Sản xuất xanh – hướng đi tất yếu của doanh nghiệp để giữ thị trường

Thứ Sáu, 16/06/2023, 07:22

Từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 88.000 doanh nghiệp (DN) phải rời bỏ thị trường và nhiều DN đang hoạt động cầm chừng do thiếu hụt đơn hàng. Tuy nhiên, trong bức tranh ảm đạm đó, vẫn có không ít DN mở rộng thị phần và không thể tiếp tục nhận thêm đơn hàng do đã đầy công suất. Thực tế đó cho thấy, xu hướng thương mại xanh toàn cầu đang chi phối sâu rộng đến hoạt động sản xuất của DN.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh (HUBA) khẳng định: “Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là hướng đi bắt buộc và sống còn không chỉ riêng DN mà cho cả nền kinh tế của quốc gia. Tuy nhiên, để có thể lựa chọn hướng phát triển xanh vừa phù hợp nội lực của DN, vừa đáp ứng tiêu chuẩn xanh mà các thị trường quốc tế đang áp dụng là vấn đề không dễ”. Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi có đến 99% DN Việt là DN có quy mô sản xuất nhỏ và vừa, nội lực cạnh tranh yếu, vốn đầu tư mỏng.

Theo khảo sát của HUBA với các DN thành viên từ cuối năm 2022 đến nay cho thấy, các DN không đáp ứng tiêu chuẩn xanh khó tiếp cận đơn hàng, trong khi đó các DN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường lại không thể nhận thêm đơn hàng bởi đã quá công suất sản xuất. Điều đó cho thấy, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đã giúp DN vượt các rào cản, vươn mình mở rộng thị phần xuất khẩu (XK) tại các thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính nhất trên thế giới, cũng như nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm, hàng hoá cho thị trường nội địa.

Sản xuất xanh – hướng đi tất yếu của doanh nghiệp để giữ thị trường -0
Đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, các siêu thị tăng cường bán sản phẩm thân thiện môi trường của các doanh nghiệp.

Tại Hội thảo “Xu hướng tiêu dùng xanh: Cơ hội và thách thức cho DN hướng tới mục tiêu phát triển bền vững” ngày 15/6, do Viện Nghiên cứu phát triển, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh (CIIS) tổ chức, ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh (CIIS) thông tin: Kinh tế thế giới cũng như khu vực, trong đó có Việt Nam đang trong giai đoạn rất nhiều khó khăn với nhiều thách thức. Cùng với đó là một xu hướng hướng tới phát triển xanh hơn, phát triển bền vững hơn để đảm bảo cân bằng lợi ích giữa phát triển kinh tế, xã hội, môi trường đang ngày càng trở nên thách thức, cũng như cơ hội cho DN trong bối cảnh mới.

Sản xuất xanh, XK xanh, tiêu dùng xanh, … đã và đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn cầu như một giải pháp tích cực giúp giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Xu hướng này đang hình thành các tiêu chuẩn mới về môi trường và phát triển bền vững do các thị trường NK, nhà NK quy định. Do vậy, các DNXK cần phải kịp thời chuyển đổi và thích ứng nhanh với xu hướng xanh của thương mại quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam đang thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 3 FTA mới. Các FTA này có những cam kết liên quan đến vấn đề về môi trường, lao động và phát triển bền vững. Cùng với các cam kết trong FTA, thì hiện nay các quốc gia cũng đang ngày càng đưa ra những tiêu chuẩn mới cao hơn, chặt chẽ hơn đối với hàng NK. “Để tận dụng được những ưu đãi về thuế quan khi tham gia các FTA, ngoài việc thực thi các cam kết thì DN cũng lưu ý những xu hướng mới về tiêu dùng ở các thị trường NK, cũng như các nhãn hàng”, ông Vũ nói.

Nói về cơ hội và thách thức đối với DN Việt Nam khi chuyển đổi sang các mô hình sản xuất xanh hướng tới phát triển bền vững, ông Nguyễn Hữu Nghị, Chuyên gia xúc tiến xuất khẩu CBI, Hà Lan cho rằng, chuyển đổi sản xuất xanh đã tạo động lực tăng trưởng cho DN và mang lại nhiều cơ hội như tăng doanh số, có cơ hội tiếp cận nhiều khách hàng, nhiều thị trường hơn… Đặc biệt là tiếp cận các thị trường khó tính như Mỹ, EU. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất để DN chuyển đổi sản xuất xanh là vốn đầu tư.

Ngoài nguồn tín dụng xanh ưu đãi lãi suất từ các tổ chức tài chính, thì cần có các chính sách ưu đãi tín dụng, kích cầu đầu tư, nhằm khuyến khích DN mạnh dạn thay đổi từ công nghệ đến sản phẩm trong quá trình chuyển đổi xanh. Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, xu hướng tiêu dùng xanh đã trở nên phổ biến khi nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững, được thể hiện thông qua các cam kết tại COP26, COP27… Do đó, trong bối cảnh Việt Nam đang thực thi các FTA thế hệ mới, DN Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn các cam kết về môi trường trong các FTA để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn và xu hướng tiêu dùng tại các thị trường NK, tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế quan trong các FTA.

Theo các chuyên gia, để XK thì hàng hóa của DN phải đáp ứng được yêu cầu tối thiểu (bắt buộc) về quy định xuất xứ, dán nhãn (đầy đủ các thông tin), vệ sinh kiểm dịch động - thực vật, hàm lượng dư lượng hóa chất cho phép. Ngoài ra, một số thị trường còn yêu cầu một số quy định, chứng nhận và yêu cầu cao hơn nữa, đó là quy tắc ứng xử. Vì vậy, DN muốn XK sang thị trường nào thì cần nghiên cứu kỹ, đầu tư vào đúng thị trường đó. Tương tự, mỗi quốc gia có một tiêu chuẩn xanh khác nhau, do vậy các DNXK Việt Nam cần phải kịp thời chuyển đổi và thích ứng nhanh với xu hướng xanh của thương mại quốc tế và bản thân DN phải nhìn nhận việc chuyển đổi là tất yếu để duy trì, tăng khả năng cạnh tranh.

T.Hà
.
.
.