Tăng thuế thuốc lá: Cần tính toán phương án phù hợp thực tế

Thứ Hai, 15/07/2024, 08:53

Bộ Tài chính đang đề xuất 2 phương án tăng Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ người sử dụng thuốc lá. Tuy nhiên, dựa trên những kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam cần đảm bảo đạt hiệu quả toàn diện và tránh những hệ lụy có thể lường trước.

Kinh nghiệm quốc tế về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt

Năm 2015, Malaysia áp dụng cách tăng thuế đột ngột với mức Thuế TTĐB tăng thêm hơn 40%. Theo Oxford Economics, sau khi Malaysia thực hiện việc tăng thuế, năm 2016, thị phần thuốc lá lậu tại nước này tăng gần 40% so với năm 2015 và đến năm 2020 thuốc lá lậu đã chiếm 64% thị trường; còn thị phần thuốc lá hợp pháp năm 2016 giảm 26%; đến năm 2020 giảm 42% so với năm 2015. Trong khi đó tổng sản lượng thuốc lá tiêu thụ tại Malaysia (tính cả thuốc lá hợp pháp và bất hợp pháp) tiếp tục tăng đều khoảng 5%/năm (và chỉ giảm nhẹ vào năm 2020 do tình hình dịch COVID-19). Thất thu Thuế TTĐB năm 2018 của Malaysia lên tới 4,8 tỷ RM.

Tăng thuế thuốc lá: Cần tính toán phương án phù hợp thực tế -0
Theo Oxford Economics, sau khi Malaysia thực hiện việc tăng thuế trong năm 2015, thị phần thuốc lá lậu tăng và đã chiếm phần lớn thị trường Malaysia.

Còn tại Thái Lan, Thống đốc Cơ quan Thuốc lá Thái Lan Poomjit Pongpanngam cho biết, thuế suất thuốc lá không hợp lý đã làm giảm nguồn thu thuế thuốc lá của Chính phủ khoảng 23 tỷ baht và doanh số bán hàng đã giảm đáng kể.

Theo ông Poomjit Pongpanngam, doanh thu từ thuốc lá hợp pháp sụt giảm đã làm giảm 50% lượng thuốc lá thu mua từ nông dân trong ba năm qua, làm giảm thu nhập của 500.000 nông dân.

Còn theo trang National Library of Medicine của Chính phủ Hoa Kỳ, Đức đã từng tăng thuế mạnh trong giai đoạn 2002-2005 khiến lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp giảm 34% do người tiêu dùng chuyển sang mua các loại thuốc lá từ quốc gia khác. Sau đó Đức đã phải giảm nhẹ thuế suất trong giai đoạn 2006 - 2010. 

Cần phương thức tăng Thuế TTĐB phù hợp thực tế

Hiện Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án tính Thuế TTĐB với thuốc lá. Phương án 1, tăng 2.000 đồng/bao ở năm đầu tiên và đạt mức tăng 10.000 đồng/bao vào năm 2030. Phương án 2, tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 5 năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030. Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án 2 là sẽ tăng “sốc” ngay từ năm đầu tiên.

Dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính hoàn thiện để trình Chính phủ. Theo đó, Bộ đề xuất áp dụng thuế hỗn hợp, gồm thuế tương đối, hay còn gọi là thuế theo tỉ lệ phần trăm, giữ nguyên ở mức 75%; và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm từ 2026 đến 2030.

Theo Bộ Tài chính, phương án tăng thuế như đề xuất sẽ làm tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá tăng từ 36% (năm 2024) lên 59,4% (2030) khiến các mặt hàng này đắt hơn, dẫn đến tác dụng ngay lập tức đến giảm sử dụng thuốc lá.

Tuy nhiên, phân tích ở góc độ toàn diện hơn, điều này sẽ đẩy giá bán thuốc lá hợp pháp tăng sốc, người tiêu dùng sẽ thay thế bằng cách tìm đến thuốc lá lậu vốn không chịu ảnh hưởng bởi thuế. Trên thực tế, lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp sẽ giảm như phân tích của Bộ Tài chính nhưng tổng lượng tiêu dùng thuốc lá vẫn như cũ hoặc thậm chí tăng lên do người tiêu dùng sẽ chuyển sang mua thuốc lá lậu.

Bên cạnh đó, khi bổ sung thuế tuyệt đối với mức tăng “sốc” từ năm đầu tiên, không chỉ phân khúc thuốc lá cao cấp mà thuốc lá thấp cấp cũng bị tăng giá đột ngột. Có nghĩa thuốc lá lậu sẽ tấn công thị trường trên mọi phân khúc thay vì chỉ khu trú ở dòng thuốc lá cao cấp như trước đây, khiến mặt trận chống buôn lậu thuốc lá càng trở nên phức tạp và nhiều thách thức.

Tăng thuế thuốc lá: Cần tính toán phương án phù hợp thực tế -0
Thuốc lá lậu bị lực lượng chức năng thu giữ.

Cũng theo Bộ Tài chính, khi áp dụng thuế hỗn hợp, dự kiến số thu Thuế TTĐB có thể tăng từ 17.600 tỉ đồng (năm 2022) lên 39.200 tỉ đồng (năm 2030). Tuy nhiên, nếu không ngăn được hàng lậu xâm chiếm thị trường thuốc lá, mức dự thu này sẽ rất khó đạt được, dẫn đến thất thoát nguồn thu thuế từ thuốc lá hợp pháp.

Trong tờ trình, Bộ Tài chính cũng chỉ ra các phương án đề xuất tăng Thuế TTĐB với sản phẩm thuốc lá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuốc lá. Mở rộng vấn đề này, ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho toàn bộ chuỗi giá trị và gây ra các tác động tiêu cực về an sinh xã hội. Sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm đột ngột do cú sốc thuế sẽ tạo ra nguy cơ thất nghiệp đột ngột đối với hàng chục nghìn người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất và các nhà phân phối, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng trăm nghìn nông dân vùng trồng lá thuốc lá cũng như hàng triệu điểm bán lẻ trên toàn quốc.  

Ngoài Thuế TTĐB, ngành thuốc lá phải chịu thêm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời phải thực hiện các nghĩa vụ đóng góp bắt buộc vào “Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá” và “Quỹ phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả”, đóng phí xử lý chất thải 60 đồng/20 điếu và phí tem điện tử thuốc lá.

Đồng thời, các doanh nghiệp nói chung và ngành thuốc lá nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Sau COVID-19, các biến động về địa chính trị trên thế giới đã ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Tình hình lạm phát và giá cả leo thang đã tác động mạnh mẽ tới hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người tiêu dùng đang phải thắt chặt chi tiêu, và có xu hướng dịch chuyển sang các sản phẩm có chi phí thấp hơn, hoặc chuyển sang dùng thuốc lá lậu vốn rất dễ tiếp cận.

Trong khi đó, dù có những nỗ lực rất lớn từ các Bộ, ngành và Chính phủ, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn rất phức tạp bởi lợi nhuận từ buôn lậu thuốc lá hiện rất cao.

Chính sách thuế có sự liên hệ rất chặt chẽ các biến động về kinh tế- xã hội do tác động mạnh mẽ và trực tiếp lên các chủ thể liên quan. Bên cạnh việc thất thu cho ngân sách Nhà nước, nếu người tiêu dùng chuyển sang thuốc lá lậu với chất lượng không được kiểm soát sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tăng gánh nặng chi phí y tế cho nhà nước về lâu dài, và khiến cho mục tiêu hướng người tiêu dùng đến các sản phẩm thuốc lá chất lượng cao, giảm thiểu tác hại thuốc lá sẽ khó lòng đạt được.

Vì vậy, theo các chuyên gia, Bộ Tài chính nên xem xét mức bổ sung thuế tuyệt đối phù hợp hơn, đồng thời có lộ trình tăng thuế tuyệt đối hợp lí nhằm tránh tăng sốc sẽ gây nhiều hệ lụy. 

Bên cạnh mục tiêu hạn chế sử dụng thuốc lá, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế để tăng Thuế TTĐB cũng cần được thực hiện đồng bộ và nâng cao các biện pháp quản lý Nhà nước, đặc biệt đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thuốc lá lậu, tránh thất thu ngân sách.

Ngọc Phương
.
.
.