Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam ước tính đạt 36 tỷ USD

Thứ Năm, 21/11/2024, 14:34

Bán buôn, bán lẻ trên internet ghi nhận đà tăng trưởng mạnh, 1 người tiêu dùng Việt Nam bình quân mua hàng trực tuyến 4 lần/tháng.

Tại Diễn đàn Chuyển đổi số ngành Công Thương với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, nền kinh tế Việt Nam được dự đoán tăng trưởng năm 2024 cao hơn năm 2023 từ 0,9 đến 1,1 điểm phần trăm. Năm 2024 và các năm tiếp theo, với đà tăng trưởng mạnh mẽ như trên, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và trở thành một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024” do Google - Temasek công bố ngày 5/11 vừa qua, ước tính quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm ngoái.

Doanh nghiệp bán lẻ không chuyển đổi số có nguy cơ mất thị trường -0
Chuyên gia đang báo cáo nghiên cứu về thương mại điện tử tại diễn đàn.

TMĐT bán lẻ vẫn tiếp tục là trụ cột khi đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế Internet. Theo đơn vị nghiên cứu, tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam dự kiến tiếp tục ổn định nhờ vào lĩnh vực sản xuất và chế biến, cũng như xuất khẩu. Đến năm 2030, giá trị giao dịch toàn thị trường (GMV) có thể dao động từ 90-200 tỷ USD.

Về thúc đẩy kinh tế số địa phương thông qua chuyển đổi số lĩnh vực bán buôn bán lẻ, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, hiện Việt Nam có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 9.000 chợ truyền thống, 54.008 doanh nghiệp bán lẻ, 208.995 doanh nghiệp bán buôn, 5,20 triệu hộ kinh doanh. Trong số này, các cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống và doanh nghiệp bán lẻ đang chiếm 3,91% doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh và 3,19% tổng số lao động; còn doanh thu của 208.995 doanh nghiệp bán buôn chiếm khoảng 27,60% và khoảng 8,76% tổng số lao động hoạt động trong lĩnh vực bán buôn. 

Toàn bộ hoạt động bán buôn, bán lẻ đang đóng góp gần 10% cho GDP quốc gia năm 2023, cho thấy tầm quan trọng của bán buôn, bán lẻ trong phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Doanh nghiệp bán lẻ không chuyển đổi số có nguy cơ mất thị trường -0
Việt Nam có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 9.000 chợ truyền thống.

“Bán buôn, bán lẻ trên internet ghi nhận đà tăng trưởng mạnh, 1 người tiêu dùng Việt Nam bình quân mua hàng trực tuyến 4 lần/tháng. Việt Nam là một thị trường tiềm năng với hơn 100 triệu dân, lại nằm cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN. Quy mô thị trường năm 2023 đứng thứ 3 Đông Nam Á sau Indonesia và Thailand”, ông Tuấn cho hay.

Nhiều chuyên gia kinh tế có chung nhận định, chuyển đổi số trong ngành bán lẻ đang làm thay đổi nhanh chóng cách người tiêu dùng mua sắm. Mua hàng online, thanh toán online và kinh doanh mặt hàng thiết yếu trên các sàn TMĐT đã dần quen thuộc trong cuộc sống hiện đại.

Song, ông Trần Minh Tuấn cũng cho rằng, bán buôn, bán lẻ cũng đối diện với các nguy cơ và thách thức như: Các cửa hàng truyền thống sẽ không thể tồn tại do khả năng cạnh tranh thấp, tiếp cận thị trường hạn chế; không cạnh tranh được với các địa phương khác hay các nước xung quanh; an ninh hàng hóa, an ninh tài chính gặp nhiều rủi ro bởi TMĐT xuyên biên giới.

Lưu Hiệp
.
.
.