Tăng cường kiểm soát hàng gian, hàng giả thị trường cuối năm

Thứ Ba, 21/11/2023, 08:27

Trong 10 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra 3.981 vụ, phát hiện đến 3.576 vụ vi phạm (tăng 53,11% số vụ kiểm tra, tăng 87,91% số vụ vi phạm so với cùng kỳ năm trước).

Trị giá hàng hóa buộc phải tiêu hủy hơn 54,3 tỷ đồng và hàng tịch thu chờ bán khoảng 111 tỷ đồng. Dự báo, từ nay đến cuối năm, hàng giả, hàng cấm, hàng lậu... sẽ tiếp tục tăng mạnh, do các đối tượng tăng cường sản xuất hàng giả hoặc nhập hàng lậu về dự trữ để chờ bung ra thị trường Tết.

Tăng cường kiểm soát hàng gian, hàng giả thị trường cuối năm -0
Lực lượng QLTT phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, thu giữ hàng hóa vi phạm.

Với mặt hàng tân dược, trong tháng 11/2023, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh đồng loạt kiểm tra 5 điểm chứa trữ, kinh doanh tân dược tại quận 10, quận 3 và TP Thủ Đức, tạm giữ 22.777 đơn vị sản phẩm vi phạm. Đáng chú ý, trong đó có nhiều loại thuốc điều trị các bệnh nguy hiểm như: Coversyl 10mg điều trị các bệnh lý về tim mạch, Keppra 500mg điều trị các cơn động kinh, Topamax 50mg điều trị động kinh, ngừa đau nửa đầu, Betaserc 24mg trị ù tai, rối loạn tiền đình, Crestor giúp giảm nguy cơ đột quy, nhồi máu cơ tim, Januvia 100mg có tác dụng hỗ trợ cho chế độ ăn kiêng và tập luyện để kiểm soát đường huyết tốt hơn cho bệnh nhân tiểu đường tuyp 2…

Mặc dù là thuốc điều trị bệnh, nhưng các loại thuốc này không có tài liệu về chất lượng của sản phẩm đi kèm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, sản phẩm sản xuất ở nước ngoài nhưng chỉ có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm hơn 4,5 tỷ đồng.

Kiểm tra điểm kinh doanh, chứa trữ mặt hàng hóa phẩm, mỹ phẩm, trên đường Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, Đội QLTT số 2 phát hiện tại đây có 2.742 đơn vị sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Sensodyne, Clear, Dove, Sunsilk, Tresemme'… Tại điểm kinh doanh trên đường số 2, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, tổ kiểm tra cũng phát hiện 2.793 đơn vị sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Gucci, YSL... Toàn bộ hàng hóa tại 2 điểm kinh doanh trên đều không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Với mặt hàng thời trang, Đội QLTT số 2 bất ngờ kiểm tra 2 điểm kinh doanh không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trên địa bàn quận Gò Vấp, phát hiện 7.708 sản phẩm quần, áo thời trang ngoại nhập với nhiều nhãn hiệu nổi tiếng như Polo Ralph Lauren, Pull & Bear, Zara, Tommy Hilfiger, Lacoste… Tuy nhiên, số hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam, với tổng trị giá hơn 253 triệu đồng.

Riêng trong tháng 10/2023, QLTT kiểm tra, phát hiện 166 vụ vi phạm hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tiếp đến là hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu với 154 vụ, và hàng nhập lậu 106 vụ. Đặc biệt, hàng giả, hàng lậu được các đối tượng cất giữ tại kho, một phần đưa vào các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại... chủ yếu để trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hoạt động chính vẫn là bán trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử (TMĐT), livetream bán hàng trên Tiktok Shop.

Tăng cường kiểm soát hàng gian, hàng giả thị trường cuối năm -0
Trong 10 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra 3.981 vụ, phát hiện đến 3.576 vụ vi phạm.

Bà Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, việc mua hàng qua mạng hiện nay là hình thức phổ biến được nhiều người tiêu dùng (NTD) ưa thích. Tuy nhiên, có rất nhiều NTD bị các cửa hàng lừa đảo, chất lượng sản phẩm được giao không đúng như giới thiệu, giao sản phẩm là hàng giả, hàng không đạt chất lượng... nhưng khi NTD khiếu nại người bán không trả lời, sàn giao dịch TMĐT cũng không được giải quyết. NTD không được bảo vệ khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh khẳng định, để ngăn chặn các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng lậu... lực lượng QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, để xác định đó là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì phải căn cứ vào các quy định về nhãn hiệu sản phẩm, chỉ tiêu, kiểm nghiệm... chứ không thể dựa vào cảm quan. Vì vậy, để công tác này hiệu quả, cần có sự phối hợp của các bộ, ngành. Về phía NTD, nên mua những sản phẩm có uy tín, có bao bì nhãn mác rõ ràng, không nên mua những sản phẩm giá quá rẻ so với thị trường.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, khi NTD bị ảnh hưởng đến quyền lợi thì có thể liên hệ UBND quận, huyện, thành phố nơi DN bán sản phẩm và đăng ký kinh doanh, liên hệ Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh hoặc Cục QLTT. Trường hợp hàng hóa thuộc các lĩnh vực hành nghề như y tế, văn hóa, thực phẩm thì cần liên hệ trực tiếp sở, ban ngành quản lý lĩnh vực đó.

Theo Cục QLTT TP Hồ Chí Minh, mọi năm vào thời điểm này, nguồn hàng di chuyển vào thị trường nội địa từ hướng biên giới Tây Nam được tập kết tại các kho hàng, điểm trung chuyển, chứa trữ và sau đó được đưa ra bán tại các tuyến phố du lịch, địa bàn trọng điểm, trung tâm thương mại, hoạt động sôi nổi từ nay cho đến cuối năm. Vì vậy, các Đội QLTT đang tập trung kiểm tra, kiểm soát, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các đối tượng. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động TMĐT.

Thúy Hà
.
.
.