Quy hoạch chợ truyền thống cần kết hợp dịch vụ du lịch

Thứ Sáu, 13/01/2023, 07:13

TP Hồ Chí Minh với 235 chợ truyền thống, phân phối hàng hóa tiêu dùng chiếm đến 70-75% thị phần trên địa bàn thành phố. Song song với việc mua sắm thì xu hướng du lịch chợ cũng được du khách trong và ngoài nước quan tâm, nhiều tour du lịch tăng cường khai thác.

Tuy nhiên, để quản lý và phát triển chợ truyền thống thì cần nhiều việc phải làm. Bởi trên thực tế, hệ thống chợ truyền thống đang còn nhiều bất cập khiến người tiêu dùng (NTD) ngần ngại đến mua sắm.

Điển hình, chợ Bến Thành (quận 1) được biết đến là chợ gắn liền với du lịch. Không chỉ phục vụ cho người dân thành phố trong việc mua sắm thực phẩm, hàng hóa thiết yếu mà chợ Bến Thành còn là điểm thu hút khách du lịch đến tham quan, mua sắm các mặt hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, hàng thời trang...

quy hoach2.jpg -0
Du khách mua sắm tại chợ Bến Thành.

Tuy nhiên, điểm trừ của chợ Bến Thành đó là tình trạng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Năm nào cũng vậy, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức những đợt kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với các sạp kinh doanh tại đây và lần nào cũng phát hiện số lượng lớn hàng giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài như Hermes, Louis Vuitton, Burberry, Versace, Adidas, Chanel… tập trung chủ yếu các mặt hàng thời trang như quần áo, túi xách, mắt kính, thắt lưng, ví, giày dép...

Tương tự, Trung tâm thương mại An Đông (quận 5) cũng là địa điểm nổi bật, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, nhưng tại đây cũng bán đầy rẫy hàng giả, hàng nhái. Khoảng cuối tháng 11/2022, Đội QLTT số 3 và Đội QLTT số 5 (thuộc Cục QLTT TP Hồ Chí Minh) kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với các sạp bán tại đây, và cũng đã phát hiện, thu giữ 3.073 sản phẩm gồm túi xách, thắt lưng, mỹ phẩm, giày, dép, quần, áo, … giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng nước ngoài đang được bảo hộ tại Việt Nam. 

Còn tại các chợ đầu mối, lượng nông sản từ các tỉnh nhập vào để cung ứng cho thị trường thành phố thông qua 3 chợ đầu mối khoảng 7.600 tấn/ngày và thời điểm cận Tết, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến khoảng 13.000 – 15.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, với lượng hàng vào chợ đầu mối lớn nhưng vấn đề sơ chế tại nguồn chưa được các địa phương thực hiện tốt nên lượng rác thải của nông sản tại các chợ đầu mối khá lớn gây ô nhiễm môi trường và cảnh quang xung quanh. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại chợ đầu mối gần như đang bị thả nổi.

Ông Nguyễn Tấn Quang Vinh - Giám đốc bộ phận Kinh doanh - Dịch vụ Công ty CP quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết, mỗi ngày có khoảng 2.523 tấn rau, trái cây và hoa tươi nhập về chợ đầu mối Thủ Đức. Việc sơ chế hàng hoá tại nguồn cũng đã được đơn vị vận động trước khi hàng đưa vào chợ đầu mối nhưng công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, công ty vừa tăng cường công tác vận động, vừa kiên quyết xử lý vi phạm, không cho sơ chế hàng hóa trong nhà lồng chợ, hàng hóa phải được sơ chế trước khi nhập chợ nên cũng đã có chuyển biến đáng kể. Từ 3 điểm “tập kết” rác xung quanh chợ trước đây, nay giảm chỉ còn 1 điểm.

Ngoài những vấn đề bất cập trên, nhìn chung hệ thống chợ tại TP Hồ Chí Minh cơ sở vật chất xuống cấp, một số chợ chưa đầu tư xử lý hệ thống nước thải, thiếu công trình phụ trợ, thiếu tiện ích, không có nơi giữ xe, không có nơi giữ hàng hóa, chưa kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chất lượng ATVSTP… và đó cũng chính là những lý do khiến người dân e ngại khi đến chợ mua sắm.

Nhằm quản lý và phát triển chợ truyền thống thích ứng với xu hướng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của chợ truyền thống và giới thiệu cơ hội kinh doanh mới cho thương nhân sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong năm 2022, TP Hồ Chí Minh tổ chức các lớp tập huấn để hỗ trợ thương nhân một số chợ nắm bắt phương thức kinh doanh hiện đại và tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ trong quảng bá, giới thiệu hàng hóa, sản phẩm. Thành phố cũng triển khai mô hình “Chợ truyền thống trực tuyến”.

Đến nay đã thực hiện tại 30 chợ, 12.079 đơn hàng với tổng giá trị hơn 4 tỷ đồng. Hiện, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện dự kiến tiếp tục triển khai tại chợ Tân Định, chợ Thái Bình (quận 1), chợ Vườn Chuối (quận 3), chợ Minh Phụng, An Dương Vương (quận 6).

Với đề án “Phát triển hệ thống chợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thích ứng với bối cảnh dịch bệnh phát sinh và chuyển đổi số nền kinh tế” đã được UBND TP phê duyệt, Sở Công thương được giao phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện từ 2020 đến 2030 và tầm nhìn đến 2035, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong chuyển đổi số.

TS. Trần Thị Hồng Liên, Đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, nếu trước đây người dân đi du lịch thì chỉ tham quan danh thắng cảnh đó thôi, nhưng bây giờ du lịch thì được coi là nơi mình có những trải nghiệm tốt đẹp không chỉ đối với phong cảnh ở nơi đó mà còn có dịch vụ nữa. Trên cơ sở đó, hệ thống chợ truyền thống không chỉ đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu của tiểu thương, đơn vị kinh doanh buôn bán mà còn là dịch vụ du lịch nữa.

Thúy Hà
.
.
.