Sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu: Bức xúc của doanh nghiệp có được giải tỏa?

Thứ Tư, 15/02/2023, 06:43

Phát biểu tại Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu”, diễn ra ngày 14/2, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng thể chế phải nuôi dưỡng được doanh nghiệp (DN) và quan trọng là tạo động lực cho DN, xây dựng Nghị định kinh doanh xăng dầu phải trên quan điểm “mệnh lệnh hành chính không bao giờ bằng được động lực thị trường”.

Thương nhân đầu mối, doanh nghiệp bán lẻ xung đột quyền lợi

Dự thảo Nghị định mới về quản lý, điều hành giá xăng dầu đang được Bộ Công thương lấy ý kiến các bộ, ngành có nhiều điểm mới rất quan trọng và thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận. Đáng chú ý, trong dự thảo, Bộ Công thương đã đề xuất thêm phương án đột phá liên quan đến giá xăng dầu.

xang-dau-thanh-tung-1-773.jpg -0
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị được mua xăng từ 3 thương nhân đầu mối.

Cụ thể, Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá như giá thành phẩm trên thị trường thế giới, thuế, mức trích và chi quỹ bình ổn để định hướng cho việc tính giá xăng dầu; trên cơ sở đó, các DN căn cứ chi phí thực tế của mình, xác định và công bố giá bán lẻ. DN thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công thương, Bộ Tài chính để giám sát (như đối với các mặt hàng bình ổn giá khác theo quy định tại Luật Giá). Theo Bộ Công thương, khi DN đầu mối được tự quyết các chi phí trong kinh doanh xăng dầu, vấn đề chiết khấu cho DN thuộc hệ thống phân phối sẽ được giải quyết.

Một quy định khác gây nhiều chú ý đó là về thời gian điều chỉnh giá. Trong dự thảo, Bộ Công thương vẫn để phương án thời gian điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước giữa hai kỳ là 10 ngày như quy định hiện hành, đồng thời bổ sung thêm phương án 2 là rút ngắn thời gian điều hành, công bố giá xăng dầu xuống 7 ngày và quy định vào thứ năm hằng tuần, không kể ngày nghỉ, lễ. Trường hợp thứ năm rơi vào mùng 1 đến mùng 3 tháng 1 âm lịch thì được chuyển đến ngày mùng 4 âm lịch của Tết Nguyên đán.

Bộ Công thương cho rằng phương án này nhằm bảo đảm giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Việc điều hành sẽ được thực hiện cả vào ngày nghỉ lễ để tránh việc giá có biến động lớn trong những dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng hoặc DN. Còn về quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối xăng dầu, Bộ Công thương đề xuất chọn phương án thương nhân phân phối được mua hàng từ tối đa 3 đầu mối…

Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 của Bộ Công thương lần này rất rõ ràng, rất thẳng thắn và không ngại va chạm. Đây là tín hiệu thúc đẩy đối thoại. Tuy nhiên, trong tham luận của mình, các DN lại cho rằng một số nội dung quan trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu mà hàng ngàn DN thời gian qua liên tục phản ánh, kiến nghị đã không được sửa đổi. Trong đó có thể kể đến quy định về mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn thay vì chỉ một nguồn như hiện nay. Cụ thể, theo ông Hà Thanh Tùng (Công ty TMVTXD Hà Giang), đại diện cho nhóm DN bán lẻ xăng dầu cả nước cho rằng hiện nay các DN bán lẻ đang bị “chèn ép”, và yêu cầu “phải được công nhận”.

Theo ông Thanh, quy định hiện nay DN bán lẻ chỉ được lấy hàng từ một thương nhân đầu mối, nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu, nhà phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận. DN bán lẻ ở trong thế kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu. Ước tính số tiền thua lỗ của các DN bán lẻ xăng dầu trong giai đoạn cao điểm có thể lên tới 900 tỷ đồng mỗi tháng, nên nếu tiếp tục kéo dài thì buộc phải ngừng kinh doanh. Do đó, vị này đề nghị đơn vị soạn thảo công nhận sự tồn tại của DN bán lẻ xăng dầu, giúp DN bán lẻ có các quyền và nghĩa vụ bình đẳng như các thương nhân phân phối để đảm bảo sự công bằng.

Cùng chung phản ánh, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc cho biết quy định chỉ được lấy hàng 1 thương nhân đầu mối khiến DN bán lẻ ở thế vô cùng khó, vì thực tế thị trường xăng dầu thời gian qua cho thấy nhiều đơn vị bán lẻ không có chiết khấu khiến cửa hàng lỗ liên tiếp, dẫn đến không có tài chính nhập hàng, phải đóng cửa cây xăng. Vì vậy, các DN đề nghị cho DN bán lẻ cũng phải được mua xăng tối thiểu là từ 3 thương nhân đầu mối.

Ý kiến từ phía thương nhân phân phối xăng dầu, ông Nguyễn Hồng Nam, Trưởng ban chính sách kinh doanh của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lại cho rằng, thương nhân đầu mối phải trữ tồn kho 20 ngày, nên không đủ nguồn lực chia sẻ chiết khấu cho DN bán lẻ. Tương tự, ông Phạm Văn Thoại, Chủ tịch Saigon Petro cho biết, DN đầu mối có trách nhiệm nhập khẩu đủ xăng dầu nhưng việc nhập khẩu có thể gặp phải vấn đề về chênh lệch tỷ giá… nên nếu chiết khấu cho DN bán lẻ thì DN đầu mối cũng chịu lỗ!(?).

Nên để bộ nào quản lý?

Trong dự thảo, Bộ Công thương đề xuất giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu và tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Bộ Công thương lý giải chọn phương án này là nhằm tập trung việc quản lý điều hành giá về một đầu mối, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài chính. Trước đó, Bộ Tài chính đã đề nghị chuyển đầu mối điều hành xăng dầu về Bộ Công thương. Trước sự “nhường nhịn” của 2 bộ, một số chuyên gia cho rằng quan trọng nhất là đổi mới cơ chế quản lý xăng dầu chứ bộ nào quản lý không phải là yếu tố quyết định.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng Nghị định kinh doanh xăng dầu sẽ tác động lớn đến DN kinh doanh xăng dầu, tác động gián tiếp đến DN đang sử dụng nguồn cung xăng dầu và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Do đó, VCCI đã hợp tác với Bộ Công thương, Văn phòng Chính phủ trong góp ý xây dựng dự thảo lần này.

"Chúng tôi cho rằng, về quan điểm trong việc soạn thảo dự thảo Nghị định lần này, cần nhất quán quan điểm về cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh và công khai minh bạch. VCCI tin rằng khi mà đáp ứng yêu cầu này thì sẽ đáp ứng yêu cầu của DN, người dân" - ông Đậu Anh Tuấn nói. Đồng thời nhấn mạnh, mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể bền vững bằng mệnh lệnh thị trường. Nên ở góc độ nào đó, cần phải trao thị trường xăng dầu về cho thị trường để tạo thuận lợi cho DN kinh doanh bền vững. Đây cũng là một yêu cầu quan trọng trong sửa đổi Nghị định 95 và 83 lần này, tạo thuận lợi cho DN muốn bán hàng, muốn cạnh tranh, muốn đầu tư, muốn phục vụ.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng cần phải nhanh chóng để DN kinh doanh xăng dầu hoàn toàn theo cơ chế thị trường. “Giá xăng dầu thế giới biến động theo giờ, và hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Hiện nay, giá xăng dầu trong nước cũng đều đã phản ánh tất cả những biến động của thị trường thế giới. Vậy, hãy cho DN tự kinh doanh, đừng quy định thời gian điều chỉnh, đừng quy định khoảng cách mở cây xăng, đừng bắt trích quỹ bình ổn giá… Với những trường hợp vùng sâu vùng xa, khó khăn, nên trợ giá trực tiếp cho họ”, ông Cung góp ý.

Hà An
.
.
.