Thách thức "ép" lạm phát dưới 4%

Thứ Ba, 05/04/2022, 08:30

"Cơn sốt" giá nguyên, nhiên liệu và hàng hóa cơ bản chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến lạm phát do chi phí đẩy lan dần là mối lo lớn nhất với cơ quan quản lý từ nay đến cuối năm... Do vậy, việc giữ được mục tiêu lạm phát bình quân 4% trong năm 2022 đang là thách thức lớn.

Đây cũng là những nội dung được các chuyên gia đưa ra thảo luận tại đối thoại "Vòng xoáy lạm phát - Kiểm soát chi phí đẩy" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 4/4.

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, chỉ số giá CPI năm 2022 sẽ có xu hướng tăng trong những tháng tiếp theo, mức độ tăng phụ thuộc vào giá thế giới cũng như mức độ điều hành của Chính phủ.

"Chúng ta thấy kinh tế thế giới đang phục hồi, nhu cầu nguyên, vật liệu tăng cao trong khi nguồn cung hiện tại đang đứt gãy khiến giá hàng hóa quốc tế tháng tới đây tăng mạnh, gây áp lực lạm phát cao ở nhiều nước, kể cả nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật, châu Âu là những đối tác lớn của Việt Nam. Do đó, mức lạm phát 4% có thể đạt được nhưng khó. Mong rằng Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước linh hoạt, với kinh nghiệm những năm trước, cần có quyết tâm lớn thì mới đạt được mục tiêu", ông Tiến nhấn mạnh.

Thách thức
Sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá để kiểm soát, bình ổn thị trường.

Ông Nguyễn Đức Trung, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng kịch bản xấu về năng lượng không thể nào đoán trước được. Chúng ta rất khó có thể kiểm soát do phụ thuộc hoàn toàn vào quốc tế. Giá dầu đang vượt so với kịch bản bình quân đưa ra là trên 50%. Khi giá dầu ở mức 100-125 USD/thùng thì giá xăng trong nước sẽ tăng 40% và lạm phát tăng 1,44-2,7%. 

Ngoài xăng dầu, chúng ta còn phải tính đến một vấn đề nữa là Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chính sách Zero COVID, do đó, Trung Quốc đã phong tỏa rất nhiều thành phố, dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, khan hiếm nguyên vật liệu lớn, làm tăng giá. Theo kịch bản mô phỏng, nếu xăng dầu tiếp tục tiến tới mức 140 USD/thùng thì lạm phát bình quân năm nay vẫn có thể ở mức 4%, nhưng lạm phát so với cùng kỳ sẽ vượt 4% ngay trong tháng 8 và tháng 9 và cuối năm có thể trên 7%. Điều này rất nguy hiểm ở chỗ gây ra kỳ vọng lạm phát và áp lực lớn hơn nữa cho điều hành, kiểm soát lạm phát năm 2023.

Tuy nhiên, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, lạm phát trong khủng hoảng nhiên liệu và nguyên vật liệu cơ bản tác động vào các nước phát triển rất mạnh, nhưng tác động vào các nước châu Á, nhất là những nước đang phát triển, mới nổi, thì lại không nhiều. Đối với Việt Nam, giá lương thực thực phẩm, dù giá phân bón có tăng, không phải áp lực lớn với Việt Nam bởi chúng ta chủ động được các yếu tố căn bản. "Trong khoảng 6 yếu tố tác động tới lạm phát thì Việt Nam có 4 yếu tố có lợi và chỉ 2 yếu tố bất lợi. Do đó, mục tiêu giữ lạm phát dưới 4% hoàn toàn có thể đạt được. Chúng tôi dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2022 sẽ là khoảng 3,8-3,9%", ông Nghĩa nói.

Ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong các kịch bản điều hành bao giờ cũng có 3 loại, kịch bản tốt nhất, kịch bản vừa và kịch bản xấu nhất. Trong kịch bản xấu nhất, Cục Quản lý giá dự tính mức giá xăng dầu bình quân sẽ tăng rất cao, khoảng 40%, lúc đó, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dù chịu những biến động bất thường của chi phí sản xuất nhưng CPI quý I tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước cho thấy vấn đề kiểm soát mặt bằng giá khá thành công.

"Với diễn biến CPI của quý I vừa qua, các bộ, cơ quan đều thống nhất nhận định việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2022 ở mức khoảng 4% hiện vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá. Tuy nhiên, công tác điều hành giá linh hoạt nhưng phải rất thận trọng và tuyệt đối không được lơ là, chủ quan", ông Đặng Công Khôi khẳng định.

Theo đó, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) sẽ tiếp tục chủ động cập nhật thông tin diễn biến giá cả thị trường, phối hợp với các bộ, ngành cập nhật kịch bản điều hành giá hướng tới kiểm soát lạm phát theo mục tiêu được giao. Đồng thời, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Thời gian tới, việc tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá cũng cần được đề cao hơn.

Lưu Hiệp
.
.
.