Phát triển tiềm năng của sản phẩm OCOP
OCOP là chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm” được triển khai tại các địa phương trên cả nước. Sản phẩm được lựa chọn tham gia chương trình OCOP là những sản phẩm thuần Việt, đặc sản địa phương đậm chất truyền thống.
Tại TP Hồ Chí Minh, chương trình OCOP bắt đầu triển khai từ năm 2019 và 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực được thành phố chọn để triển khai chương trình gồm: rau, hoa kiểng, bò sữa, heo, cá cảnh, tôm nước lợ. Để hỗ trợ 6 nhóm sản phẩm chủ lực, trong giai đoạn 2019 -2021, thành phố ban hành chính sách hỗ trợ lãi vay để phát triển sản phẩm OCOP.
Theo đó, những chủ thể phát triển sản phẩm OCOP của 6 nhóm sản phẩm này được ngân sách hỗ trợ một phần lãi vay từ 60 - 100%. Trong thời gian đầu triển khai, TP Hồ Chí Minh đã chọn 5 huyện ngoại thành để xây dựng thí điểm gồm: Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Sau hơn 2 năm thực hiện, đã có 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao. Ngoài 27 sản phẩm này, có thêm 1 sản phẩm OCOP được thành phố đánh giá 4 sao và đang đề xuất để được công nhận 5 sao.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp chịu nhiều tác động từ tình hình dịch bệnh, áp lực cạnh tranh thương mại trên toàn cầu, khiến nhiều loại nông sản trong nước không thể xuất khẩu được, người nông dân đã phải chặt bỏ nhiều loại cây trồng, việc phát triển sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp để phát triển bền vững ngành Nông nghiệp.
Theo đề án OCOP, dự kiến giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có đến 86 sản phẩm tiềm năng để tham gia chương trình OCOP. Như vậy, cần phải có giải pháp kết nối cung - cầu, trong đó có giải pháp đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản gắn với thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới, chuyển đổi số...
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Hải, đại diện Ban Thường vụ Đoàn khối Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho rằng, trên thực tế việc tiếp cận giữa doanh nghiệp nông nghiệp với thị trường tiêu thụ thông qua các sàn TMĐT vẫn còn nhiều rào cản, bài toán về kết nối cung - cầu trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều điểm bất cập.
Chẳng hạn, chủ thể OCOP phải có tư cách pháp nhân. Điều này cũng gây trở ngại khi người nông dân muốn tham gia chương trình nhưng không có tư cách pháp nhân; sản phẩm OCOP phải có nguồn gốc, nguyên liệu từ địa phương, trong khi vùng nguyên liệu nông nghiệp tại thành phố đang có xu hướng thu hẹp dần; chủ thể phải thể hiện được chiến lược, kế hoạch và khả năng phát triển và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp đã đủ năng lực cạnh tranh thì không có nhu cầu tham gia chương trình OCOP. Trong khi đó, nhiều HTX nông nghiệp (do nông dân tự liên kết) có nhu cầu, nhưng năng lực cạnh tranh còn thấp do thiếu vốn, công nghệ sản xuất lạc hậu…