Tăng trưởng xanh - cứu cánh của nền kinh tế: Hoá giải khó khăn (Bài cuối)
Để tăng trưởng xanh, nền kinh tế nói chung và bản thân mỗi doanh nghiệp (DN) nói riêng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó, 2 khó khăn lớn nhất là tài chính và nguồn lực con người.
“Đối mặt” thách thức
Tại Diễn đàn khoa học với chủ đề "Diễn đàn tăng trưởng xanh Việt Nam 2023", bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ đem lại cho chúng ta lợi ích to lớn và lâu dài. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này chắc chắn chúng ta sẽ phải đánh đổi.
Bà Ngọc đề cập đến hai khía cạnh là nguồn lực tài chính và nguồn lực con người để triển khai thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, để đạt được các mục tiêu trong chiến lược tăng trưởng xanh, trong khi nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp và đặc biệt chúng ta cũng phải ứng phó với rất nhiều vấn đề của khu vực và toàn cầu. Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc hoạch định chính sách và thúc động nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh.
Cụ thể, chúng ta đã có ban hành 2 chiến lược tăng trưởng xanh và ban hành kế hoạch hành động thực hiện tăng trưởng xanh. Việt Nam cũng đã xây dựng khuôn khổ pháp lý, thể chế để tạo điều kiện khuyến khích phát triển tăng trưởng xanh, trong đó có vấn đề về cơ chế ưu đãi. Chính phủ cũng đã phê duyệt các quy hoạch rất quan trọng, trong đó có Quy hoạch điện VIII, đẩy mạnh chuyển đổi số. "Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nỗ lực này nó cũng chỉ là cái bước khởi đầu, cơ hội và thách thức còn rất nhiều ở trước mắt", bà Ngọc chia sẻ.
Có cùng quan điểm về những thách thức hiện hữu với Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi xanh, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank nhấn mạnh 2 điểm chính. Thứ nhất là về nguồn vốn, theo World Bank, đến năm 2040, Việt Nam sẽ cần 368 tỷ USD để đạt NET ZERO, nhưng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam đến 30/6/2023 chỉ đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng. Mặt khác, nguồn vốn tài chính quốc tế cho phát triển xanh đã không còn rẻ nữa. “Hiện nay, lãi suất của FED, các nước châu Âu ở mức rất cao, cao hơn Việt Nam, chưa bao giờ có tình cảnh như hiện nay” - ông Nam nói.
Thách thức thứ hai được lãnh đạo nhà băng này chỉ ra là về năng lực đổi mới với phát triển xanh. Trong đó, bao gồm hạ tầng và các điều kiện sản xuất; đào tạo đội ngũ nhân lực và người lao động; các chuẩn mực quản trị điều hành, chuẩn mực công bố thông tin. Điều này dẫn đến quá trình chuyển đổi không phải DN nào cũng sẵn sàng, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư và hoạt động vận hành. Tuy nhiên, với thách thức luôn có cơ hội.
Theo ông Trần Hoài Nam, Việt Nam có thể tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi. Nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới cùng các ngân hàng thương mại Việt Nam đã cam kết, hỗ trợ và không ngừng nâng hạn mức nguồn tài trợ tín dụng xanh. Chuyển đổi xanh cũng sẽ giúp giảm thiểu chi phí trong tương lai và thực thi các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững, giúp DN thăng hạng tín nhiệm, thu hút vốn đầu tư vào DN, giúp DN tái cơ cấu hoạt động sản xuất, nguồn nhân lực và năng suất lao động, các chuẩn mực quản trị điều hành. Từ đó, DN tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, đặc biết các thị trường yêu cầu có chứng chỉ xanh, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Chia sẻ thêm về vấn đề tài chính, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) cho biết hiện nay khả năng hấp dẫn được các nguồn tài chính xanh đến từ các quỹ đầu tư tư nhân nước ngoài đang ở mức độ hạn chế, do các DN Việt Nam vẫn chưa theo những thông lệ quản trị xanh. Do đó, các DN cần cần chủ động thực hành quản trị xanh, hướng tới việc tạo ra các sản phẩm có tác động đến xã hội cũng như môi trường. “Hiện nay, các quỹ đầu tư quốc tế sẵn sàng đầu tư khoảng 15,7 tỷ USD trong 10 năm tới cho các dự án chuyển đổi xanh. Vấn đề là Việt Nam có hấp dẫn được nguồn vốn đó hay không, điều này còn tùy thuộc vào từng DN”, bà Thanh nhấn mạnh.
Điều đó tùy thuộc hành động của bạn…
Theo các chuyên gia, để tăng trưởng xanh, phải bắt đầu từ từng cá nhân, DN. Góp phần vào hành trình NET ZERO, mỗi người có thể bắt đầu từ những việc hằng ngày vô cùng đơn giản như tắt hết điện nước khi không sử dụng, di chuyển bằng các phương tiện công cộng để giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường… Còn với DN, việc tìm lời giải cho từng DN là điều cần thiết, bởi chỉ khi mỗi tế bào của nền kinh tế chuyển đổi xanh, cả nền kinh tế mới có thể chuyển đổi. Thế nhưng hiện nay, dù tài chính xanh là kênh dẫn vốn quan trọng cho DN hướng tới phát triển bền vững, nhưng đa số DN chưa nắm được các thông tin liên quan đến chuyển đổi xanh và không biết nên “bắt đầu từ đâu”.
Trước những khó khăn này của DN, nhiều chuyên gia cũng đã có những tham vấn đang chú ý để hỗ trợ DN từ những bước khởi đầu. Nhóm tác giả DTSVN – đến từ công ty chuyên về giải pháp chuyển đổi số cho các ngân hàng và tổ chức tài chính thì cho rằng không chỉ đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững, chuyển đổi xanh còn là con đường để các DN nâng cao năng lực cạnh tranh.
Muốn vậy, trước tiên, DN phải điều chuyển và tối ưu hiệu suất sử dụng năng lượng. Một trong những cách chính để chuyển đổi xanh chính là sử dụng nguồn năng lượng mới – năng lượng tái tạo – thay thế cho các năng lượng truyền thống – năng lượng hóa thạch. Thứ 2 là quản lý sử dụng tài nguyên và rác thải. Việc sử dụng các tài nguyên một cách thiếu kiểm soát hoặc không có biện pháp xử lý rác thải hợp lý cũng là bài toán khiến DN cần ưu tiên giải quyết.
Thứ 3 là tích hợp hệ thống quản lý năng lượng và lưới điện thông minh. Quản lý dữ liệu tiêu hao năng lượng, tài nguyên có thể tạo ra tác động lớn trên quy mô toàn bộ nền kinh tế, xã hội. Thứ 4 là khuyến khích hợp tác và chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị để hỗ trợ nâng cao tối đa tiềm năng của các giải pháp kỹ thuật số. Thứ 5 là tạo mô hình dữ liệu năng lượng tiêu chuẩn. Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh, các chỉ số hiệu suất năng lượng khi được mô hình hóa có thể giúp đo lường và cải thiện đáng kể.
Từ góc độ tài chính, tín dụng xanh đóng vai trò là kênh dẫn vốn và điều tiết nguồn lực cho phát triển nền kinh tế xanh, hướng tới sự phát triển bền vững thông qua việc cung cấp các lựa chọn hoặc khuyến khích khách hàng có ý thức bảo vệ môi trường. Các ngân hàng đang có những bước tiến lớn trong việc cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm ngân hàng xanh nhằm thúc đẩy họ đưa ra những lựa chọn xanh. Tài chính xanh có thể tập trung vốn đầu tư vào các dự án xanh như năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, nông nghiệp bền vững, công nghệ sạch và cơ sở hạ tầng xanh. Nó hỗ trợ mở rộng quy mô các chương trình giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ hệ sinh thái bằng cách cung cấp các nguồn tài chính.
Tuy nhiên, để thực hiện triệt để và phát huy hiệu quả của tài chính xanh, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cần sớm ban hành bộ tiêu chí cho tín dụng xanh. Ông Ánh phân tích: để tiếp cận nguồn vốn xanh, DN cần phải “xanh từ trong quản trị”. Điều này nghĩa là DN, đặc biệt là người lãnh đạo DN, Hội đồng quản trị DN – những người đưa ra định hướng chiến lược, phải xác định cơ hội và thách thức về tài chính xanh, xây dựng chiến lược trong việc xanh hóa hoạt động kinh doanh, đổi mới công nghệ theo hướng xanh và tăng cường trách nhiệm với môi trường và xã hội…
“Khi đáp ứng được các điều kiện về DN xanh, DN sẽ được vay vốn với lãi suất rẻ hơn thị trường từ 0,5-2%/năm; đồng thời, ngân hàng sẽ phối hợp với các định chế tài chính để cho vay lại với lãi suất ưu đãi tuỳ theo từng ngành nghề và đối tác của ngân hàng. Ngân hàng chỉ giữ lại một phần nhỏ chênh lệch đủ bù đắp cho rủi ro, không cho vay vì mục tiêu lợi nhuận”, ông Ánh chia sẻ.
Thông tư số 10/2023/TT-BKHĐT quy định Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/12/2023. Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh sẽ bao gồm 4 mục tiêu chính: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; Xanh hóa các ngành kinh tế, bao gồm các lĩnh vực: năng lượng; giao thông vận tải; nông nghiệp; thương mại – dịch vụ; công nghệ; vốn đầu tư, trái phiếu, tín dụng: tài nguyên rừng; tài nguyên khoáng sản; tài nguyên nước; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu. Bộ Chỉ tiêu này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin thống kê, sản xuất thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê về tăng trưởng xanh.