Quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật - vấn đề nhức nhối
Lợi dụng nhu cầu dùng thuốc chữa bệnh, TPCN của người dân cao, nhiều đối tượng quảng cáo dược phẩm, TPCN giả, kém chất lượng trên các trang mạng xã hội, trang điện tử có tên miền từ nước ngoài, quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn để đánh lừa người tiêu dùng...
Hiện nay, việc quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) trên các trang mạng xã hội còn tràn lan, sai sự thật; việc kiểm tra, kiểm nghiệm TPCN có chứa dược liệu còn nhiều khó khăn, nhiều sản phảm không rõ nguồn gốc, xuất xứ còn lưu hành trên thị trường… Đó là những vấn đề “nóng” trong báo cáo công tác quản lý cung ứng và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thành phố năm 2022-2023, sau khi Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân (VHXH HĐND) TP Hồ Chí Minh đã có đợt kiểm tra, khảo sát về công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thành phố (từ ngày 19/4 - 7/5/2024).
Theo ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban VHXH HĐND TP Hồ Chí Minh, đợt kiểm tra, khảo sát của Ban đã phát hiện nhiều vấn đề đáng lưu ý liên quan đến công tác quản lý cung ứng và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thành phố. Trong đó, những nội dung liên quan đến TPCN có nhiều thông tin đáng phải xem xét, lưu ý.
Theo đó, ghi nhận qua khảo sát của Ban VH-XH cho thấy số lượng giấy xác nhận nội dung quảng cáo TPCN được cấp chưa nhiều so với hoạt động quảng cáo thực tế; tỷ lệ TPCN vi phạm về chất lượng hàng năm còn cao (7-8%/tổng số mẫu được kiểm tra)…
Hiện nay, thực tế các nhà thuốc hoạt động kinh doanh thuốc và cả TPCN nên công tác quản lý còn sự chồng chéo giữa Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm với các cơ quan quản lý chuyên ngành khác. Quá trình thanh tra, kiểm tra cũng gặp một số khó khăn khi xử lý việc kinh doanh, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm, TPCN qua mạng xã hội (Facebook, Zalo…). Cụ thể, khó khăn trong việc xác định chủ thể thực hiện hành vi vi phạm liên quan đến việc quảng cáo; địa chỉ kinh doanh là địa điểm ảo, không có thật; hình thức giao dịch mua bán qua điện thoại, địa điểm giao nhận không cố định, không phải là cơ sở kinh doanh thuốc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép.
Lợi dụng nhu cầu dùng thuốc chữa bệnh, TPCN của người dân cao, nhiều đối tượng quảng cáo dược phẩm, TPCN giả, kém chất lượng trên các trang mạng xã hội, trang điện tử có tên miền từ nước ngoài, quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn để đánh lừa người tiêu dùng làm cho cơ quan quản lý không quản lý được nội dung quảng cáo nên không xác định được chủ thể quảng cáo và không có cơ sở để xử lý vi phạm.
Trong công tác rà soát quảng cáo TPCN trên trang thông tin điện tử (chủ yếu thực phẩm bảo vệ sức khỏe), năm 2022, Sở An toàn thực phẩm cũng đã rà soát, tổng hợp 13.340 sản phẩm, phát hiện 80 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm đã chuyển bộ phận thanh tra xử lý, giám sát. Tính lũy kế từ đầu năm 2023 đến quý 1 năm 2024, Sở An toàn thực phẩm rà soát, tổng hợp 18.790 sản phẩm, phát hiện 182 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, xác định được chủ thể vi phạm chuyển bộ phận thanh tra xử lý, giám sát (Quảng cáo sản phẩm có công dụng là thuốc chữa bệnh; dùng hình ảnh bác sĩ, người bệnh; thiếu khuyến cáo “sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh).
Với Cục Quản lý thị trường, năm 2023, Cục cũng đã kiểm tra và xử lý 279 vụ vi phạm; tang vật vi phạm bao gồm 364.948 đơn vị sản phẩm (viên, vỉ, hộp) dược phẩm, thuốc chữa bệnh, TPCN; trị giá hàng hóa vi phạm là 14,87 tỷ đồng; số tiền phạt thu nộp ngân sách là 5,74 tỷ đồng; buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Theo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, nhóm dược phẩm, mỹ phẩm và TPCN là hàng hóa đặc biệt, sản xuất, kinh doanh có điều kiện nhưng lại được làm giả, nhập lậu phổ biến. Ngoài kiểm soát chặt từ cửa khẩu, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng lậu thuộc nhóm hàng này cũng đã được lực lượng chức năng thành phố phát hiện, xử lý nhiều vụ.
Chỉ trong gần 5 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra, xử lý 17 vụ vi phạm đối với mặt hàng TPCN, đã tạm giữ 12.222 đơn vị sản phẩm (viên, chai, hộp) TPCN các loại nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trị giá khoảng gần 500 triệu đồng. Đơn vị này đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 216 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Tại hội thảo “Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong quản lý TPCN trên địa bàn năm 2024” do Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm, cho biết TPCN - bao gồm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, dinh dưỡng y học - đang “bùng nổ” từ sản xuất trong nước cho đến nhập khẩu, phân phối và sử dụng. Tuy vậy, hiện nay, chưa có điều khoản nào về việc cấm bán TPCN trên thị trường, trong chợ hay trên sàn giao dịch điện tử. Do đó, cần phải có luật hoặc có chương dành riêng cho sản phẩm này, làm sao để người dân không nhầm lẫn TPCN với thuốc.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN để đảm bảo chất lượng, an toàn sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng. Và các đơn vị cũng cần xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng và quảng cáo sai sự thật.