Tăng cường kiểm soát hàng giả, hàng lậu cuối năm

Thứ Hai, 06/12/2021, 07:22

Lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, kênh bán hàng online đang thay thế dần kênh bán hàng trực tiếp, cộng với dịp Tết đang đến gần, nhiều đối tượng đã bất chấp các thủ đoạn để đưa hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng… ra thị trường để bán.

Ngày 4/12, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh kiểm tra kho xưởng sản xuất mỹ phẩm của chi nhánh Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ hóa mỹ phẩm T.L.T trên đường Tân Thới Hiệp 20, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, phát hiện công nhân đang sản xuất nhiều loại sản phẩm hóa mỹ phẩm như nước rửa tay, dầu gội đầu, sữa tắm… và hơn 5.500 sản phẩm các loại, cùng một số hóa chất công nghiệp, không cung cấp được giấy chứng nhận đủ điều kiện để sản xuất mỹ phẩm theo quy định.

Theo cơ quan chức năng, kho xưởng sản xuất này hoạt động 3 năm nay, tuy nhiên do dịch COVID -19 nên đã tạm ngưng và mới hoạt động trở lại trong thời gian gần đây. Hàng hóa sản xuất tại đây bỏ sỉ ở các chợ, hộ kinh doanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ước tính số hàng trên có trị giá gần 400 triệu đồng. Cơ quan QLTT đã lập biên bản, tạm giữ số hàng trên để làm rõ.

Trước đó, tháng 11/2021, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra xe tải trước chung cư Sunrise Cityview ở đường Nguyễn Hữu Thọ (phường Tân Hưng, quận 7) phát hiện 4.392 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm, máy chăm sóc da không có hóa đơn chứng từ; Kiểm tra hộ kinh doanh Thanh Nhung ở đường Lê Đức Thọ, phường 13, quận Gò Vấp phát hiện đang kinh doanh 203 sản phẩm ga trải giường, mền, gối có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài như Chalnel, Burberry, Louis Vuitton; Kiểm tra Nhà thuốc y học cổ truyền dân tộc tư nhân Tấn Phát ở đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 10, quận 5, phát hiện đang kinh doanh 480kg dược liệu các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Lực lượng kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng trên để làm rõ...

Tăng cường kiểm soát hàng giả, hàng lậu cuối năm -0
Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh tăng cường kiểm tra hàng hóa dịp cuối năm.

Không chỉ kiểm tra, phát hiện hàng hóa vi phạm tại các kho chứa hàng, cơ sở sản xuất, địa điểm kinh doanh, mà kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát thì kênh bán hàng online cũng đã bùng phát mạnh mẽ, thay thế dần kênh bán hàng trực tiếp. Lợi dụng kênh bán hàng này, các đối tượng đã đưa ra nhiều lý do như: Ảnh hưởng dịch nên cần thanh lý hàng để trả mặt bằng, đẩy hàng tồn cuối năm... để đưa hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... lên các trang mạng xã hội bán với giá rẻ bất ngờ, khiến giá cả trên thị trường online bị nhiễu loạn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các DN sản xuất, kinh doanh đúng luật, cũng như người tiêu dùng (NTD).

Rầm rộ nhất trong thời gian gần đây là các sản phẩm đồng hồ, mắt kính, mỹ phẩm, nước hoa... những sản phẩm làm đẹp, tiêu thụ mạnh trong dịp Tết đã được rao bán nhan nhản trên mạng xã hội, trong khi chất lượng sản phẩm chưa được kiểm soát. Điển hình, tại trang “nước hoa siêu rẻ”, chủ kinh doanh đã quay cận cảnh hàng chục thùng carton chứa nước hoa bị ngấm nước ướt sũng, than vãn: “Đây là hàng xách tay vận chuyển bằng đường biển, nhưng do bảo quản không kỹ nên một số thùng bị ướt, phải bán đổ bán tháo để vớt vát lại vốn được chút nào hay chút đó”.

Vừa nói, người bán vừa bóc chai nước hoa Blue De Chanel (100ml), xuất xứ Pháp và dùng điện thoại check mã vạch trên sản phẩm, ngay sau đó trên nhãn sản phẩm liền hiện lên giá 338,19 USD. Mặc dù giá gốc in trên nhãn sản phẩm cao ngất ngưởng như vậy, nhưng tại “shop” này giá chỉ có 199.000 đồng /chai (?).

Ngoài ra, cũng để khách hàng tin tưởng, chủ kinh doanh cũng “treo” thông tin là đã có 22.839 người đặt hàng thành công. Tương tự, rất nhiều trang bán hàng giới thiệu hàng loạt nhãn hiệu nước hoa nổi tiếng như: Blue De Chanel, Chanel Coco, Chanel Allure, Good Girl, Versace, Lancome... có giá không dưới 3 triệu đồng /chai, nhưng giá bán tại các trang bán hàng này thấp hơn giá gốc hàng chục lần, như tại trang “Nước hoa xách tay” giá chỉ 199.000 đồng/chai; Tại trang “L.D shop 11” bán giá 145.000 đồng/2 chai; “L.D Store 10” bán 250.000 đồng/2 chai miễn phí giao hàng, mua 4 chai tặng thêm 1 chai...

Tất cả các sản phẩm nước hoa bán tại các trang bán hàng trên đều giới thiệu là nước hoa chuẩn Pháp, có tem chống giả, có mã code QR để khách hàng check thông tin liên quan sản phẩm. Tuy nhiên, với giá bán thấp hơn mấy chục lần so với giá gốc, một chủ cửa hàng kinh doanh nước hoa Pháp ở quận 3, TP Hồ Chí Minh cho biết, chắc chắn hàng thật không bao giờ có giá quá thấp như vậy và hiện nay tình trạng làm giả tem chống giả, làm giả mã code QR cũng xảy ra khá phổ biến.

Trước tình hình trên, nhằm ổn định thị trường, bảo vệ NTD và DN sản xuất, kinh doanh, Cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2021 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo đó, lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đảm bảo ổn định thị trường. Ngoài kiểm tra những nơi chứa hàng, những điểm kinh doanh trực tiếp tại các cửa hàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… thì hoạt động kinh doanh online trên thương mại điện tử cũng sẽ tập trung kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

Thúy Hà
.
.
.