Theo dõi sát để có giải pháp bình ổn thị trường chứng khoán
Sau những hào hứng trong các phiên giao dịch đầu năm đẩy VN-Index dễ dàng vượt qua mốc 1.500 điểm, trị trường chứng khoán (TTCK) đã rơi vào cơn lốc giảm giá sau do thông tin tiêu cực tác động mạnh. Việc chọc thủng mốc 1.200 điểm đã khiến cho tâm lý nhà đầu tư càng thêm tiêu cực.
Giảm một mạch trong 6 tuần liên tiếp với biên độ 23% từ đỉnh, VN-Index đánh dấu mốc kỷ lục buồn, đặc biệt trong tuần 9-13/5, với 145,88 điểm bị "đánh rơi", chỉ số chính thức đã có tuần giảm mạnh nhất lịch sử. Như vậy, phải mất tới 4 năm để chỉ số sàn HoSE leo từ 1.200 đến vùng đỉnh lịch sử mới; song chỉ cần vỏn vẹn 1 tháng để mọi công sức bị đánh bại toàn bộ. VN-Index "rơi tự do" hơn 340 điểm từ mốc đỉnh để về lại vùng đỉnh cũ của năm 2018. Trong ngày giao dịch “thứ 6 ngày 13”, VN-Index giảm 56,07 điểm (-4,53%), xuống 1.182,77 điểm; HNX-Index giảm 13,13 điểm (-4,16%), xuống 302,39 điểm; UpCoM-Index giảm 2,82 điểm (-2,93%), xuống 93,61 điểm. Nhiều cổ phiếu đã giảm 40-50% thị giá. Nhà đầu tư bị thua lỗ rất nặng. Vốn hoá HoSE đã "bốc hơi" 1,343 triệu tỷ đồng, tương ứng 58,3 tỷ USD kể từ đầu tháng 4 đến nay.
Không khí hoang mang, lo lắng, thậm chí hoảng loạn bao trùm cả thị trường, tác động tâm lý tiêu cực tới nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù có thể sẽ có nhiều biến động vì nhiều yếu tố khách quan, nhưng TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực từ các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô và yếu tố nội tại tốt.
Theo các số liệu chính thức được công bố, trong quý I/2022, các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô trong nước vẫn rất tích cực và Việt Nam vẫn được các định chế tài chính quốc tế lớn đánh giá rất cao về tăng trưởng kinh tế năm nay. Mặt bằng lãi suất chịu sức ép tăng nhưng cơ bản Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ ổn định để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Sức ép lên lạm phát là có và không thể chủ quan, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để kiểm soát trong mục tiêu đề ra. Về nội tại thị trường, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ. Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam vẫn còn đó nhiều yếu tố hỗ trợ khác như: Dòng tiền tham gia, kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh…
Còn về phía cơ quan quản lý, trước những diễn biến đỏ lửa của thị trường, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có thông tin trấn an. Theo đó, đại diện UBCKNN cho biết, TTCK trong nước đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, trước tác động tổng hòa từ yếu tố tâm lý trong nước và đặc biệt là các rủi ro từ thị trường quốc tế như: FED tăng lãi suất mạnh, căng thẳng địa chính trị chưa được giải quyết, áp lực lạm phát, giá cả đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là giá năng lượng,...
Lãnh đạo UBCKNN cho rằng, mặc dù TTCK Việt Nam vẫn được kỳ vọng rất lớn sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và các năm tiếp theo, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có thể còn có sự biến động mạnh, cơ quan quản lý đang đặc biệt ưu tiên các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư. UBCKNN, các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cũng đã họp với nhiều thành viên thị trường, công ty chứng khoán để đánh giá tình hình hiện tại của thị trường, cũng như bàn thảo các giải pháp cả ngắn, trung hạn để thị trường vượt qua khó khăn, ổn định trở lại.
Trong năm nay sẽ có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản, cũng như minh bạch thông tin trên thị trường. “Chúng tôi đang dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định TTCK trong nước. Đồng thời, tích cực thông tin tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường lòng tin của các chủ thể tham gia thị trường, công chúng đầu tư trong và ngoài nước vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển TTCK minh bạch, công khai, an toàn, hiệu quả” – đại diện lãnh đạo UBCKNN nói.
Đối với các giải pháp trung và dài hạn, lãnh đạo UBCKNN cho biết, cơ quan quản lý đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK, hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 để định hình rõ mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển TTCK về dài hạn. Song song với đó, rà soát, đánh giá tổng kết để kiến nghị những nội dung còn bất cập trong khuôn khổ pháp lý về chứng khoán và TTCK (kể cả Luật Chứng khoán và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành), nhất là các quy định về minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của bên tham gia, các chế tài xử phạt vi phạm pháp luật trên TTCK để bảo vệ nhà đầu tư, từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của TTCK.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có thêm những giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng cung cấp dịch vụ, năng lực tài chính, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, đặc biệt là các công ty chứng khoán, công ty kiểm toán độc lập, công ty quản lý quỹ, hoạt động của hệ thống công ty định giá tài sản, định mức tín nhiệm, kế toán, kiểm toán. Quản lý, giám sát chặt chẽ, đồng thời tạo điều kiện, phát huy vai trò của các tổ chức này để cung cấp dịch vụ minh bạch, an toàn, hiệu quả cho cả tổ chức phát hành và nhà đầu tư” – lãnh đạo UBCKNN thông tin thêm.
Được biết, tối 13/5, UBCKNN đã có cuộc họp nóng với HOSE, HNX và Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam và 23 công ty chứng khoán để nhận định, đánh giá tình hình TTCK và đề xuất các giải pháp nhằm sớm ổn định lại thị trường chứng khoán.