Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, giải pháp để giảm tiêu thụ thuốc lá

Thứ Sáu, 29/03/2024, 07:03

Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm hạn chế tác hại của thuốc lá, trong đó nghiên cứu cho thấy thuế tiêu thụ đặc biệt có thể làm tăng chi phí sử dụng thuốc lá, qua đó góp phần giảm tiêu dùng thuốc lá của người dân, đồng thời tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Ngày 28/3, tại hội thảo công bố báo cáo xây dựng chiến lược điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng thuốc lá, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thông tin:

thuoc la (1).jpg -0
Thuốc lá lậu bị thu giữ, tiêu hủy.

Việt Nam phải đối mặt với tình trạng gia tăng sử dụng thuốc lá. Theo một khảo sát của Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới về tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, có khoảng 15,3 triệu người trưởng thành hút thuốc lá trực tiếp và 33 triệu người hút thuốc lá thụ động, trong đó có tới 2/3 số đối tượng hút thụ động là phụ nữ và trẻ em. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hút thuốc lá trực tiếp và thụ động gây ra hệ lụy không hề nhỏ đối với sức khỏe của người dân và làm gia tăng chi phí cho xã hội. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có 40 ngàn người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, tương đương 100 người chết mỗi ngày. Nếu không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả, con số này có thể đạt mức 70 ngàn người vào năm 2030 theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm hạn chế tác hại của thuốc lá, trong đó nghiên cứu cho thấy thuế TTĐB có thể làm tăng chi phí sử dụng thuốc lá, qua đó góp phần giảm tiêu dùng thuốc lá của người dân, đồng thời tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Dù vậy, sau những lần điều chỉnh thuế TTĐB đối với thuốc lá, tác động giảm tỷ lệ người hút thuốc chưa cao như kỳ vọng. Nguyên nhân một phần là do thu nhập của người dân được cải thiện, chi tiêu cho thuốc lá còn tương đối nhỏ so với thu nhập của người dân và mức  tăng thuế chưa đủ lớn.

Trước thực trạng đó, CIEM phối hợp với Tổ chức Vital Strategies nghiên cứu, tập trung xác định phương án điều chỉnh thuế TTĐB đối với thuốc lá, đi kèm với phương án sử dụng nguồn thu bổ sung từ điều chỉnh thuế cho các mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Việc nghiên cứu giả định theo 3 kịch bản.

Kịch bản 1: Thuế TTĐB áp dụng theo tỷ lệ % so với giá xuất xưởng, mức thuế suất tăng lên 85% so năm 2020 áp dụng đến 2023. Phần thu từ thuế TTĐB được sử dụng để hỗ trợ chi trợ cấp đồ dùng học tập cho trẻ em nghèo.

Kịch bản 2: Thuế TTĐB áp dụng theo tỷ lệ % so với giá bán lẻ trước thuế VAT và thuế TTĐB, mức thuế suất tăng lên 85% so năm 2020 áp dụng đến 2023, phần thu từ thuế TTĐB được sử dụng để hỗ trợ chi chăm sóc sức khỏe cho các hộ nghèo.

Kịch bản 3: Thuế TTĐB chuyển sang áp dụng theo cơ chế thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp, với mức thuế TTĐB tăng dần theo lộ trình để đạt tỷ trọng thuế TTĐB trong giá bán lẻ ở mức 70% vào năm 2023 (năm 2020 là 40%, năm 2021: 50%, năm 2022: 60%, 2023: 70%). Phần thu từ thuế TTĐB được sử dụng để hỗ trợ chi đào tạo kỹ năng chuyển đổi nghề cho các hộ nghèo. 

“Kết quả mô phỏng vi mô với các kịch bản giả định cho thấy, mức tăng thu lớn nhất là ở kịch bản 3, với mức tăng thu thuế đạt 33,3% so với  số liệu thực tế t năm 2020, và tăng mạnh trong các năm 2021-2023, tương ứng là 66,7%, 100% và 133,3%. Phần tăng thu ngân sách Nhà nước từ thuế TTĐB đối với thuốc lá đều đáp ứng đủ tài chính cho các sáng kiến thực thi SDG tương ứng”, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM nói.

Thực tế cho thấy, việc điều chỉnh thuế TTĐB đã có mức tăng thu ngân sách Nhà nước khá cao. Như trong năm 2020, TP Hồ Chí Minh có mức tăng thu ngân sách Nhà nước lớn nhất từ điều chỉnh thuế TTĐB theo kịch bản 3 (so với số liệu thực tế) đạt khoảng 6,9 tỷ đồng/tháng, Hà Nội đạt 4,9 tỷ đồng/tháng, Bình Dương đạt 4,4 tỷ đồng/tháng...

Bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng, việc điều chỉnh thuế TTĐB bên cạnh việc gia tăng chi phí kinh tế cho người hút thuốc, các tác động trực tiếp khác ở các kịch bản gồm: cải thiện điều kiện học hành cho trẻ em nghèo, cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người nghèo và tạo cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp cho người nghèo. Trong đó, việc tạo cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp có thể mang lại cơ hội việc làm, cơ hội tìm sinh kế cho các hộ nghèo, và có thể đóng góp một phần vào giảm rủi ro buôn lậu thuốc lá. Về lâu dài, các kịch bản này cũng có thể phát huy các tác động tích cực về giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm bất bình đẳng thu nhập trong nền kinh tế.

Thúy Hà
.
.
.