Rào cản mở rộng thị trường xuất khẩu lao động

Thứ Hai, 29/01/2024, 06:01

Theo con số của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, lao động Việt Nam ra nước ngoài làm đã xác lập kỷ lục mới khi có hơn 155.000 người trong năm 2023. Người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc đã tăng dần qua từng năm, đó là cơ sở để mở rộng thị trường đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, hướng các thị trường có thu nhập cao.

Thế nhưng câu chuyện chất lượng lao động có thể là một trong những rào cản. Điển hình là việc ngày 26/1 vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa phải có yêu cầu rà soát, chấn chỉnh hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở Rumania với nguyên nhân xuất phát chủ yếu từ ý thức ý luật của người lao động chưa tốt.

phong-van-xuat-khau-lao-dong.jpg -0
Cần có các giải pháp nâng cao chất lượng, uy tín, hình ảnh của lao động Việt Nam khi ra nước ngoài làm việc.

Ý thức một bộ phận lao động chưa tốt

Ngày 26/1, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài yêu cầu rà soát, chấn chỉnh hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở Rumania. Nguyên nhân theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là do gần đây lao động Việt Nam sang Rumania làm việc phát sinh tình trạng tụ tập uống rượu, đánh bạc, bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc nghe theo đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ di cư trái phép sang nước khác.... đã gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người lao động Việt Nam làm việc tại Rumania. Trong khi đó đây là thị trường trọng điểm, tiềm năng. Từ năm 2018 đến nay, Rumani đã tiếp nhận gần 11.000 lao động Việt Nam. Lao động Việt Nam sang Rumani làm việc thủ tục cấp visa thông thoáng và nước bạn có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài. Lao động Việt Nam làm việc tại Rumani phần lớn có việc làm và thu nhập ổn định. Do đó, để giữ ổn định và phát triển thị trường lao động Rumania, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cầu các doanh nghiệp nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Rumania. Các doanh nghiệp cần tuyển chọn, sàng lọc những lao động thực sự có nhu cầu đi làm việc hợp pháp tại Rumani. Trong thời gian người lao động tham gia khóa đào tạo, doanh nghiệp phải theo dõi, rà soát, loại khỏi danh sách lao động không thực sự có nhu cầu sang Rumani làm việc, lao động có ý thức, kỷ luật không tốt, lao động ham chơi cờ bạc, nghiện rượu. Rà soát danh sách lao động bỏ trốn theo quê quán (thôn/xóm, xã/phường...) để xác định các địa phương có nhiều lao động bỏ hợp đồng, trốn sang nước thứ ba để có phương án tuyển chọn phù hợp cho các đợt tuyển dụng tiếp theo.

Ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật của một bộ phận người lao động Việt Nam khi ra nước ngoài làm việc những năm qua là vấn đề rất cần được quan tâm. Điển hình như việc đưa lao động Việt Nam bỏ trốn khi sang Hàn Quốc làm việc. Theo báo cáo của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thì hiện nay số lao động cư trú bất hợp pháp 34,5%, trong khi tỷ lệ cam kết với phía Hàn Quốc là 28%. Mặc dù hai bên đã đưa ra nhiều biện pháp chống trốn như phía Việt Nam yêu cầu lao động ký quỹ 100 triệu đồng; ngừng đi làm việc tại nước ngoài 2-5 năm; hạn chế thi năng lực tiếng Hàn; dừng tuyển chọn ở các địa phương có tỷ lệ bỏ trốn cao… Tình trạng lao động bỏ trốn còn diễn ra phức tạp ở những thị trường lớn khác như Nhật Bản hay Đài Loan…

Phải nâng cao chất lượng lao động

Bên cạnh việc giữ vững các thị trường lớn truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, mục tiêu thời gian tới của lĩnh vực đưa lao động ra nước ngoài làm việc là mở rộng và hướng đến các thị trường có thu nhâp cao ở Châu Âu, Úc, Mỹ… Thế nhưng, dựa trên thực tế nhiều chuyên gia cho rằng việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hiện còn những tồn tại, hạn chế. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động xuất khẩu, cần giám sát chặt chẽ công tác tuyển chọn, đào tạo lao động của các doanh nghiệp. Cùng với đó là chú trọng kết nối doanh nghiệp với các trường nghề để tuyển chọn và đào tạo nguồn lao động chất lượng.

Nói về chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hiện nay chưa cao, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Nguyễn Gia Liên thừa nhận, điểm yếu đầu tiên của lao động Việt Nam hiện nay chính là ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật. Đây là vấn đề đã được nêu ra nhiều trong thời gian qua, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Giỏi tiếng bản địa thì lao động có vị trí công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn. “Chúng ta đang đặt mục tiêu không chỉ nâng cao số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài mà còn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng lao động. Do đó, việc nâng cao chất lượng lao động được đặt lên hàng đầu. Điều này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người lao động đi xuất khẩu mà còn tạo uy tín thương hiệu cho lao động Việt Nam”, ông Liêm nói. Về giải pháp khắc phục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, cần có chính sách nâng cao chất lượng nguồn lao động, bố trí nguồn lực về tài chính để đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các hỗ trợ cho người lao động học tập nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề, ngoại ngữ.

Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam Doãn Mậu Diệp cũng cho rằng, cần phải có các giải pháp nâng cao chất lượng lao động, ý thức kỷ luật của lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo ông Diệp, cần phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp, để học viên sau khi ra trường có thể ra nước ngoài tiếp tục học tập, nâng cao tay nghề và làm việc được ở môi trường chuyên nghiệp. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người lao động. Một vấn đề quan trọng không kém là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để người lao động nâng cao hiểu biết và tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động của nước sở tại. “Phải tuyên truyền, giáo dục về các giá trị, lợi ích cho người lao động khi hình thành và nâng cao ý thức thực hiện pháp luật lao động, tạo nên những hình ảnh đẹp của người lao động Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Cùng với đó, cũng cần có cơ chế, chính sách cụ thể trong việc ràng buộc về kinh tế đối với tổ chức, doanh nghiệp cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài và đối với người lao động. Cần có chính sách cụ thể, có chế tài đủ mạnh đối với những doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng nghĩa vụ đối với người lao động đưa đi làm việc tại nước ngoài. Có cơ chế ràng buộc về kinh tế đối với các doanh nghiệp và với người lao động, để cùng cam kết với Nhà nước xây dựng thương hiệu cung cấp lực lượng lao động chất lượng cao, uy tín”, ông Diệp nói.

Phan Hoạt
.
.
.