Tăng nguy cơ thiếu hụt lao động đầu năm 2022

Thứ Ba, 23/11/2021, 09:09

Bước vào quý IV/2021, tình hình lao động việc làm đang có những chuyển biến tích cực khi các doanh nghiệp đang dần hoạt động ổn định trở lại. Một số ngành nghề, lĩnh vực nhu cầu tuyển dụng lao động đã tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm của các doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện các doanh nghiệp mới chỉ hoạt động ở mức 70-75% so với bình thường nên nguy cơ thiếu hụt lao động chưa đáng lo. Tuy nhiên, dự báo cuối quý I, sang đầu quý II/2022, nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ cần phải được giải quyết.

Thị trường lao động đang “ấm dần”

Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá, với các dấu hiệu khả quan về tốc độ tiêm chủng, tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện nay, thời điểm cuối năm nay, thị trường lao động Hà Nội dự báo sẽ có tốc độ hồi phục nhanh. Theo tính toán của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng lĩnh vực sản xuất trong quý IV ước tính khoảng 24.000 vị trí (trong đó ngành da giày là 5.000 vị trí, dệt may là 7.000 vị trí, lắp ráp linh kiện điện tử là 7.000 vị trí, cơ khí - tự động hóa 4.000 vị trí).

Hằng năm, với đặc điểm thâm dụng lao động, ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện thường là những ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn lao động. Do đó, trong thời kỳ bình thường mới, kết hợp tình hình thiếu hụt lao động ở giai đoạn trước, các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này sẽ có nhu cầu tuyển dụng lớn.

Ông Nguyễn Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay, thời điểm cuối năm có những ngày lễ lớn như dịp lễ Noel, Tết Nguyên đán nên một số ngành dịch vụ nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng mạnh. Ước tính ngành vận tải sẽ tuyển dụng khoảng 3.000 vị trí để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa.

“Hà Nội thực hiện nới lỏng nhiều dịch vụ ăn uống nên nhiều nhà hàng, khách sạn được hoạt động trở lại, nhu cầu tuyển dụng trong ngành có xu hướng tăng lên. Ước tính quý IV, ngành này có nhu cầu tuyển dụng 8.000 vị trí việc làm, nhất là các nhóm nghề phục vụ cho hoạt động lưu trú, ăn uống. Ngoài ra, ngành kinh doanh thương mại điện tử có xu hướng tuyển dụng tăng cao”, ông Thành cho biết.

Trong khi đó, theo đánh giá của Navigos Search khu vực miền Bắc (đơn vị sở hữu trang tuyển dụng lớn), thời gian tới nhu cầu tuyển dụng ngành công nghệ thông tin, điện tử sẽ gia tăng mạnh mẽ. Một số ngành thâm dụng lao động cũng sẽ cần tuyển thêm một lượng lớn lao động.

“Ngành dệt may hiện vẫn đang duy trì sản xuất tốt. Không những thế nhiều doanh nghiệp hiện còn có thêm các đơn hàng mới. Có những doanh nghiệp đã nhận đơn hàng tới tháng 4-2022 và vẫn đang cần tuyển thêm lao động”, bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc Navigos Search khu vực miền Bắc cho biết.

thieu hut lao dong.jpg -0
Ngành dệt may được dự báo tuyển dụng sẽ tăng mạnh thời gian tới.

7 giải pháp cho thị trường lao động

Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, sự thiếu hụt lao động có thể tăng vào thời gian cuối quý I và quý II/2022 khi các doanh nghiệp được hoạt động trở lại với công suất cao. Dự kiến, trong năm 2022, số lao động có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 người.

Khảo sát mới đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm cho thấy, có sự thiếu hụt lao động cục bộ song không nhiều vì các doanh nghiệp chưa trở lại hoạt động 100%. Hiện nhiều doanh nghiệp mới chỉ hoạt động với 50-60% lượng lao động so với trạng thái bình thường. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đã có chính sách giữ chân người lao động, nên dù ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 nhưng mức độ thiếu hụt lao động không đáng kể.

“Vào khoảng tháng 1/2022 là thời điểm mà nhu cầu hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán rất cao, cần sử dụng nhiều lao động để phục hồi sản xuất, đặc biệt ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Khi các doanh nghiệp hoạt động với công suất cao nhất trở lại thì nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ thể hiện rõ. Sự thiếu hụt lao động có thể tăng vào thời gian cuối quý I và quý II/2022 khi nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao”, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhận định.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ được ngăn chặn giải quyết nếu như có các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe cho người lao động trong điều kiện trạng thái bình thường mới.

Chính vì thế hiện, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang dự thảo chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động, với 7 nhóm giải pháp lớn gồm: Hỗ trợ trực tiếp người lao động: giúp chi trả chi phí đi lại, nhu yếu phẩm, tiền điện, tiền nước, chi phí xét nghiệm; hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động; đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng người lao động, cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh; hỗ trợ kết nối cung cầu lao động; hoàn thiện bền vững thị trường lao động, hiện đại hóa thị trường lao động, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động việc làm, có kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia của Bộ Công an; bảo đảm điều kiện về nơi sinh sống cho người lao động; xây dựng quan hệ giữa người lao động hài hòa, tiến bộ.

Nguồn kinh phí để thực hiện chương trình này khá lớn nên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu để bố trí kinh phí đủ để thực hiện 7 giải pháp này. Ngoài ngân sách Trung ương, sẽ huy động ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa.

Phan Hoạt
.
.
.