Thay đổi chiến lược phát triển ngành gạo Việt Nam
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa của cả nước. Sản lượng lúa sản xuất tại đây ổn định từ 24-25 triệu tấn, chiếm trên 60% sản lượng lúa sản xuất, trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước; tạo việc làm và thu nhập cho trên 1,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp; đóng góp chủ lực vào bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy công nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo.
Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức triển khai.
Dự thảo của đề án nêu rõ mục tiêu xây dựng và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh ở ĐBSCL trên quy mô lớn để nâng cao thu nhập của người trồng lúa và hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo vệ môi trường sinh thái, đóng góp cho đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu hiệu quả cao, góp phần phát triển ĐBSCL bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong đó, đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL đạt trên 500.000ha, tương ứng khoảng 1 triệu ha gieo trồng và sản lượng đạt khoảng 6,2 triệu tấn lúa (khoảng 3,8 triệu tấn gạo). Lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35%. Giảm lượng lúa giống còn 80 kg/ha, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học 30%, giảm lượng nước tưới 30%.
Tỷ lệ diện tích ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến, bao gồm GAP và tương đương được công nhận, được cấp mã số vùng trồng hoặc áp dụng theo quy trình canh tác của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường đạt 80%; tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số đạt trên 20%; diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đạt 50%…
Đến năm 2030,diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao toàn vùng ĐBSCL đạt 1 triệu ha, tương ứng 2 triệu ha gieo trồng, sản lượng đạt khoảng 12,4 triệu tấn lúa (khoảng 7,7 triệu tấn gạo); lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 40%…
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, đây là Đề án rất có ý nghĩa trong chuyển đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, đây cũng là Đề án đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi có thời gian, lộ trình cụ thể và cần có sự đóng góp của các chuyên gia, Viện nghiên cứu, các tổ chức trong nước và quốc tế, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là tổ chức có nhiều kinh nghiệm trong hỗ trợ phát triển ngành hàng lúa gạo…