragon Capital đánh giá, sự kiện liên quan đến FLC và Tân Hoàng Minh có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường trong một vài tuần, đặc biệt đối với các cổ phiếu bất động sản có tính đầu cơ cao. Tuy nhiên, việc bắt giữ những cá nhân vi phạm pháp luật sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tăng tính minh bạch của thị trường, bảo vệ quyền lợi cổ đông và thúc đẩy nhà đầu tư hướng về nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản.

Tương tự, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, việc chủ tịch một tập đoàn bị bắt vì thao túng chứng khoán vừa qua đã gây rung lắc thị trường trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn thể hiện nỗ lực của Chính phủ nhằm duy trì sự phát triển bền vững của thị trường và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư.

Phân tích cụ thể, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để làm trong sạch thị trường, trước tiên phải xuất phát từ nhà đầu tư khi có sự thấu hiểu và thông tin nhất định. Nhưng nhà đầu tư không phải ai cũng có khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin tốt. Đây chính là sự bất cân xứng. Vấn đề trước mắt chúng ta cần làm là giải quyết vấn đề bất cân xứng này”, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho rằng, hiện thị trường bức xúc khi các nhóm "thổi giá", tái cấu trúc tài chính DN đang hoạt động mạnh mẽ mà chúng ta không có động thái giám sát, cảnh báo. Phải luôn giám sát, có biện pháp xử lý để tạo niềm tin thị trường. “Yếu kém nhất của thị trường Việt Nam là minh bạch. Nếu minh bạch ngay được từ báo cáo tài chính khi phát hành thì trong tương lai số người tham gia thị trường sẽ còn nhiều hơn”, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nói.

Hà An
.
.
.