Sử dụng công nghệ cao để buôn lậu xăng dầu trên biển…
Trước diễn biến của dịch COVID-19, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển, đặc biệt là hoạt động mua bán, vận chuyển, sang mạn xăng dầu trên biển đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, hành vi phạm tội manh động, liều lĩnh. Trong đó, các tàu nghi vận chuyển hàng hóa trái phép có nguồn gốc nước ngoài luôn thường trực nguy cơ xâm phạm vùng biển Việt Nam để sang mạn trái phép hàng hóa.
Biến tàu cá thành tàu chứa xăng dầu để trục lợi
Theo đánh giá của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song từ cuối năm 2020 đến nay, tình hình buôn lậu xăng dầu trên một số vùng biển ở nước ta có chiều hướng tăng. Trong đó, các chủ phương tiện đánh bắt hải sản trên biển biến tàu cá thành tàu chứa xăng dầu để trục lợi diễn ra phổ biến, nhất là trên tuyến biển Tây Nam. Đây được xem là một trong những thủ đoạn mới đang gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra và xử lý của các lực lượng chức năng.
Theo đại diện Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, thời gian gần đây, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, song trên tuyến biển Tây Nam, tình trạng vận chuyển trái phép mặt hàng xăng dầu trên vùng biển đơn vị được phân công quản lý có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ năm trước; đặc biệt tại các khu vực biển giáp ranh với các nước Thái Lan, Campuchia. Để đấu tranh ngăn chặn, Vùng Cảnh sát biển 4 đã tích cực triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, tuần tra, kiểm soát và liên tiếp triệt phá hàng loạt vụ việc mua bán, vận chuyển, sang mạn dầu trái phép trên vùng biển Tây Nam.
Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiến hành kiểm tra, tiếp nhận, xử lý 74 vụ với 77 lượt tàu trong nước, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 71 vụ với 72 lượt tàu với số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 1,5 tỷ đồng, tịch thu gần 1,5 triệu lít dầu DO, bán phát mãi tài sản tịch thu nộp ngân sách nhà nước hơn 15 tỷ đồng. Riêng trong tháng 6 thực hiện tháng hành động cao điểm về phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật, Vùng Cảnh sát biển 4 đã phát hiện kiểm tra và bắt giữ 3 tàu vận chuyển trái phép với khoảng gần 200.000 lít dầu DO không hóa đơn, chứng từ.
Điển hình, ngày 16/6, tại khu vực vùng biển Tây Nam cách Nam - Đông Nam Hòn Khoai (Cà Mau) khoảng 66 hải lý, Hải đoàn 42 phát hiện tàu cá mang số hiệu TG-90659-TS do ông Võ Văn Tài, trú tại An Hòa Tây, Ba Tri, Bến Tre làm thuyền trưởng, đang vận chuyển khoảng 100.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Trong tháng 7, lực lượng Cảnh sát biển cũng bắt giữ, xử lý nhiều vụ vận chuyển dầu DO không rõ nguồn gốc trên biển. Điển hình, ngày 2/7, tại khu vực biển cách đảo Thổ Chu (Kiên Giang) khoảng 29 hải lý, Đoàn Trinh sát số 2 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện tàu cá số hiệu KG 91283 TS do ông Phạm Quang Vinh (trú tại Kiên Giang) làm thuyền trưởng. Tại thời điểm kiểm tra, tàu đang vận chuyển khoảng 70.000 lít dầu DO không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp.
Gần đây nhất, ngày 15/7, tại khu vực biển cách Tây Bắc đảo Thổ Chu, Kiên Giang khoảng 26 hải lý, Tổ Công tác Đoàn trinh sát số 2 Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã phát hiện tàu vỏ gỗ số hiệu KG 95945 TS, do ông Đàm Thanh Hoài, địa chỉ An Biên, Kiên Giang làm thuyền trưởng, tàu đang vận chuyển khoảng 50.000 lít dầu DO không có hóa đơn chứng từ hợp pháp.
Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm
Theo Đại tá Lương Đình Hưng, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, hầu hết các đối tượng khi vận chuyển hàng hóa thường không mang theo hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, các đối tượng tìm đủ mọi cách để đối phó như hợp thức hóa chứng từ, hóa đơn hoặc chuẩn bị sẵn lời khai, hồ sơ tài liệu của lô hàng để hợp thức hóa lô hàng.
Đặc biệt, với sự phát triển khoa học, nhiều đối tượng tội phạm đã sử dụng phương thức, thủ đoạn đa dạng, hoạt động tinh vi trên nền tảng thương mại điện tử trong các giao dịch, áp dụng công nghệ cao vào hoạt động này ngày càng chuyên nghiệp. Một trong những thủ đoạn là các đối tượng mua bán xăng dầu trên biển đều móc nối giao nhận dầu, tiền thông qua trung gian, hoạt động theo mô hình khép kín. Việc giao nhận dầu diễn ra trên biển nhưng việc giao nhận tiền lại được thực hiện khá tinh vi bài bản, người nhận tiền là người địa phương khác và chỉ sử dụng điện thoại bằng sim "rác" để liên lạc nên khi cơ quan chức năng bắt giữ thì việc xác định chủ buôn lậu dầu, chứng minh yếu tố buôn lậu, xử lý vấn đề gặp nhiều khó khăn.
Thậm chí, các đối tượng còn lắp đặt những thiết bị hiện đại trên tàu để xác định phương tiện của lực lượng chức năng đến khu vực giao nhận hàng. Ngoài ra, để đánh lạc hướng điều tra của lực lượng chức năng, các tàu vi phạm thường neo đậu ở vùng biển giáp ranh đường phân định rồi lợi dụng đêm tối chuyển tải hàng hóa sang các tàu nhỏ; thay đổi tên và số hiệu phương tiện, tuyến hành trình, cho phương tiện chạy lòng vòng trên biển khi không có nghi vấn mới nhanh chóng vận chuyển qua khu vực sang mạn cho các tàu cá...
Thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, lực lượng Cảnh sát biển đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát ở các vùng biển trọng điểm; thực hiện đồng bộ các giải pháp để phối hợp có hiệu quả với lực lượng chức năng trong phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép trên biển. "Chúng tôi thường xuyên tổ chức tuyên truyền các chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định tại Luật Cảnh sát biển Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật cho ngư dân để họ không tham gia, bao che, tiếp tay cho đối tượng mua bán, vận chuyển, sang mạn xăng dầu trái phép", Thiếu tướng Trần Văn Nam cho biết.
Theo nhận định, thời gian tới, giá cả mặt hàng xăng dầu trong và ngoài nước vẫn còn chênh lệch, nên nhu cầu mua xăng dầu bất hợp pháp diễn ra trên biển dự báo sẽ không giảm. Dù tình hình dịch COVID-19 và thời tiết diễn biến phức tạp, nhưng từ nay đến cuối năm, lực lượng Cảnh sát biển tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán, vận chuyển, sang mạn xăng dầu trái phép xăng dầu trên biển. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật để răn đe các đối tượng khác.