Rất cần chính sách mới hỗ trợ hàng trăm nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm

Thứ Ba, 27/12/2022, 10:15

Thị trường lao động đang có rất nhiều biến động khi hàng loạt doanh nghiệp đặc biệt trong các lĩnh vực như: chế biến gỗ, dệt may, da giày… bị giảm đơn hàng. Hậu quả là chỉ trong vài tháng qua, hàng trăm nghìn lao động đã bị ảnh hưởng việc làm. Trong khi đó, dự báo tình trạng căng thẳng này sẽ còn tiếp tục kéo dài đến quý II/2023.

Cần khẩn trương xây dựng các chính sách mới hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn này là đề xuất của nhiều cơ quan, ban, ngành tại Hội nghị tổng kết một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 126 năm 2021 của Chính phủ ngày 26/12.

Hàng trăm nghìn lao động khó khăn

Gần 500 nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm, hơn 45 nghìn lao động phải buộc nghỉ việc do doanh nghiệp thiếu đơn hàng ở 44 tỉnh, thành trên cả nước là con số mới nhất được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cập nhật. Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh, dự báo tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng sẽ còn kéo dài, có thể đến hết quý II/2023.

“Qua khảo sát và nắm tình hình, chúng tôi cho rằng tình trạng khó khăn này có thể kéo dài đến hết quý II/2023. Và từ nay đến thời điểm đó có thể các doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục cắt giảm thêm hàng chục nghìn lao động, cùng với đó có thể sẽ có thêm khoảng 300 nghìn người nữa bị ảnh hưởng đến việc làm. Lượng đơn hàng sẽ hồi phục khi bước vào quý III/2023, và hy vọng 6 tháng cuối năm 2023 tình hình sẽ khả quan hơn”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh nhận định.

image001.jpg -0
Nhiều lao động mất việc làm do doanh nghiệp bị giảm đơn hàng cần có những chính sách hỗ trợ trong bối cảnh hiện nay.

Vấn đề đáng quan ngại theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện nay là số lượng người tìm kiếm được việc làm mới khi bị mất việc hiện nay không nhiều. Vừa trải qua một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thì nay lại tiếp tục đối mặt với khó khăn về việc làm chắc chắn đời sống của nhiều lao động sẽ lao đao.

“Chúng tôi kiến nghị với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan tham mưu cho Chính phủ cần sớm xây dựng một chính sách hỗ trợ mới cho hàng trăm nghìn lao động đang gặp khó khăn hiện nay do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng. Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã dừng triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 126 năm 2021 của Chính phủ, nhưng có thể xây dựng một chính sách hỗ trợ mới giống như thế để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ở góc độ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện chúng tôi cũng đang nghiên cứu một số chính sách hỗ trợ một lần, chẳng hạn như: lao động bị mất việc được hỗ trợ 3 triệu đồng/người; đối tượng phải tạm chấm dứt hợp đồng lao động được hỗ trợ 2 triệu đồng/người; các đối tượng phải giãn việc, nghỉ luân phiên có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu vùng cũng sẽ được tính toán hỗ trợ. Chúng tôi mong muốn các bộ, ban, ngành cũng sẽ nghiên cứu, tính toán để sớm có các chính sách hỗ trợ cho lao động phải ngừng việc, giãn việc”, ông Phan Văn Anh nói.

Tiếp tục triển khai chính sách đào tạo lại lao động

Theo bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) thì do biến động của tình hình thế giới khiến nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: da giày sụt giảm 20-30% đơn hàng; dệt may 25-30%; chế biến gỗ 70%; công nghiệp phụ trợ 50%... Hàng loạt doanh nghiệp đã phải cắt giảm công nhân khiến gần nửa triệu lao động bị ảnh hưởng. Do đó, xây dựng ngay các chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động là rất cần thiết lúc này.

“Nhà nước cần tạo cầu nối, minh bạch thông tin, có chính sách tạo liên kết giữa các doanh nghiệp trong thị trường lao động, giúp những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động có thể tiếp cận được nguồn lao động từ những doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm lao động do bị tác động bởi việc sụt giảm đơn hàng. Đặc biệt, có chính sách giúp những doanh nghiệp với các thủ tục đơn giản và kịp thời như đa dạng hóa nguồn tín dụng, nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp dễ tiếp cận; hỗ trợ về tài chính để doanh nghiệp duy trì đội ngũ và lực lượng lao động (vay trả lương cho người lao động); xem xét miễn giảm phí công đoàn, giãn đóng BHXH để doanh nghiệp có thêm nguồn lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng là giữ việc cho công nhân”, bà Vi Thị Hồng Minh kiến nghị

Cùng với đó, một trong những giải pháp quan trọng cần phải được triển khai theo bà Vi Thị Hồng Minh đó là hỗ trợ đào tạo lại lao động, nâng cao tay nghề để phù hợp với xu hướng việc làm hiện nay. Bà Minh cho rằng, đây là thời điểm phù hợp để đẩy mạnh công tác đào tạo lao động sau thời gian hơn 2 năm đại dịch COVID-19 với những đòi hỏi đã thay đổi của thị trường lao động.

“Giai đoạn COVID-19 vừa qua, những điều kiện "khắt khe" và thủ tục hành chính "rườm rà" khiến doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Do đó, chúng tôi khuyến nghị cần tiếp tục xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động với phương châm đơn giản hoá thủ tục. Chúng ta cần dành kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng cho người lao động theo mô hình hệ thống đào tạo hướng tới thị trường cạnh tranh”, bà Minh khuyến nghị.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh các doanh nghiệp ở một số lĩnh vực thâm dụng lao động hiện nay đang bị sụt giảm nghiêm trọng về đơn hàng cần thiết phải xây dựng các chính sách hỗ trợ mới, đặc biệt trong đó là các chính sách duy trì việc làm, nâng cao trình độ cho người lao động.

“Thời gian qua chính hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động đã tiếp nhận và thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ cho 66 đơn vị sử dụng lao động để đào tạo cho 8.230 người với số tiền gần 39 tỷ đồng. Kết quả thực hiện trên quá thấp so với dự kiến do các nguyên nhân như: điều kiện xét hưởng khá chặt; thời điểm thực hiện chính sách diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương bị phong tỏa, giãn cách xã hội nên không thực hiện được; sau giãn cách thì các doanh nghiệp tập trung sử dụng lao động cho phục hồi sản xuất kinh doanh nên không thể bố trí lao động để đào tạo lại. Do đó, trong bối cảnh hiện nay khi hàng trăm doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng, hàng trăm nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm, chúng ta cần tiếp tục xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ duy trì việc làm, nâng cao tay nghề cho người lao động dù các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 126 của Chính phủ dừng triển khai”, ông Thọ đề xuất.

Ở góc độ là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về các chính sách hỗ trợ, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, cũng sẽ có những đề xuất hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trong tình mới hiện nay. “Chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi tình hình đơn hàng của doanh nghiệp trong việc bị thu hẹp thị trường, sản xuất kinh doanh. Cùng với đó là theo dõi sát tình trạng người lao động bị ảnh hưởng việc làm để xây dựng những chính sách hỗ trợ phù hợp”, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết.

Phan Hoạt
.
.
.