Rủi ro nào chực chờ 750 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn?

Thứ Tư, 03/08/2022, 09:59

Trong 3 năm 2022, 2023, 2024, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn vào khoảng gần 750.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là TPDN bất động sản và tổ chức tín dụng. Bộ Tài chính chỉ ra những rủi ro thị trường phải đối mặt.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2022, khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ đạt 257.857 tỷ đồng. Khối lượng phát hành tập trung chủ yếu trong tháng 1/2022, và bắt đầu giảm từ tháng 2 đến tháng 4. Cụ thể khối lượng phát hành trong tháng 1 là 55.900 tỷ đồng, tháng 3 là 48.800 tỷ đồng, tháng 4 là 30.600 tỷ đồng. Từ tháng 5, khối lượng phát hành tăng trở lại, trong đó, khối lượng phát hành trong tháng 5 là 44.200 tỷ đồng và tháng 6/2022 là khoảng 47.500 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp (DN) cũng đã mua lại trước hạn khoảng 61.900 tỷ đồng TPDN.

Rủi ro nào chực chờ 750 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn? -0
Có hiện tượng “làm đẹp” hồ sơ doanh nghiệp để chào bán trái phiếu.

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144.500 tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2% (khoảng 62.470 tỷ đồng), khối lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn vào khoảng 29.160 tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng khối lượng trái phiếu đáo hạn. Năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng cao so với năm 2022, lần lượt là 271.400 và 329.500 tỷ đồng. Trong đó, tổng khối lượng trái phiếu bất động sản đến hạn là 207.800 tỷ đồng, trái phiếu của các tổ chức tín dụng đến hạn là 207.500 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đánh giá, cho đến nay, ngoại trừ trường hợp các trái phiếu bị hủy trong vụ Tân Hoàng Minh, theo báo cáo của các tổ chức phát hành tại Sở Giao dịch chứng khoán, các DN vẫn đang thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Mặc dù vậy, cơ quan này cũng lưu ý, việc khối lượng phát hành tăng nhanh thời gian gần đây cũng tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là khối lượng đáo hạn lớn tập trung trong giai đoạn 2022-2024, chủ yếu là trái phiếu của các DN bất động sản và tổ chức tín dụng.

“Với xu hướng kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, định hướng điều hành theo hướng tạo điều kiện cho các DN phục hồi và phát triển sau đại dịch, các DN sẽ có khả năng thanh toán đủ gốc, lãi đến hạn. Tuy nhiên, trường hợp các DN gặp khó khăn trong hoạt động sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán đủ gốc, lãi trái phiếu đến hạn", Bộ Tài chính nhận định.

Ngoài rủi ro liên quan đến lượng trái phiếu sắp đáo hạn, Bộ Tài chính cũng tiếp tục nhấn mạnh rủi ro liên quan đến nhà đầu tư khi nhiều nhà đầu tư cá nhân cố tình vi phạm quy định pháp luật để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp nhằm đầu tư vào TPDN riêng lẻ. Việc này có sự tiếp tay của các tổ chức phân phối trái phiếu, tổ chức tư vấn là công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại.

Hai hình thức vi phạm được phát hiện thông qua trường hợp Tân Hoàng Minh gồm: thứ nhất, sử dụng giả mạo giấy tờ xác nhận nhà đầu tư hoặc sử dụng các hợp đồng mua bán chứng khoán có kỳ hạn, hoặc sử dụng tài khoản vay ký quỹ; thứ hai, góp vốn thông qua hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư với các tổ chức hoặc cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo Luật Dân sự.

“Các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật này sẽ gây rủi ro cho nhà đầu tư, đồng thời cũng gây rủi ro cho thị trường khi DN lợi dụng tăng lãi suất phát hành để bán cho nhà đầu tư cá nhân. Khi tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, không trả được nợ, qua đó sẽ có thể có tác động dây chuyền, gây bất ổn cho thị trường tài chính. Bên cạnh đó, việc góp vốn theo hình thức hợp đồng dân sự không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Chứng khoán và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP nên nhà đầu tư sẽ không được bảo vệ quyền lợi hợp pháp theo pháp luật chứng khoán” – Bộ Tài chính nêu rõ.

Cùng với đó, Bộ Tài chính chỉ ra những rủi ro khác trên thị trường trái phiếu đến từ những chủ thể khác. Thứ nhất, đối với DN phát hành, tình hình tài chính của một số DN còn hạn chế. Một số DN phát hành để góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu của DN khác để chuyển vốn giữa các công ty, tránh quy định về giới hạn cho vay, đầu tư TPDN của tổ chức tín dụng đối với 1 khách hàng/nhóm khách hàng. Bên cạnh đó, có hiện tượng DN chào bán TPDN riêng lẻ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trở thành chào bán ra công chúng nhưng không thực hiện đăng ký.

Thứ 2, đối với tổ chức cung cấp dịch vụ, có hiện tượng xây dựng hồ sơ chào bán có lợi cho DN để huy động vốn mà không cung cấp đầy đủ chính xác thông tin công bố cho nhà đầu tư hoặc giả mạo hồ sơ, tài liệu liên quan đến mục đích sử dụng vốn, tài sản đảm bảo và báo cáo tài chính. Một số tổ chức phân phối trái phiếu tiếp tục lôi kéo khách hàng cá nhân từ danh sách khách hàng sẵn có nhưng cung cấp thông tin không đầy đủ, không đúng bản chất của sản phẩm trái phiếu để chào mời mua TPDN riêng lẻ.

Ngoài ra, theo quy định, tổ chức đại lý phát hành, tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu có trách nhiệm rà soát chào bán cho đúng đối tượng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và thực hiện đăng ký, chuyển nhượng trái phiếu cho đúng nhà đầu tư. Tuy nhiên một số tổ chức đại lý phát hành, tổ chức đăng ký lưu ký cung cấp các dịch vụ để hợp thức hóa hồ sơ xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để chào mời nhà đầu tư cá nhân mua TPDN riêng lẻ…

Hà An
.
.
.