Tăng cường giám sát để đảm bảo chất lượng nông sản xuất khẩu

Thứ Tư, 30/08/2023, 05:51

Hàng hoá nông sản trong nước muốn xuất khẩu sang các nước lớn đều cần đến mã số vùng trồng “uy tín”. Điều này không chỉ các nhà quản lý quan tâm, mà người dân muốn nâng cao giá trị sản phẩm cũng cần bỏ công ra duy trì, đảm bảo được sản phẩm của mình, thông qua mã số. Thế nhưng, điều tưởng chừng như ai cũng biết là cần lại đang có nguy cơ đi ngược giá trị khi khâu “giám sát” bị buông lỏng…

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, tính đến tháng 7/2023, cả nước có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói (CSĐG) nông sản được cấp. Trong đó, xoài là 1.832, thanh long là 807, nhãn là 742, lúa là 816, sầu riêng 422 là các sản phẩm có nhiều mã số vùng trồng nhất. ĐBSCL là vùng có được cấp nhiều mã số CSĐG nhất với 626 mã số (chiếm 39,4%). Những thị trường có số lượng mã số vùng trồng nhiều nhất, lần lượt Trung Quốc 2.960, Mỹ 955, NewZealand 525 và Úc 478.

Tăng cường giám sát để đảm bảo chất lượng nông sản xuất khẩu -0
Sầu riêng là sản phẩm có nhiều mã số vùng trồng nhất.

Ông Đạt cho hay, hiện xuất khẩu nông sản tăng trưởng tốt nhưng các yêu cầu về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng cao và các nước có chương trình giám sát khác nhau. Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản giám sát hàng năm; Úc và New Zealand là 2 năm/lần; EU là 3 năm/lần. Đối với thị trường Trung Quốc có những đặc thù riêng, mỗi năm nước này sẽ cử chuyên gia phối hợp với Cục BVTV thực hiện việc giám sát các vùng trồng, CSĐG đã được cấp mã số. Qua các lần giám sát, các chuyên gia nước nhập khẩu đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua, tuy nhiên cũng chỉ ra một số tồn tại cần phải khắc phục.

Một trong những tồn tại hiện nay nằm ở việc soát xét hồ sơ chưa đảm bảo; có hiện tượng sao chép hồ sơ giữa các vùng trồng, CSĐG; công tác kiểm tra đánh giá còn lơ là, chủ quan, chất lượng đánh giá vùng trồng, CSĐG còn thấp. Đối với các cơ sở vùng trồng chưa quản lý tốt sinh vật gây hại, gây áp lực cho CSĐG; hồ sơ, sổ sách ghi chép không đầy đủ, không cập nhật; thông tin ghi chép hồ sơ và khi phỏng vấn kiểm tra của GACC không nhất quán; vệ sinh vườn trồng chưa tốt, nhiều tàn dư thực vật; không xử lý quả rụng tại vườn trồng...

Đặc biệt, gần đây Cục Bảo vệ thực vật liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc Việt Nam không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Trong đó, nổi bật là các sản phẩm như chuối, xoài, sầu riêng, mít, thanh long, nhãn khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Sản phẩm có dư lượng hóa chất vượt quá quy định như sầu riêng, chôm chôm, ớt xuất khẩu sang Đức, Pháp, Tây Ban Nha hay ớt đông lạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng được cảnh báo.

Dẫn chứng cụ thể, ông Hoàng Khánh Duy - Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn cho hay, 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu mặt hàng nông sản hoa quả qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt khoảng 1,6 triệu tấn, trị giá khoảng 1.200 triệu USD; một số mặt hàng trái cây chủ lực như: Thanh long đạt 390.000 tấn, trị giá 110 triệu USD; sầu riêng đạt 215.000 tấn, trị giá 650 triệu USD…

Theo ông Duy, trong những năm qua, Trung Quốc ngày càng nâng cao yêu cầu đối với chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là đối với hoạt động kiểm soát sinh vật gây hại trên các mặt hàng này. Trong quá trình kiểm hoá, khi phát hiện một trường hợp có sinh vật gây hại trên mặt hàng, phía bạn xử lý rất nặng, yêu cầu toàn bộ lô hàng phải quay đầu về Việt Nam, đôi khi còn dừng nhập khẩu mặt hàng này trong một thời gian dài, như tiền lệ đã có mặt hàng quả ớt của Việt Nam. Theo một chuyên gia kinh tế, nếu tình trạng vi phạm mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các ngành hàng xuất khẩu, làm mất uy tín của hàng nông sản Việt Nam, thậm chí có thể đánh mất thị trường đã phải mất rất nhiều công sức, thời gian và nguồn lực để mở cửa.

Trên thực tế, để xuất khẩu nông sản thực sự bền vững, đảm bảo ổn định chất lượng nông sản thì việc thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm là điều kiện nền tảng, tiên quyết. Đây cũng là quy định bắt buộc của nhiều nước nhập khẩu và hoàn toàn phù hợp theo các thông lệ quốc tế. Theo Sở NN-PTNT Đắk Nông, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, tỉnh Đắk Nông đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động cấp mã vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu. Đây là kết quả của sự nỗ lực lớn từ chính các chủ thể sản xuất, nhất là sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy kinh tế nông nghiệp. Đến tháng 8/2023, tỉnh có 47 mã số, trong đó 37 mã vùng trồng, 10 mã cơ sở đóng gói. Với vai trò của mình, lực lượng chuyên môn của Sở NN-PTNT thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hành các quy định của chủ mã vùng trồng, đóng gói.

Nhìn từ kết quả đạt được của các tỉnh có giám sát tốt, lãnh đạo Cục BVTV cho rằng, tới đây để quản lý, giám sát chặt chẽ các cơ sở được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cần cải tiến quy trình, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản lý và kỹ thuật. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất từ vùng trồng đến xuất khẩu để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ quyền lợi các bên; chủ động duy trì và cải tiến điều kiện sản xuất sau khi được cấp mã số. Bám sát yêu cầu kỹ thuật của nước nhập khẩu, duy trì thường xuyên việc ghi chép hồ sơ giấy tờ và phòng trừ sinh vật gây hại để đảm bảo mức độ nhiễm thấp; CSĐG trước khi xuất kho phải đảm bảo không nhiễm sinh vật gây hại.

Uyên Linh
.
.
.