Tập trung tìm nguồn cung nhập khẩu xăng dầu

Thứ Sáu, 21/10/2022, 11:24

Ngày 21/10, Bộ Công Thương thông tin về cuộc khảo sát của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Tổng kho Nhà Bè và cuộc làm việc tại Công ty Xăng dầu khu vực II thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sau khi thị trường xăng dầu có nhiều dấu hiệu bất ổn, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. 

Tại buổi làm việc này, ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Petrolimex cho biết, về nguồn cung trong nước, Petrolimex đã đề nghị với hai nhà máy lọc dầu trong nước có những cam kết chắc chắn về khả năng đảm bảo nguồn theo hợp đồng đã ký kết, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Việt Nam đã chi 7,1 tỷ USD nhập khẩu 6,8 triệu tấn xăng dầu -0
9 tháng đầu năm riêng mặt hàng xăng dầu nhập khẩu giúp tăng thu ngân sách khoảng 13.800 tỷ đồng.

Đối với nguồn nhập khẩu từ nước ngoài, Petrolimex đã tích cực tìm kiếm nguồn hàng tin cậy, ký kết hợp đồng mua hàng sớm hơn thông lệ. Trong tháng 9 và những ngày đầu tháng 10/2022, Petrolimex đã phải chấp nhận mua hàng không ưu đãi, chịu mức thuế cao, để đảm bảo nguồn cung trong nước.

Đối với nhu cầu tháng 11, Tập đoàn đã lên kế hoạch và mua đủ nguồn hàng bảo đảm khoảng 80% nhu cầu. 

Theo ông Phạm Văn Thanh, hiện Tập đoàn này đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến định mức bảo quản thấp, không đủ trang trải chi phí..., do vậy, hàng dự trữ quốc gia còn để chung với hàng kinh doanh. Doanh nghiệp đề nghị xem xét điều chỉnh đơn giá bảo quản cho phù hợp với chi phí; kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ công ty cải tạo, nâng cao sức chứa tại Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè để tăng sức chứa bảo quản hàng dự trữ quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực phía Nam.

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), trong số các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu ở khu vực phía Nam, có 1 doanh nghiệp không thực hiện dự trữ xăng dầu theo quy định; 5 doanh nghiệp không đảm bảo dự trữ thương mại và có doanh nghiệp không đảm bảo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công Thương phân giao.

Tập trung tìm nguồn cung nhập khẩu xăng dầu -0
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khảo sát, kiểm tra hệ thống kho xăng dầu phía Nam.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc quản lý hệ thống hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ trong cả nước có vai trò đặc biệt quan trọng. Vừa qua, thống kê có những ngày cao điểm nhất cũng chỉ có khoảng trên 200 cửa hàng bán lẻ không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Nếu so với tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước, con số này chỉ chiếm hơn 1% và đặc biệt là quan sát kỹ hơn thì thấy hiện tượng này chỉ xảy ra ở một vài địa bàn là TP Hồ Chí Minh và một vài tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này đã đặt ra câu hỏi: Tại sao hiện tượng này không xảy ra ở các nơi khác? Tại sao chỉ có hơn 1% cửa hàng xăng dầu tạm ngưng mà dư luận lại cho là khủng hoảng hệ thống phân phối xăng dầu trong cả nước?

Do vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Petrolimex và các thành viên, trong đó có Công ty Xăng dầu khu vực II cần phải nghiêm túc đánh giá lại việc thực hiện nhiệm vụ dự trữ xăng dầu, kể cả dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia; tập trung thật cao cho việc tìm nguồn cung nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước; đồng thời, phải tổ chức, xếp lại hệ thống phân phối, giảm khâu trung gian, tăng chế độ trách nhiệm cá nhân mỗi khâu và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phải đẩy nhanh quá trình hoàn thiện Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia để từ tháng 1/2023 trở đi, toàn bộ doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối phải được quản lý, giám sát bằng hệ thống này để minh bạch hơn về thông tin.

Việt Nam đã chi 7,1 tỷ USD nhập khẩu hơn 6,8 triệu tấn xăng dầu

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 10, nước ta nhập khẩu 290.460 tấn xăng dầu các loại, tổng kim ngạch nhập khẩu là 259,47 triệu USD. So với nửa cuối tháng 9/2022, kết quả nhập khẩu có chiều hướng giảm mạnh (nửa cuối tháng 9 là 406.819 tấn, kim ngạch gần 392 triệu USD).

Từ đầu năm đến 15/10, cả nước nhập khẩu 6.805.424 tấn, kim ngạch gần 7,1 tỷ USD, tăng gần 1,3 triệu tấn (tương đương 23,4%) và kim ngạch tăng tới 129,37% (tương đương tăng gần 4 tỷ USD). Các mặt hàng nhập khẩu chính trong nhóm xăng dầu gồm: Xăng, diesl, mazut, nhiên liệu bay, trong đó, diesel nhập khẩu tới 3.821.338 tấn, kim ngạch gần 4 tỷ USD. Tuy nhiên, xăng và nhiên liệu bay là 2 mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao đáng chú ý.

Đáng chú ý, những tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu xăng dầu từ Trung Quốc tới 627.123 tấn, kim ngạch 676 triệu USD, gấp 2,3 lần về lượng so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương tăng 130%), trong khi kim ngạch gấp tới 4,42 lần.

Để tiếp tục tạo thuận lợi và rút ngắn hơn nữa thời gian thông quan, kịp thời đưa hàng hóa vào lưu thông trên thị trường, Tổng cục Hải quan đã có Văn bản số 3642/TCHQ-GSQL ngày 31/8/2022 chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện thông quan nhanh chóng đối với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu.

Theo Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), 9 tháng đầu năm riêng mặt hàng xăng dầu nhập khẩu giúp tăng thu ngân sách khoảng 13.800 tỷ đồng.

Mới đây, trước việc nhiều cây xăng đóng cửa, Bộ Công Thương đã có 2 công văn hỏa tốc gửi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Trân Trân
.
.
.