Tháo gỡ điểm “nghẽn” để du lịch Huế phục hồi hiệu quả

Thứ Tư, 08/03/2023, 07:38

Thừa Thiên-Huế tự hào khi có đến 5 di sản vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh. Huế còn được thiên nhiên ưu đãi khi sở hữu nhiều di tích, biển, đầm phá Tam Giang là một trong những vùng đất ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á; vịnh đẹp Thế giới Lăng Cô và là cái “nôi” ẩm thực của văn hóa Việt… Địa phương này xác định và tập trung thực hiện đề án phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều điểm “nghẽn”, nhiều thế mạnh chưa được khai thác nên chưa “níu chân” du khách lưu lại dài ngày.

Tại phiên họp thường kỳ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên-Huế tháng 2 và triển khai nhiệm vụ tháng 3/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này cho biết, lượng khách du lịch đến tỉnh tăng 12,5% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước đạt 83.000 lượt, tăng hơn 50% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch ước đạt 458 tỷ đồng; gấp 2,3 lần so với cùng kỳ… Theo nhận định, thời gian tới, sẽ có nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế chọn Huế làm điểm đến.

Tháo gỡ điểm “nghẽn” để du lịch Huế phục hồi hiệu quả -0
Trong tháng 2/2023, lượng khách quốc tế đến Huế tăng 50% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để ngành du lịch Thừa Thiên-Huế phục hồi hiệu quả thì địa phương nên bổ sung thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, chất lượng, đồng thời tháo gỡ những điểm “nghẽn”... Tại chương trình đối thoại của lãnh đạo tỉnh với 120 doanh nghiệp du lịch diễn ra ngày 3/3 vừa qua, nhiều doanh nghiệp kiến nghị tỉnh sớm tháo gỡ các khó khăn.

Ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên-Huế cho rằng, từ sau khi mở cửa hoạt động du lịch hoàn toàn trở lại, trong năm 2022, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để phục hồi du lịch, như: đốc thúc các cơ sở lưu trú nâng cấp cơ sở vật chất, bồi dưỡng nhân lực du lịch, khảo sát xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng, tâm linh, sức khỏe. Đồng thời, xây dựng các chương trình kích cầu, kết nối mở đường bay mới, các sự kiện lễ hội lớn của tỉnh…

Hiện sản phẩm du lịch tại Huế vẫn chưa đa dạng và hấp dẫn được du khách. Những dịch vụ văn hóa ban đêm hiện chỉ tập trung là tour ca Huế trên sông Hương nên khó có thể “níu chân” du khách lưu trú dài ngày. Trước đây, chương trình Áo dài show cũng được Công ty VKStar tổ chức khá hiệu quả, kết nối và đưa nhiều nguồn khách quốc tế đến Huế. Vào thời điểm trước dịch COVID-19, sản phẩm văn hóa này đã phục vụ khoảng 200.000 lượt khách/năm.

Theo bà Nguyễn Lan Vy, Tổng Giám đốc VKStar, do khó khăn về việc thuê mặt bằng tại Huế nên đơn vị đã phải tạm đóng cửa và tổ chức Áo dài show tại Đà Nẵng. Thị trường khách tour này chủ yếu là khách Hàn Quốc, Thái Lan… với ước tính có khoảng 20.000 lượt khách/tháng. “Chúng tôi mong lãnh đạo tỉnh quan tâm và tạo điều kiện cho doanh nghiệp được thuê mặt bằng xây dựng không gian phát triển sản phẩm du lịch. Áo dài show là sản phẩm du lịch khá tốt, tạo điều kiện việc làm cho hơn 200 người lao động và sinh viên tại Huế cũng như kết nối để các đoàn khách quốc tế đến lưu trú và trải nghiệm các dịch vụ du lịch khác của Huế”, bà Vy cho hay.

Nhiều năm qua, đường hàng không luôn là điểm “nghẽn” lớn của Huế. Hiện, nhiều doanh nghiệp đang quan tâm khi sắp tới, nhà ga T2 của Cảng hàng không quốc tế Phú Bài đưa vào khai thác. Với công suất 5 triệu hành khách/năm, nhưng hiện đường bay Huế - Hà Nội và chiều ngược lại cũng như Huế - TP Hồ Chí Minh và chiều ngược lại đang rất ít chuyến bay, giờ bay không thuận tiện cho du khách và giá vé cao hơn so với nhiều đường bay khác. Các doanh nghiệp du lịch kiến nghị lãnh đạo tỉnh làm việc với các hãng hàng không để có kế hoạch tăng cường tần suất bay, điều chỉnh giờ bay hợp lý; đồng thời, xem xét mở thêm các đường bay nội địa và quốc tế để thu hút khách như Huế - Phú Quốc, Huế - Hàn Quốc…

Nhiều ý kiến đề xuất cần bổ sung các dịch vụ ở khu di sản Huế, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến. Giá vé hiện tại của các điểm tham quan của di sản Huế đang bị các đơn vị lữ hành, các du khách đánh giá là cao trong khi nhiều công trình tại khu di sản Đại Nội đang trùng tu. Có thể xem xét mở cửa Đại Nội về đêm và khai thác các dịch vụ phù hợp.

Một doanh nghiệp khác cho rằng, đại dịch COVID-19 đã dần thay đổi nhu cầu và thói quen của khách du lịch, đặc biệt là dòng khách châu Á và khách nội địa. Loại hình du lịch check-in trải nghiệm, du lịch sức khỏe nghỉ dưỡng được ưu tiên lựa chọn; trong khi đó ngành du lịch Thừa Thiên-Huế vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống di sản, không có đột phá về sản phẩm trong những năm qua. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc phục hồi du lịch của địa phương…

Chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp du lịch hiện đang gặp phải, đồng thời ghi nhận những đóng góp đầy tâm huyết của các doanh nghiệp để cùng chung tay phát triển du lịch bền vững, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Lê Trường Lưu cho biết, xác định và tập trung thực hiện đề án phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh luôn quan tâm, định hướng phát triển du lịch; thể chế hóa quan điểm, chủ trương về phát triển du lịch thông qua các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch cụ thể…

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trong năm 2023, Huế có nhiều chương trình lễ hội phục vụ du khách, các hoạt động diễn ra quanh năm và đã được công bố đến các đơn vị du lịch để tham khảo tổ chức tour, tuyến phù hợp. Năm nay, ngành du lịch Thừa Thiên-Huế đặt mục tiêu đón từ 3-3,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 30%.

Sở Du lịch cũng phối hợp với Hiệp hội Du lịch và các đơn vị liên quan để khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng mà du khách chọn lựa. Xây dựng đề án phát triển kinh tế đêm tại Thừa Thiên-Huế nhằm phát triển bền vững ngành du lịch; nâng cao đời sống kinh tế của người dân; đồng thời phát huy được giá trị di sản, văn hóa, lịch sử. Xây dựng các đề án phát triển du lịch các khu, điểm du lịch tại các khu vực biển và đầm phá, sông, hồ, suối thác, các nghề, làng nghề truyền thống; phát triển dịch vụ du lịch tại Quần thể di tích Cố đô Huế...

Mới đây, khảo sát thực địa giao thông khu vực Đại Nội Huế và vùng phụ cận, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, để xây dựng hình ảnh thành phố du lịch an toàn, thân thiện cho du khách đến Huế; UBND TP Huế phải nghiên cứu, thành lập tổ công tác liên ngành để kịp thời xử lý các bất cập mà du khách phản ánh và các vi phạm gây ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh được giao lắp đặt camera giám sát tại các điểm xảy ra tình trạng cò mồi, chèo kéo du khách để theo dõi, xử lý theo quy định pháp luật.

Hải Lan
.
.
.